Hai năm thực thi EVFTA: Các doanh nghiệp đã tận dụng và hưởng lợi từ Hiệp định
Những hiệu ứng tích cực
Có hiệu lực từ 1/8/2020, Hiệp định EVFTA là một trong số ít những hiệp định về tiêu chuẩn rất cao mà Việt Nam đã tham gia trong thời gian vừa qua, với tỷ lệ tự do hóa thuế quan về cơ bản trên 90% trong vòng 7 năm thực hiện.
Trong giai đoạn đầu thực thi, mặc dù bối cảnh quốc tế không hoàn toàn thuận lợi, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu và các doanh nghiệp Việt Nam, song tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang EU vẫn đạt được những kết quả tích cực.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh phát biểu tại Hội nghị |
Đánh giá về Hiệp định, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết trong năm đầu thực thi EVFTA, trao đổi thương mại song phương đạt 54,9 tỷ USD, tăng 12,1% so với giai đoạn cùng kỳ (trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 34,5 tỷ USD, tăng 11,3%) và sang năm thứ hai đạt 61,4 tỷ USD, tăng gần 11,9% (trong đó xuất khẩu đạt 45 tỷ USD, tăng 17%).
Còn tính trong 11 tháng năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 57 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu đạt 43,5 tỷ USD, tăng 21%. Đáng chú ý, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều ghi nhận mức tăng trưởng rất tích cực như dệt may (tăng 24%), giày dép (tăng 19%), thủy sản (tăng 41%)…
Một điểm sáng nữa trong hoạt động xuất khẩu sang EU là tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ EVFTA. Nếu như năm 2021, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu sử dụng mẫu C/O Euro.1 đạt khoảng 8,1 tỷ USD, chiếm khoảng 20,2% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang EU, tăng 244% so với cùng kỳ năm trước thì trong 11 tháng năm 2022, tỷ lệ tận dụng ưu đãi ltăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2021.
“Báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có 4/10 doanh nghiệp Việt Nam đã từng hưởng lợi từ EVFTA, điều đó cho thấy những nỗ lực không mệt mỏi của các cơ quan quản lý ở cấp trung ương và địa phương, các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp trong suốt thời gian qua đã đơm hoa kết trái” ông Trần Quốc Khánh nói.
Còn theo ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), các mặt hàng xuất khẩu sang EU đều ghi nhận sự tăng trưởng tốt, kể cả nông nghiệp và công nghiệp.
Trong số đó, một số mặt hàng tận dụng được cao, như: rau củ quả tận dụng được trên 80%, thủy sản trên 70% và gạo trên 60% còn dệt may cũng tận dụng được khoảng 17% ưu đãi từ hiệp định EVFTA.
“Qua khảo sát của VCCI, năm 2016 có gần 80% doanh nghiệp quan ngại vấn đề cạnh tranh đối với kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường có FTA, song đến 2022 số lượng quan ngại về cạnh tranh không còn là vấn đề chính, điều đó cho thấy doanh nghiệp Việt Nam ngày càng tự tin hơn khi xuất khẩu sang các thị trường có FTA nói chung và thị trường có EVFTA nói riêng,” đại diện Vụ chính sách thương mại đa biên nhấn mạnh.
Chú trọng để nâng cao thị phần
Mặc dù dư địa và cơ hội từ thị trường EU còn rất rộng lớn, song theo lãnh đạo Bộ Công Thương, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn và vướng mắc khi tiếp cận thị trường này.
Cụ thể hơn là việc thương hiệu Việt Nam chưa được xây dựng hoặc chưa được biết đến nhiều tại các nước châu Âu, giá trị và lợi ích mà các doanh nghiệp Việt Nam thu về còn chưa tương xứng với tiềm năng.
Sau hai năm thực thi Hiệp định, có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã từng hưởng lợi từ EVFTA |
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc kinh doanh xuất khẩu, Tập đoàn Lộc Trời cho hay đối với mặt hàng gạo, để xuất khẩu được vào EU, doanh nghiệp cần có chuỗi giá trị bền vững từ khâu giống, phân bón, thuốc, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật mới có hạt gạo đạt tiêu chuẩn xuất đi EU.
“Đó là thách thức lớn, doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất đi thị trường này phải rất nỗ lực và tâm huyết. Nếu chỉ một lô hàng vi phạm các quy định, bị đưa vào danh sách đen sẽ hoàn toàn mất đường xuất sang châu Âu,” ông nói.
Còn theo ông Phạm Tuấn Khải, Giám đốc Công ty thực phẩm Phú Gia Food, hiện doanh nghiệp có sản phẩm thịt gà xuất khẩu sang thị trường EU, năng lực sản xuất có thể cung cấp cho EU từ 100-150 tấn/năm.
“Số lượng để xuất khẩu không thành vấn đề, quan trọng là việc xây dựng hành lang pháp lý để đáp ứng đúng tiêu chuẩn của EU yêu cầu, như quy định về thú ý, kiểm dịch…,” ông nói.
Thực tế cho thấy, dư địa cho việc hợp tác thương mại và đầu tư trong EVFTA còn rất lớn, trong khi tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đạt 2 con số thì tỷ trọng tại thị trường EU trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam lại còn rất khiêm tốn.
Ông Ngô Chung Khanh dẫn chứng, nếu như năm 2019 xuất khẩu của Việt Nam sang EU (bao gồm cả Anh) đạt 46,4 tỷ USD chiếm tỷ trọng 17,5% thì năm 2020 (không có Vương Quốc Anh) chỉ còn 12,4% và giảm xuống mức 11,9% vào năm 2021.
Hơn nữa, nhiều mặt hàng dù có tỷ lệ tận dụng ưu đãi cao như thủy sản, rau quả… nhưng giá trị xuất khẩu còn nhỏ.
Đơn cử, rau quả tỷ lệ tận dụng là 66,7%, nhưng kim ngạch xuất khẩu là 0,15 tỷ USD (chiếm 0,35% tổng kim ngạch xuất khẩu sang EU); thủy sản có tỷ lệ tận dụng là 76,9%, nhưng kim ngạch xuất khẩu là 1,1 tỷ USD (chiếm 2,7% tổng kim ngạch xuất khẩu sang EU) còn gạo tỷ lệ tận dụng là 193%, giá trị xuất khẩu 0,019 tỷ USD (chiếm 0,04%)...
Chỉ ra nguyên nhân, theo ông Ngô Chung Khanh, vẫn còn nhiều doanh nghiệp Việt Nam ngại hoặc chưa có điều kiện xuất khẩu sang EU, lý do là chưa nắm được thông tin, ngại nắm được thị trường về tiêu chuẩn kỹ thuật.
Do đó, ông cho rằng việc vào cuộc đồng bộ từ các phía sẽ giúp hiệu quả lớn hơn. Cụ thể, về phía doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị để xuất khẩu sang thị trường này, tiếp đến là kết nối với các cơ quan quản lý, các chuyên gia tư vấn để nhận được sự hỗ trợ, đồng thời giữa các doanh nghiệp cũng cần kết nối với nhau để tạo nên sức mạnh cũng như tiết kiệm chi phí, tránh được rủi ro từ thị trường nước ngoài.