Hoạt động sản xuất công nghiệp tháng 5 tiếp tục khởi sắc
Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 5 tháng 2022 của Bộ Công Thương ghi nhận, trên thế giới, trong 5 tháng đầu năm, kinh tế toàn cầu tiếp tục gặp khó khăn, thách thức do những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột giữa Nga và Ucraina. Chưa kể, sự gián đoạn nguồn cung, giá cước vận tại tăng đã làm giảm sức mạnh phục hồi của thương mại hàng hóa. Thêm vào đó, giá cả các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, phân bón tiếp tục tăng cao; một số mặt hàng đã chạm mốc kỷ lục ảnh hưởng đến phát triển của một số ngành sản xuất công nghiệp.
Ở trong nước, nền kinh tế tiếp tục mở cửa trong trạng thái bình thương mới, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, dịch Covid -19 cơ bản được kiểm soát nhờ tiến độ tiêm chủng nhanh, sự phục hồi kinh tế toàn cầu và một số động lực chính như: việc ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho sự phục hồi và phát triển kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách các thủ tục hành chính, quá trình chuyển đổi kỹ thuật số tại Việt Nam… đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong 5 tháng đầu năm 2022. Hầu hết các ngành, lĩnh vực, địa phương đều trong xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại.
Hoạt động sản xuất công nghiệp tháng 5 tiếp tục khởi sắc |
Bộ Công Thương cho rằng, tiếp nối những kết quả nổi bật trong 2 tháng gần đây, trong tháng 5/2022, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn cả nước tiếp tục đà hồi phục, cụ thể:
Trong tháng 5, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì xu hướng tăng với IIP tăng 4% so với tháng trước và tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 11,6%).
Tính chung 5 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 9,9%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng cho toàn ngành công nghiệp khi tăng 9,2% (cùng kỳ tăng 12,6%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,5%; ngành khai khoáng tăng 4,1%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,5%.
Đáng chú ý, chỉ số sản xuất 5 tháng đầu năm 2022 của một số ngành trọng điểm cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: than sạch tăng 13,4%; Alumin tăng 10,9%; ô tô tăng 10,3%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 14,5%; Bia các loại tăng 10,5%
Ở chiều ngược lại, sản phẩm sản xuất của một số ngành giảm như: phân DAP (Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) giảm 33,7%; Quặng Apatit giảm 19,8%; máy công cụ giảm 14,9%; điện thoại di động giảm 6,1%; ti vi giảm 18,2%.
Với những số liệ trên, Bộ Công Thương đánh giá, sản xuất công nghiệp trong 5 tháng đầu năm 2022 tiếp tục được khôi phục ở hầu hết các ngành, nhu cầu và sản lượng sản xuất đều tăng, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã hoạt động trở lại, nối lại các chuỗi cung ứng cơ bản thông suốt. Tuy nhiên, ở một số ngành sản xuất do nguyên vật liệu khan hiếm, giá tăng cao đã kìm hãm sự gia tăng của sản lượng sản xuất.