Liên tiếp phát hiện, thu giữ hàng chục tấn đường cát nhập lậu
Điển hình, mới đây nhất, ngày 22/8, qua công tác quản lý địa bàn, Đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 1, Cục QLTT Tây Ninh tiến hành khám phương tiện vận tải là xe ô tô tải thùng kín nhãn hiệu KIA, Biển số: 70C-027.52, Màu sơn: Trắng do ông Trần Văn T, địa chỉ: Khu phố Hòa Lợi, Phường An Hòa, Thị xã Trảng Bàng, Tỉnh Tây Ninh làm chủ phương tiện vận tải.
Đội QLTT số 1, Cục QLTT Tây Ninh kiểm tra phát hiện và tạm giữ 3.200 tấn đường cát nhập lậu từ Campuchia |
Tại thời điểm khám, ông Trần Văn T đang vận chuyển hàng hóa nhập lậu là đường cát do Campuchia sản xuất loại 50 kg/bao. Trên bao bì sản phẩm thể hiện ngày sản xuất 15/12/2022, hạn sử dụng 15/12/2025, với tổng trọng lượng là 3.200kg.
Chủ phương tiện vận tải là ông Trần Văn T không xuất trình được hóa đơn chứng từ đối với số lượng đường cát nêu trên và thừa nhận hành vi vi phạm vận chuyển hàng hóa là đường cát nhập lậu.
Đội QLTT số 1 tiến hành tạm giữ toàn bộ số Đường cát trên để tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.
Đội QLTT số 3, Cục QLTT tỉnh Bình Thuận kiểm tra và thu giữ 16 tấn đường cát vàng nhập lậu do Thái Lan sản xuất |
Trước đó, ngày 1/8, Đội QLTT số 3, Cục QLTT tỉnh Bình Thuận đã kiểm tra hộ kinh doanh trên địa bàn Thị trấn Phan Rí Cửa, Huyện Tuy Phong phát hiện và thu giữ 16 tấn đường cát vàng nhập lậu do Thái Lan sản xuất.
Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện tại hộ kinh doanh đang kinh doanh lô hàng 16 tấn đường cát vàng nhập lậu do Thái Lan sản xuất, lô hàng trên không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp; được mua trôi nổi trên thị trường theo trình bày của chủ hộ kinh doanh.
Đội QLTT số 3 đã ra quyết định tạm giữ toàn bộ lô hàng hóa vi phạm nêu trên và chuyển hồ sơ đề nghị Cục QLTT ra Quyết định xử lý theo quy định của pháp luật.
Tương tự, tại TP. Hồ Chí Minh, trong Quý I/2023, Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh đã kiểm tra, kiểm soát phát hiện 13 vụ vi phạm về đường cát, tạm giữ hơn 87,6 tấn đường cát không rõ nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu nhập lậu, trị giá ước tính hơn 1,5 tỷ đồng.
Thông tin về các thủ đoạn vận chuyển tinh vi của các đối tượng buôn lậu đường cát, ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Cục trưởng Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh cho biết, qua công tác nắm địa bàn, qua quá trình kiểm tra, rà soát, đường cát được vận chuyển từ hướng biên giới Tây Nam về sâu trong nội địa. Số đường nhập lậu chủ yếu là hàng có nguồn gốc xuất xứ Thái Lan hoặc không rõ nguồn gốc được các đối tượng mua trôi nổi trên thị trường để kinh doanh, trục lợi.
“Thủ đoạn các đối tượng dùng để ngụy trang, cất giấu; dùng để vận chuyển, kinh doanh đường cát nhập lậu, không rõ nguồn gốc ngày càng tinh vi, rất khó phát hiện.
Trong khâu vận chuyển, các đối tượng thường tập kết số lượng lớn hàng hóa từ biên giới vào phần đất liền của Việt Nam, tập kết, đưa hàng hóa vào các kho hàng (chủ yếu là nhà dân) để trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng. Sau đó, các đối tượng sẽ chia nhỏ hàng hóa đưa vào sâu trong nội địa tiêu thụ. Trong quá trình vận chuyển, các đối tượng ngụy trang phía bên ngoài thùng xe là các hàng hóa thuông thường, đôi khi là hàng phế liệu, là các thùng carton, vỏ lon, chai nhựa, cất giấu những bao đường nhập lậu phía sâu trong xe...”, Phó Cục trưởng Nguyễn Tiến Đạt chia sẻ.
Cũng theo ông Đạt, đối với việc kinh doanh đường cát nhập lậu, không rõ nguồn gốc, khi đưa được hàng hóa về các hộ kinh doanh, các đối tượng thường san, chiết sang vỏ bao đường của các thương hiệu uy tín trong nước để hợp thức hóa đường nhập lậu. Hoặc, các đối tượng sẽ san chiết ngay tại biên giới sang các bao tải trắng không in thông tin công ty, ngày sản xuất... hoặc các bao giấy dầu trọng lượng nhỏ để dễ dàng vận chuyển, đưa về nội địa tiêu thụ.
Để đối phó với thủ đoạn tinh vi của các đối tượng vận chuyển, kinh doanh đường cát nhập lậu, bên cạnh việc triển khai các biện pháp nghiệp vụ, trong thời gian qua, lực lượng QLTT cả nước, nhất là tại các tỉnh thành phố phía Nam cũng chủ động, linh hoạt, thường xuyên thay đổi phương thức kiểm tra, giám sát thị trường để ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm.
Trong thời gian tới, để ngăn chặn hiệu quả các hành vi vận chuyển, kinh doanh đường cát nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, lực lượng QLTT tăng cường công tác quản lý địa bàn, chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng trên địa bàn để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; Thường xuyên trao đổi và cung cấp thông tin đối với các Cục QLTT giáp ranh và các cơ quan chức năng ở biên giới để nắm bắt tình hình buôn lậu, vận chuyển trên các tuyến đường quốc lộ, địa bàn giáp ranh và kịp thời xử lý các vụ việc vi phạm.
Mặt khác, phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Mía đường Việt Nam và các Công ty sản xuất, kinh doanh mía đường trong việc cung cấp thông tin đối tượng có dấu hiệu vi phạm, kiểm định chất lượng và xác minh nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa.
Bên cạnh công tác kiểm tra, giám sát thị trường, lực lượng QLTT cũng tăng cường các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân kinh doanh đường cát thực hiện tốt các chủ trương chính sách, quy định của pháp luật; cam kết không lợi dụng hóa đơn, chứng từ thanh lý đường cát nhập lậu bị tịch thu hoặc hóa đơn mua bán đường trong nước nhằm mục đích gian lận cho đường cát nhập lậu.