QLTT. TP Hồ Chí Minh: Linh hoạt, chủ động các biện pháp ngăn chặn đường cát nhập lậu
Tạm giữ gần 90 tấn đường cát vi phạm trong Quý I
Là một thành phố có hoạt động kinh doanh sôi động nhất cả nước, ngay từ những ngày đầu năm 2023, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Hồ Chí Minh đã triển khai kế hoạch thực hiện nhiệm vụ, tập trung vào công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn, trong đó, chú trọng kiểm tra các khu vực địa bàn nổi cộm, các nhóm hàng hóa trọng điểm; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm nhằm ổn định thị trường.
Riêng đối với mặt hàng đường cát, xác định đây là một trong những nhóm hàng hóa trọng điểm nên ngay từ những tháng đầu năm 2023, lực lượng QLTT thành phố mang tên Bác đã tăng cường kiểm tra, giám sát, rà soát, phát hiện và xử lý nghiêm nhiều trường hợp vi phạm.
Thống kê sơ bộ, trong Quý I/2023, Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh đã kiểm tra, kiểm soát phát hiện 13 vụ vi phạm về đường cát, tạm giữ hơn 87,6 tấn đường cát không rõ nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu nhập lậu, trị giá ước tính hơn 1,5 tỷ đồng.
Trốn tránh sự kiểm tra của các lực lượng chức năng, các đối tượng san chiết đường nhập lậu sang các bao giấy dầu trọng lượng nhỏ để dễ dàng vận chuyển, đưa về nội địa tiêu thụ |
Điển hình, mới đây, ngày 25/3, Đội QLTT số 3 đã phối hợp với lực lượng Công an kiểm tra tại điểm chứa trữ và kinh doanh hàng hóa thuộc Hộ kinh doanh Diệu Thy, số 82B Đường Cao Văn Lầu, Phường 2, Quận 6. Kết quả kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 530 bao tương đương 26,5 tấn đường tinh luyện các loại. Số hàng hóa này còn nguyên bao bì chưa qua sử dụng, có xuất xứ từ Thái Lan.
Đáng lưu ý, trên bao bì sản phẩm không thể hiện ngày sản xuất, hạn sử dụng, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa, không có tài liệu chất lượng kèm theo. Tổng trị giá hàng hóa theo giá niêm yết trên 450 triệu đồng.
Trước đó, ngày 23/2, Đội QLTT số 2 cũng phối hợp, kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh Thái Hoàng Dũng tại đường Chu Văn An, Phường 1, Quận 6 và hộ kinh doanh Nguyễn Thị Thùy Oanh tại đường Gia Phú, Phường 3, Quận 6.
Qua kiểm tra, phát hiện và tạm giữ 22,25 tấn đường cát do Thái Lan sản xuất và 16,8 tấn đường cát không rõ nguồn gốc xuất xứ tại 2 hộ kinh doanh. Lô hàng có tổng trị giá trên 676 triệu đồng. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được các hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của số đường cát trên và khai nhận, mua hàng hóa từ nguồn trôi nổi trên thị trường. Một số được đóng vào bao bì giấy dầu không có nhãn hiệu, không có nhãn hàng hóa, sau đó đưa ra thị trường tiêu thụ.
Quý I/2023, Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh đã kiểm tra, kiểm soát phát hiện 13 vụ vi phạm về đường cát, tạm giữ hơn 87,6 tấn đường cát không rõ nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu nhập lậu |
Cũng trong tháng 2/2023, kiểm tra cơ sở kinh doanh địa chỉ số 15/4E ấp Thới Tây 1, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn do ông Nguyễn Trùng Dương làm Giám đốc, Đội QLTT số 18 đã tạm giữ 9.950kg đường cát do Thái Lan sản xuất có dấu hiệu nhập lậu. Cùng thời điểm, kiểm tra cơ sở không có đăng ký tên hộ kinh doanh tại địa chỉ số 43/8 ấp 4, xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn do bà Thái Thị Lan làm đại diện, tổ công tác khác thuộc Đội QLTT số 18 cũng đã tạm giữ 1.650 kg đường cát do Thái Lan sản xuất nhập lậu.
Ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Cục trưởng Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh cho biết, những tháng đầu năm 2023, tình hình vận chuyển trái phép mặt hàng đường có sự diễn biến phức tạp và tăng mạnh. Đặc biệt, trong tháng 2, 3/2023, hoạt động buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ gia tăng trên địa bàn thành phố với những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó nắm bắt.
Đối với hoạt động vận chuyển, kinh doanh đường cát nhập lậu, Phó Cục trưởng Nguyễn Tiến Đạt cho rằng, qua công tác nắm địa bàn, qua quá trình kiểm tra, rà soát, đường cát được vận chuyển từ hướng biên giới Tây Nam về sâu trong nội địa. Số đường nhập lậu chủ yếu là hàng có nguồn gốc xuất xứ Thái Lan hoặc không rõ nguồn gốc được các đối tượng mua trôi nổi trên thị trường để kinh doanh, trục lợi.
San chiết, đánh tráo bao bì, nhãn hàng hóa
Qua công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng đường cát, lực lượng QLTT TP. Hồ Chí Minh cho rằng, thủ đoạn các đối tượng dùng để ngụy trang, cất giấu; dùng để vận chuyển, kinh doanh đường cát nhập lậu, không rõ nguồn gốc ngày càng tinh vi, rất khó phát hiện.
Trong khâu vận chuyển, các đối tượng thường tập kết số lượng lớn hàng hóa từ biên giới vào phần đất liền của Việt Nam, tập kết, đưa hàng hóa vào các kho hàng (chủ yếu là nhà dân) để trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng. Sau đó, các đối tượng sẽ chia nhỏ hàng hóa đưa vào sâu trong nội địa tiêu thụ. Trong quá trình vận chuyển, các đối tượng ngụy trang phía bên ngoài thùng xe là các hàng hóa thuông thường, đôi khi là hàng phế liệu, là các thùng carton, vỏ lon, chai nhựa, cất giấu những bao đường nhập lậu phía sâu trong xe...
Đó là trong khâu vận chuyển, còn đối với việc kinh doanh đường cát nhập lậu, không rõ nguồn gốc, khi đưa được hàng hóa về các hộ kinh doanh, các đối tượng thường san, chiết sang vỏ bao đường của các thương hiệu uy tín trong nước để hợp thức hóa đường nhập lậu. Hoặc, các đối tượng sẽ san chiết ngay tại biên giới sang các bao tải trắng không in thông tin công ty, ngày sản xuất... hoặc các bao giấy dầu trọng lượng nhỏ để dễ dàng vận chuyển, đưa về nội địa tiêu thụ.
Để đối phó với thủ đoạn tinh vi của các đối tượng vận chuyển, kinh doanh đường cát nhập lậu, bên cạnh việc triển khai các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng QLTT TP. Hồ Chí Minh cũng chủ động, linh hoạt, thường xuyên thay đổi phương thức kiểm tra, giám sát thị trường |
Linh hoạt trong công tác kiểm tra, giám sát thị trường
Để đối phó với thủ đoạn tinh vi của các đối tượng vận chuyển, kinh doanh đường cát nhập lậu, bên cạnh việc triển khai các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng QLTT TP. Hồ Chí Minh cũng chủ động, linh hoạt, thường xuyên thay đổi phương thức kiểm tra, giám sát thị trường để ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm.
Theo đó, trong thời gian tới, để ngăn chặn hiệu quả các hành vi vận chuyển, kinh doanh đường cát nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện và triển khai nghiêm túc các chỉ đạo của Tổng cục QLTT và UBND Thành phố.
Song song đó, chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường công tác quản lý địa bàn, chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng trên địa bàn để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; Thường xuyên trao đổi và cung cấp thông tin đối với các Cục QLTT giáp ranh và các cơ quan chức năng ở biên giới để nắm bắt tình hình buôn lậu, vận chuyển trên các tuyến đường quốc lộ, địa bàn giáp ranh và kịp thời xử lý các vụ việc vi phạm.
Mặt khác, phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Mía đường Việt Nam và các Công ty sản xuất, kinh doanh mía đường trong việc cung cấp thông tin đối tượng có dấu hiệu vi phạm, kiểm định chất lượng và xác minh nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa.
Phó Cục trưởng Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Tiến Đạt nhấn mạnh, bên cạnh công tác kiểm tra, giám sát thị trường, lực lượng QLTT thành phố cũng tăng cường các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân kinh doanh đường cát thực hiện tốt các chủ trương chính sách, quy định của pháp luật; cam kết không lợi dụng hóa đơn, chứng từ thanh lý đường cát nhập lậu bị tịch thu hoặc hóa đơn mua bán đường trong nước nhằm mục đích gian lận cho đường cát nhập lậu.