Doanh số bán lẻ trực tuyến đạt gần 14 tỉ đô la trong năm 2021
Theo số liệu từ Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2022, sau 5 năm quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ này tại Việt Nam đã tăng gấp đôi, bởi năm 2017 thị trường chỉ đạt 6,2 tỉ đô la Mỹ. Con số dự báo cho thấy, năm 2022 quy mô thị trường này tại Việt Nam sẽ đạt 16,4 tỉ đô la Mỹ.
Cũng theo số liệu dự báo trong Sách trắng, năm 2022, ước tính, số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến ở Việt Nam lần đầu tiên có thể sẽ chạm mốc 60 triệu. Giá trị mua sắm trực tuyến của một người dùng sẽ tiếp tục tăng mạnh, dự báo sẽ đạt 260- 285 USD/người. Tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử B2C so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước sẽ vượt mốc 7% của năm 2021, đạt từ 7,2%- 7,8%.
Năm 2021, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam đạt 13,7 tỉ đô la Mỹ, tăng 1,9 tỉ đô la Mỹ so với năm 2020 |
Cũng trong 5 năm qua, số người mua sắm trực tuyến của Việt Nam đã tăng từ 33,6 triệu người vào năm 2017 lên 54,6 triệu người vào năm 2021. Giá trị mua sắm trực tuyến của một người cũng tăng từ 186 lên 251 đô la Mỹ sau 5 năm.
Năm 2021, Việt Nam có hơn 58,2% người dùng internet mua sắm qua mạng hằng tuần, trong khi con số này trung bình của toàn cầu là 58,4%. Còn con số này của Thái Lan là 68,3%, Malaysia 66,6%, Hàn Quốc 64,9%, Trung Quốc 64,4%…
Các hình thức thanh toán được người Việt mua hàng qua mạng lựa chọn sử dụng nhiều nhất trong năm 2021 vẫn là tiền mặt (thanh toán khi nhận hàng-COD), sau đó đến ví điện tử, thẻ ATM nội địa, thẻ tín dụng (hoặc thẻ ghi nợ nội địa).
Đáng chú ý là sau 11 năm, tỉ lệ thanh toán bằng tiền mặt khi mua hàng qua mạng tại Việt Nam chỉ giảm từ 78 xuống 73%. Tỉ lệ thanh toán bằng ví điện tử tăng từ 23 lên 37%, tỉ lệ thanh toán bằng thẻ ATM nội địa giảm từ 39 xuống 27%…
Các tiêu chí người tiêu dùng quan tâm khi mua sắm trực tuyến lần lượt từ cao xuống thấp gồm: uy tín của đơn vị bán hàng, giao hàng nhanh và linh hoạt theo lịch đặt của khách, nhiều chương trình chuyến mại, giá rẻ hơn so với mua tại cửa hàng, hàng hóa đa dạng luôn sẵn có, hàng hóa chất lượng và chính hãng…
Ngoài ra, Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam 2022 cho biết những trở ngại khi mua hàng trực tuyến gồm: chất lượng kém so với quảng cáo, lo ngại thông tin cá nhân bị tiết lộ, chi phí vận chuyển cao, chất lượng vận chuyển và giao nhận kém, dịch vụ chăm sóc khách hàng kém…
Còn những lý do mà khảo sát cho thấy một số người dân tại Việt Nam chưa mua sắm trực tuyến là: mua tại cửa hàng thuận tiện hơn, khó kiểm định chất lượng hàng hóa, không tin tưởng đơn vị bán hàng, sợ lộ thông tin cá nhân, chưa có kinh nghiệm mua hàng qua mạng…
Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số dẫn báo cáo của Google, Temasek và Bain&Company cho thấy, tại Việt Nam doanh thu kinh tế internet vào năm 2021 đạt 21 tỉ đô la Mỹ thì đến năm 2025 sẽ tăng lên thành 57 tỉ đô la Mỹ. So với các nước trong khu vực, quy mô kinh tế internet của Việt Nam năm 2021 bằng Malaysia, kém Indonesia (70 tỉ đô la Mỹ) và Thái Lan (30 tỉ đô la Mỹ), hơn Philipines (17 tỉ đô la Mỹ) và Singapore (15 tỉ đô la Mỹ).
Được biết nội dung Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam 2022 được xây dựng từ kết quả điều tra gần 5.000 người tiêu dùng và khoảng 10.000 doanh nghiệp, cùng với số liệu tổng hợp từ một số tổ chức có uy tín trên thế giới.
Đây là tài liệu được xuất bản thường niên nhằm tổng hợp, cập nhật thông tin, số liệu toàn cảnh về thương mại điện tử Việt Nam từ môi trường hạ tầng chính sách đến mức độ ứng dụng thương mại điện tử trong cộng đồng, doanh nghiệp. Dữ liệu trong Sách Trắng được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều thông tin hữu ích cho các đơn vị quản lý nhà nước, các chuyên gia, các tổ chức, cá nhân quan tâm đến lĩnh vực thương mại điện tử.