Món ăn bài thuốc chữa mất ngủ hiệu quả
Từ xa xưa, phương Đông khuyên ăn uống thuận theo tự nhiên, mùa nào thức nấy sẽ có được khẩu vị và hiệu năng tốt nhất. Người phương Đông cho rằng, món ăn có công dụng như bài thuốc, nếu biết cách kết hợp các nguyên liệu với nhau sẽ giúp chữa bệnh, bồi bổ cho cơ thể. Do đó, người phương Đông luôn cố gắng kết hợp các vị thuốc trong bữa ăn hàng ngày để tạo ra bài thuốc có hiệu quả nhất.
Đông y phân loại món ăn thànhh “ngũ tính”: hàn – lương – bình – ôn – nhiệt (lạnh – mát – không nóng, không lạnh - ấm – nóng). Sự phân loại này không phải dựa trên nhiệt độ của món ăn mà dựa trên ảnh hưởng của món ăn với người sử dụng. Cùng với “ngũ tính”, Đông y còn có "ngũ vị", gồm vị cay, vị ngọt, vị chua, vị đắng và vị mặn. Vị của thuốc và hiệu năng của thuốc có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Việc xác định tính vị rất quan trọng trong đông y (tương tự như nắm được yếu tố vĩ mô) để có thể chuẩn đoán bệnh và lấy đúng thuốc, nếu xác định sai có thể gây tác hại xấu tới người dùng thuốc.
Mất ngủ là vấn đề thường gặp ở người cao tuổi. Tuy nhiên trong những năm gần đây, bệnh lý này xảy ra ở cả người trung niên và người trẻ tuổi do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân stress. Chứng mất ngủ nếu diễn ra thường xuyên phản ánh tình trạng sức khỏe nghiêm trọng, khiến chất lượng cuộc sống bị suy giảm. Mất ngủ nhiều trong ngày khiến cơ thể mệt mỏi, không đủ năng lượng để hoạt động ban ngày. Yêu cầu đặt ra là, làm thế nào để cải thiện tình trạng mất ngủ mà không bị phụ thuộc vào các loại thuốc tây để tránh các tác dụng phụ không mong muốn có thể xảy ra?
Với Đông y, sử dụng các món ăn bài thuốc chữa mất ngủ là giải pháp trị bệnh tự nhiên an toàn, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Các bài thuốc được gợi ý dưới đây là những kết hợp theo “ngũ tính”, “ngũ vị” để tạo ra những món ăn có tác dụng cải thiện chất lượng giấc ngủ, vừa ngon miệng lại dễ nấu.
1. Cháo đậu xanh thịt bằm chữa mất ngủ
Cháo đậu xanh là món ăn thanh mát thường được người dân sử dụng trong mùa hè để giải nhiệt, trị nóng trong, tiêu độc cho cơ thể. Ngoài ra, đây còn là món ăn bài thuốc giúp hỗ trợ điều trị mất ngủ hiệu quả.
Món cháo đậu xanh thích hợp cho những người bị mất ngủ do căng thẳng, nhiệt độc tích tụ nhiều trong cơ thể. Ngoài ra, món ăn này còn giúp điều hòa lục phủ ngũ tạng, tăng cường chức năng tiêu hóa, thư giãn thần kinh, giảm stress, tiêu trừ phiền nhiệt và cải thiện khả năng miễn dịch cho cơ thể.
Nguyên liệu:
- 50 gram đậu xanh
- 100 gram gạo nếp
- 30 gram gạo tẻ
- 100 gram thịt nạc lợn bằm
- Giá đỗ
- Lá tía tô, hành lá
- Các loại gia vị thông dụng
Cách chế biến:
- Trước tiên, vo gạo nếp, gạo tẻ cùng với đậu xanh cho sạch
- Thịt ướp hành củ bằm nhuyễn và một ít hạt nêm 15 phút cho ngấm rồi xào vừa chín tới
- Bỏ thịt, gạo cùng với đậu xanh vào nồi, đổ lượng nước vừa đủ nấu cho chín nhừ thành cháo có độ đặc vừa phải
- Sau cùng, nêm nếm thêm gia vị cho vừa miệng, thêm hành lá và lá tía tô tắt nhuyễn vào
- Nấu cho cháo sôi trở lại rồi tắt bếp
- Múc ra tô ăn khi còn nóng
- Sử dụng món cháo đậu xanh thịt bằm 2 – 3 lần trong tuần để dễ ngủ hơn vào ban đêm và ngủ sâu giấc hơn.
2. Thịt bò xào hoa thiên lý
Theo y học cổ truyền, hoa thiên lý có tính bình, vị ngọt, giúp dưỡng tâm, an thần, giải nhiệt, tiêu độc, nâng cao chất lượng giấc ngủ.
(Ảnh minh hoạ) |
Trong khi đó, thịt bò lại cung cấp nhiều protein và sắt cho cơ thể. Thường xuyên sử dụng thực phẩm này có tác dụng tái tạo các tế bào mới, đồng thời cung cấp nguồn năng lượng dồi dào và đảm bảo lưu lượng máu được cung cấp cho não bộ, duy trì hoạt động bình thường của hệ thần kinh trung ương.
Sự kết hợp giữa hoa thiên lý và thịt bò không chỉ đem đến cho bạn một món ăn ngon miệng, đầy đủ dưỡng chất mà còn giúp hỗ trợ điều trị mất ngủ. Món ăn này thích hợp cho mọi đối tượng, đặc biệt là những người bị mất ngủ kinh niên, mất ngủ do nhiệt hay do căng thẳng quá độ. Thịt bò và hoa thiên lý chỉ nên xào chín tới. Tránh đun nấu quá lâu sẽ khiến thịt bị dai mà rau thì mất đi độ giòn tự nhiên.
Nguyên liệu:
- 100 gram hoa thiên lý
- 200 gram thịt bò
- Tỏi bằm và các gia vị cần thiết
Cách chế biến:
- Rửa sạch thịt bò và thái lát mỏng, ướp với tỏi, một ít dầu ăn và hạt nêm trong 15 phút để thịt thấm đều gia vị
- Hoa thiên lý nhặt bỏ lá và cuộng già, rửa sạch, vớt ra rổ cho ráo nước
- Tiếp theo, phi thơm tỏi rồi bỏ thịt bò vào. Để lửa lớn, đảo nhanh tay cho thịt chín tái.
- Sau đó bỏ thêm hoa thiên lý vào, đảo đều, nêm nếm gia vị
- Xào thêm khoảng 3 phút thì tắt bếp
- Xúc thịt bò xào hoa thiên lý ra đĩa, rắc tiêu lên trên ăn kèm trong bữa cơm.
3. Chè long nhãn nấu hạt sen
Đây cũng là một trong những món ăn bài thuốc chữa mất ngủ đang được nhiều người ưa thích. Trong Đông y, hạt sen là dược liệu có tính bình, vị ngọt. Nó có tác dụng bổ tỳ, dưỡng tâm, lợi thủy, cải thiện chức năng hoạt động của thận, làm thư giãn thần kinh, giảm căng thẳng – một trong những nguyên nhân phổ biến gây mất ngủ. Ngoài ra, hạt sen còn cung cấp nhiều acid amin, tinh bột, chất xơ, phenylalanine hay methionine. Chúng giúp kích thích tiêu hóa, cải thiện tâm trạng, cải thiện sức khỏe tim mạch và nâng cao thể trạng một cách toàn diện.
Cùng với hạt sen thì long nhãn cũng là vị thuốc được dân gian tin dùng để trị mất ngủ tại nhà. Nguyên liệu này được biết đến với khả năng bổ tâm tỳ, thư giãn thần kinh, dưỡng huyết, ngăn ngừa thiếu máu não, chống suy nhược cơ thể.
Bạn có thể dùng hạt sen tươi hoặc khô để nấu chè chung với long nhãn. Tuy nhiên, dù dùng loại nào cũng cần chú ý loại bỏ sạch tâm sen trước khi nấu để chè không bị đắng.
Món chè long nhãn hạt sen có vị bùi béo của hạt sen kết hợp với hương vị ngọt thanh của long nhãn mang đến cho bạn một món ăn vặt rất ngon miệng và có lợi cho sức khỏe, đặc biệt là khi bị mất ngủ.
Nguyên liệu:
- 100 gram hạt sen tươi
- 300 gram long nhãn
- Đường phèn lượng đủ dùng
- 1 ống vani
Cách chế biến:
- Hạt sen lột sạch lớp vỏ lụa bên ngoài và dùng một cây tăm nhọn để loại bỏ tim sen màu xanh ở giữa mà không làm hạt sen bị bể đôi. Ngâm với nước 30 phút rồi đem hấp cách thủy cho chín
- Lần lượt bỏ từng hạt sen vào trong các cùi nhãn
- Đun sôi 1 ít nước rồi bỏ đường phèn vào nấu tan
- Tiếp tục bỏ long nhãn hạt sen vào nấu thêm khoảng 5 phút
- Tắt bếp, bỏ vani vào để tạo hương thơm
- Khi sử dụng bạn múc chè ra chén, để nguội rồi thưởng thức hoặc bỏ vào ngăn mát tủ lạnh trước khi dùng sẽ ngon miệng hơn.
4. Cháo cá chép nấu đậu đỏ
Cá chép cung cấp cho cơ thể một lượng lớn protein, chất béo lành mạnh và một số dưỡng chất khác như glycine, arginine, vitamin A, C, axit glutamic, sắt, canxi… Giá trị dinh dưỡng của loại cá này được đánh giá cao hơn hẳn so với cá lóc hay cá hồi.
Đặc biệt, thành phần tryptophan được tìm thấy trong cá chép có tác dụng kích thích sản sinh serotonin – một chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ có tác dụng thư giãn thần kinh, giảm căng thẳng, qua đó cải thiện chất lượng giấc ngủ cho bạn.
Tương tự như đậu xanh, đậu đỏ cũng có tính mát và chứa nhiều dưỡng chất quan trọng cho sức khỏe. Bạn có thể sử dụng đậu đỏ nấu cháo chung với cá chép để hỗ trợ chữa trị mất ngủ và bồi bổ sức khỏe. Món ăn này đặc biệt thích hợp cho bà bầu bị mất ngủ bởi nó còn giúp các mẹ an thai và cung cấp các chất dinh dưỡng giúp thai nhi phát triển khỏe mạnh, thông minh hơn.
Nguyên liệu:
- Một con cá chép
- 300 gram gạo tẻ
- 100 gram đậu đỏ
Cách chế biến:
- Cá chép cạo vảy, mổ bỏ nội tạng và rửa với muối cho sạch
- Đậu đỏ ngâm nước ấm 30 phút khi nấu sẽ nhanh chín hơn
- Gạo vo sạch, bỏ vào nồi nấu chung với cá chép và đậu đỏ đến khi chín nhừ
- Loại bỏ xương cá, nêm ít nước mắm, muối và hạt nêm cho hợp khẩu vị
- Múc cháo ra chén, rắc hành phi, ngò rí và một ít tiêu lên trên ăn khi cháo còn nón.
- Sử dụng món ăn bài thuốc chữa mất ngủ này mỗi tuần 2 lần để nhanh thấy được kết quả.
5. Canh hoa bách hợp nấu cá diếc
Món ăn này khá lạ miệng và không được nhiều bà nội trợ biết đến nhưng nó đặc biệt có lợi cho các đối tượng đang bị mất ngủ, khó ngủ.
Hoa bách hợp còn được biết đến với tên gọi khác là cây tỏi rừng. Nó có vị ngọt, đắng nhẹ giúp an thần, dưỡng tâm, lợi khí, bổ phế. Chính nhờ những tác dụng tuyệt vời này mà hoa bách hợp thường được sử dụng để làm trà uống hàng chữa mất ngủ. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng hoa bách hợp nấu canh với cá diếc ăn trong bữa cơm nhằm sớm tìm lại được giấc ngủ ngon trọn vẹn.
Nguyên liệu:
- 2 con cá diếc có trọng lượng khoảng 500 gram
- 25 gram hoa bách hợp tươi
- Gừng, hành lá, ngò và các gia vị cần thiết
Cách chế biến:
- Cá bỏ ruột, sơ chế sạch sẽ, cắt khúc vừa ăn. Có thể bỏ vào chảo rán sơ qua tùy theo sở thích cá nhân.
- Hoa bách hợp rửa sạch, để ráo nước
- Phi thơm hành, đổ thêm vào nồi một tô nước rồi nấu sôi. Tiếp tục cho cá vào nấu đến khi cá chín thì thêm hoa bách hợp vào
- Nêm nếm gia vị, dọn ăn kèm với cơm khi canh còn nóng
6. Canh gà hầm củ sen
Củ sen được y học cổ truyền sử dụng làm thuốc trị mất ngủ, tiêu độc cho gan, trị nóng trong, ổn định huyết áp và nhiều bệnh lý khác trong cơ thể. Phân tích thành phần của củ sen cũng cho thấy, thực phẩm này cung cấp nhiều chất sắt, kẽm, magie hay mangan. Chúng có tác dụng an thần, giảm cholesterol xấu trong máu, bảo vệ sức khỏe tim mạch, giúp bạn giảm căng thẳng, mệt mỏi và ngủ ngon giấc hơn.
(Ảnh minh hoạ) |
Để trị mất ngủ, củ sen thường được nấu canh chung với thịt gà. Loại thịt này rất giàu chất đạm cùng các loại acid amin tốt cho sức khỏe, giúp bổ sung nguồn năng lượng dồi dào cho cơ thể làm việc năng suốt, hiệu quả hơn.
Nguyên liệu:
- 500 gram thịt gà ta
- 500 gram củ sen
- 10 gram nấm hương
- Các loại gia vị
Cách chế biến:
- Thịt gà rửa sạch, chặt miếng vừa ăn, ướp với 1 chút gia vị 15 phút cho ngấm
- Nấm hương ngâm nước ấm cho mềm, thái làm đôi
- Củ sen gọt vỏ, thái khoanh mỏng
- Phi thơm hành, bỏ thịt gà vào xào cho chín tái rồi đổ thêm lượng nước đủ dùng vào
- Nấu sôi, vớt bọt rồi bỏ củ sen và nấm hương vào
- Tiếp tục đun trên lửa nhỏ cho đến khi các nguyên liệu chín mềm
- Nêm nếm gia vị, thêm hành, ngò rí thái nhuyễn vào, tắt bếp
- Sử dụng món ăn này như một món canh thông thường trong bữa cơm
7. Cháo trứng gà hạt kê
Nếu đang tìm kiếm một món ăn bài thuốc chữa mất ngủ hiệu quả, bạn có thể cân nhắc dùng món cháo trứng gà hạt kê. Món ăn này không chỉ cung cấp nhiều protein, sắt, canxi cho cơ thể mà còn giúp thanh nhiệt, bổ tỳ vị, an thần. Dùng món này mỗi tuần 3 lần sẽ giúp hỗ trợ cải thiện chất lượng giấc ngủ một cách an toàn cho bà bầu, người cao tuổi và các đối tượng khác.
Nguyên liệu:
- 1 quả trứng gà ta
- 100 gram hạt kê
Cách chế biến:
- Kê nhặt bỏ những hạt bị hư, rửa sạch, bỏ vào nồi nấu chung với 1 lít nước cho chín nhừ
- Đập trứng gà vào nồi cháo kê, quấy đều tay cho trứng tan ra
- Sau khoảng 5 phút, nêm nếm các loại gia vị sao cho vừa miệng rồi tắt bếp
- Dùng cháo kê trong bữa sáng hoặc các bữa phụ có tác dụng giảm lo âu, căng thẳng thần kinh và giúp bạn dễ đi vào giấc ngủ hơn.
8. Canh lạc tiên nấu thịt bằm
Trong dân gian, lạc tiên được sử dụng như một phương thuốc điều trị mất ngủ tại nhà. Nó có tác dụng tốt trong việc an thần, dưỡng tâm, giải nhiệt cho cơ thể.
Thảo dược này được sử dụng theo nhiều cách khác nhau để chữa mất ngủ. Bạn có thể phơi khô cây lạc tiên để pha trà uống hàng ngày. Kết hợp dùng lá và ngọn non để luộc hay nấu canh ăn.
Món canh lạc tiên nấu thịt bằm chính là một gợi ý thú vị cho thực đơn của người bị mất ngủ. Đây là một món canh dân dã, dễ chế biến, giúp hỗ trợ điều trị mất ngủ, giảm lo âu, căng thẳng, giải độc cho gan. Mỗi tuần bạn có thể ăn canh lạc tiên nấu thịt bằm 2 - 3 lần xen kẽ với các món ăn bài thuốc chữa mất ngủ khác giúp thực đơn thêm đa dạng.
Nguyên liệu:
- 100 gram thịt lợn băm
- 1 nắm lá và ngọn non của cây lạc tiên
- Hành củ và các gia vị
Cách chế biến:
- Rau lạc tiên rửa qua nhiều lần nước cho sạch đất cát, thái nhỏ
- Thịt bằm ướp hành củ, hạt nêm và nước mắm cho ngấm
- Bắc nồi lên bếp, xào chín thịt rồi đổ thêm vào 1 tô nước, nấu sôi
- Tiếp tục cho rau lạc tiên vào, nêm nếm gia vị, đun sôi trở lại khoảng 3 phút là được.
- Dùng canh ăn kèm với cơm khi còn nóng
9. Bí xanh hầm thịt vịt
Bí xanh là thực phẩm có tính mát lại chứa nhiều chất xơ, nước cùng nhiều loại vitamin và khoáng chất tốt cho sức khỏe. Nó giúp thanh nhiệt, tiêu độc, an thần, duy trì hoạt động bình thường của hệ thần kinh trung ương.
Thịt vịt cũng rất tốt cho sức khỏe. Trong sách “Nhật dụng bản thảo” được xuất bản tại Trung Quốc có ghi nhận: Thịt vịt là thực phẩm có tính hàn, giúp bồi bổ phần âm của ngũ tạng, làm mát máu, sinh tân dịch, giúp giảm hồi hộp, lo âu, trấn tâm, định thần, chữa giật mình khi ngủ và cải thiện sức khỏe tổng thể.
Bạn có thể kết hợp bí xanh với thịt vịt tạo thành món ăn bài thuốc chữa mất ngủ. Đây là món ăn thanh mát, lại chứa hàm lượng chất béo thấp nên không phải lo ngại về tình trạng dư thừa năng lượng, tăng cân khi sử dụng thường xuyên.
Nguyên liệu:
- 1 quả bí xanh
- 500 gram thịt vịt
- 30 gram mạch môn
- 30 gram phục thần
- Gừng tươi và một số gia vị thông dụng
Cách chế biến:
- Thịt vịt bóp muối, rửa sạch, chặt miếng vừa ăn
- Đậu xanh gọt vỏ, bỏ bớt ruột, cắt miếng vuông
- Mạch môn và phục thần rửa sạch, bỏ vào trong một cái túi vải
- Bỏ thịt vịt vào nồi nấu chung với mạch môn và phục thần khoảng 30 phút
- Vớt túi thuốc ra, tiếp tục cho bí xanh vào nấu đến khi bí chín mềm
- Bỏ gừng xắt sợi vào, nêm nếm gia vị, hành lá là có thể dọn ra dùng được
10. Cháo thịt lợn nấu phục linh, viễn chí
Món cháo thịt lợn được bổ sung thêm các vị thuốc bắc gồm phục linh và viễn chí có tác dụng an thần, giảm lo âu, hồi hộp, dưỡng âm, bồi bổ sức khỏe cho người mới ốm dậy. Thường xuyên sử dụng trong thực đơn hàng ngày cũng giúp mang lại cho bạn một giấc ngủ ngon hơn.
Nguyên liệu:
- 100 gram gạo tẻ
- 150 gram thịt nạc lợn bằm
- 15 gram phục thần
- 12 gram viễn chí
- Ngò, hành củ, gia vị
Cách chế biến:
- Trước tiên bỏ phục thần và viễn chí vào nồi nấu khoảng 20 phút lấy nước dùng
- Thịt lợn ướp gia vị, xào xơ để dậy mùi thơm
- Gạo tẻ vo sạch, bỏ vào nồi nấu bằng nước sắc phục thần và viễn chí khoảng 30 phút
- Sau đó bỏ thịt bằm vào tiếp tục nấu đến khi chín nhừ
- Nêm nếm gia vị, thêm hành, ngò, tiêu
- Dọn cháo ra ăn trong bữa chính khi còn nóng
Có thể thấy, dinh dưỡng trị liệu là phương pháp an toàn và hiệu quả, hiện được nhiều người lựa chọn để trị mất ngủ. Hi vọng, 10 món ăn bài thuốc gợi ý trên đây sẽ giúp mỗi người cải thiện chất lượng giấc ngủ, giúp ngủ sâu, trọn giấc để mỗi người có được thể trạng và tinh thần tốt nhất cho một ngày mới bắt đầu.