Hà Giang: Siết chặt quản lý thị trường, bảo đảm người dân đón Tết vui tươi, lành mạnh
Là một tỉnh nằm ở địa đầu của Tổ quốc với địa lý hành chính rộng cùng nền kinh tế còn nhiều khó khăn; trình độ dân trí, nhận thức của một bộ phận người dân trên địa bàn tỉnh Hà Giang còn hạn chế… là những nguyên nhân chính để nạn hàng giả, hàng nhái còn tồn tại và “có đất sống”.
Chưa kể, gần cuối năm, lượng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu phục vụ tết tăng cao, kéo theo nhiều loại hàng hóa giả, nhái, không rõ nguồn gốc trà trộn vào thị trường, ảnh hưởng đến quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng và những doanh nghiệp kinh doanh chân chính.
Trước thực trạng này, thực hiện Kế hoạch cao điểm của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Cục QLTT Hà Giang đã xây dựng chuyên đề, mở các đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp trước, trong và sau Tết, triển khai đến 11 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Mục tiêu là tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật; chú trọng giám sát, kiểm tra các mặt hàng thiết yếu tiêu dùng trong dịp trước, trong và sau Tết; các mặt hàng thiết bị y tế phục vụ cho công tác phòng, chống dịch.
Đồng thời, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm các sản phẩm hàng hóa thuộc danh mục cấm nhập khẩu; các sản phẩm hàng hóa thuộc nhóm bình ổn thị trường; các biểu hiện của hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật; vi phạm trong lĩnh vực đo lường chất lượng; lĩnh vực giá; lĩnh vực an toàn thực phẩm; thương mại điện tử; các ứng dụng bán hàng trực tuyến...
Trong dịp Tết, Cục QLTT Hà Giang đã xây dựng chuyên đề, mở các đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đảm bảo cho người tiêu dùng vui xuân đón Tết một cách an toàn |
Ông Vũ Quốc Khánh - Quyền Cục trưởng Cục QLTT Hà Giang cho biết, trong dịp cao điểm Tết, lực lượng QLTT Hà Giang sẽ phối hợp với lực lương chức năng như Hải quan, Biên phòng, Công an thực hiện các việc kiểm tra, kiểm soát, và xử lý vi phạm, bảo đảm tất cả những hàng hóa lưu thông trước, trong và sau Tết, về chất lượng, phẩm cấp, chủng loại hàng hóa phong phú, đảm bảo cho người tiêu dùng vui xuân đón Tết một cách tốt nhất. QLTT Hà Giang quyết tâm không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá; đảm bảo ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu Tết cho nhân dân.
Ghi nhận tại Đội số 8, Cục QLTT Hà Giang, phụ trách địa bàn huyện Quản Bạ và Yên Minh, từ khi triển khai Chuyên đề cao điểm của Cục, Đội số 8 đã thanh, kiểm tra gần 20 vụ việc, xử lý nhiều trường hợp vi phạm, các hành vi vi phạm nổi bật là bán hàng không niêm yết giá, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Ông Lê Tiến Quyền - Đội trưởng Đội QLTT số 8, Cục QLTT Hà Giang thông tin, thực hiện chỉ đạo của Tổng cục QLTT cũng như Cục QLTT Hà Giang, Đội số 8 đã tăng cường công tác quản lý địa bàn, thường xuyên phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng kiểm soát viên thị trường, tập trung kiểm tra, kiểm soát những mặt hàng trọng điểm, tiêu dùng nhiều trong dịp Tết như: lương thực thực phẩm, bánh kẹo, rượu bia… Nhất là trong giai đoạn dịch bệnh, Đội số 8 còn tăng cường kiểm tra, giám sát việc kinh doanh buôn bán các mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.
Bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, Cục QLTT Hà Giang cũng chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, nói không với việc sử dụng, buôn bán hàng giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ |
Bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, Chuyên đề cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường cuối năm của Cục QLTT Hà Giang còn chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng nâng cao nhận thức, nói không với việc sử dụng, buôn bán hàng giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, góp phần ổn định thị trường, nâng cao trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh trong công tác đấu tranh chống các hành vi vi phạm.
Lãnh đạo Cục QLTT Hà Giang kỳ vọng, việc kết hợp giữa hoạt động kiểm tra, kiểm soát cùng công tác tuyên truyền sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu các hành vi sử dụng, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh, từ đó, thiết lập được một thị trường lành mạnh, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp.