Không bỏ xử phạt hành chính với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Quốc hội vừa thảo luận trực tuyến về việc sửa đổi, bổ sung Luật sở hữu trí tuệ sau 16 năm thi hành. Đã có 26 đại biểu cùng tham gia thảo luận, phát biểu nhiều vấn đề còn tồn tại của dự thảo luật này, trong đó có vấn đề nổi bật là việc đề xuất loại bỏ biện pháp xử phạt hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Nhiều đại biểu nhận định, việc loại bỏ biện pháp xử phạt hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ dẫn đến khoảng trống pháp luật, tăng thêm gánh nặng tòa án trong khi Việt Nam chưa có tòa chuyên về sở hữu trí tuệ.
Cụ thể, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh (Đoàn Lào Cai) cho rằng, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi lần này đã thể chế hóa nghị quyết của Đảng, khắc phục được tồn tại bất cập để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo. Luật hóa cam kết liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ đã được ghi nhận trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Tuy nhiên, đại biểu Lan Anh băn khoăn về việc không áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với một số hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
“Việc thu hẹp phạm vi xử lý hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, sẽ làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, giảm vai trò chủ động của cơ quan Nhà nước trong việc phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này; đồng thời có nguy cơ dẫn đến gia tăng các hành vi vi phạm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ”, đại biểu Lan Anh nhấn mạnh.
Nhiều ý kiến cho biết, tại thời điểm này, xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính vẫn chưa thể bỏ được. |
Cùng quan điểm, Đại biểu Nguyễn Văn Huy (đoàn Thái Bình) cũng cho rằng, việc quy định không áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là không phù hợp.
“Bởi việc này sẽ dẫn đến khoảng trống pháp luật trong việc kịp thời phát hiện, ngăn chặn xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư kinh doanh ở nước ta.
Điều này cũng làm tăng thêm gánh nặng trong khi hệ thống tòa án hiện nay đang quá tải, tạo thêm thách thức cho đương sự khi sử dụng các biện pháp tố tụng dân sự”, đại biểu Nguyễn Văn Huy trao đổi.
Trước việc nhiều đại biểu Quốc hội không tán thành đề xuất bỏ xử phạt hành chính hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ khẳng định nghiêm túc tiếp thu và sẽ đề xuất Chính phủ giữ nguyên quy định xử phạt.
Liên quan đến nội dung này, mới đây, trong Tọa đàm “Nâng cao năng lực của cơ quan QLTT trong xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính” do Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức, bà Nguyễn Như Quỳnh - Phó Chánh Thanh tra phụ trách Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, hiện nay, 95% các vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được xử lý bằng biện pháp vi phạm hành chính. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cần giảm biện pháp xử phạt bằng hành chính, chuyển sang biện pháp tư pháp để phù hợp với xu thế toàn cầu.
“Điều này phải hết sức cân nhắc bởi hiện nay, hạ tầng của chúng ta chưa đảm bảo, năng lực thực thi của các lực lượng chức năng còn hạn chế. Thêm vào đó, các chủ thể quyền cũng mong muốn giữ lại biện pháp xử phạt hành chính”, bà Nguyễn Như Quỳnh nêu ý kiến.
Đồng tình, ông Kiều Dương - Vụ trưởng Vụ chính sách Pháp chế, Tổng cục QLTT cũng nhận định, ở Việt Nam hiện nay, xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính là một công cụ đặc thù và quan trọng trong hệ thống thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Tại thời điểm này, xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính vẫn chưa thể bỏ được.
Trong Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi lần này, có hai quan điểm được đưa ra, một là cần thu hẹp đối tượng áp dụng xử phạt hành chính trong vi phạm sở hữu trí tuệ, nhiên, quan điểm này chưa dành được sự đồng thuận cao trong quá trình thẩm tra và lấy ý kiến.
Hiện nay, dù còn nhiều quan điểm trái chiều về biện pháp xử phạt hành chính trong xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhưng do những ưu điểm vốn có như: thời gian giải quyết nhanh chóng, thủ tục gọn gàng, chi phí thấp…, do vậy, biện pháp xử phạt hành chính trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đang là giải pháp cứu cánh cho nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.