Nâng cao năng lực nhận diện hàng thật - giả cho lực lượng chức năng và doanh nghiệp
Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh thực trạng các sản phẩm thương hiệu của Nhật Bản bị làm giả, mạo danh thương hiệu ở Việt Nam rất phức tạp, với các thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Nhiều chuyên gia cho rằng, Hội thảo là hoạt động hết sức cần thiết giúp lực lượng QLTT nhanh chóng phát hiện, nhận diện những sản phẩm giả, nhái thương hiệu. Đồng thời, cung cấp góc nhìn tổng quan cho các thương hiệu, doanh nghiệp về quyền SHTT tại Việt Nam.
Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh kỳ vọng, thông quan Hội thảo lực lượng chức năng sẽ nhận diện rõ hơn, nhanh hơn các dấu hiệu giả, nhái, xâm phạm quyền từ đó có biện pháp xử lý nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cho biết, Hội thảo nhằm mục đích nâng cao năng lực nhận diện hàng thật, hàng giả; nâng cao năng lực thực thi quyền SHTT cho lực lượng chức năng, doanh nghiệp của Việt Nam.
Việc tổ chức Hội thảo rất phù hợp trong bối cảnh hiện nay khi vấn đề xâm phạm quyền SHTT, hàng giả, hàng nhái ở Việt Nam đang diễn biến phức tạp với những thủ đoạn tinh vi. Đặc biệt, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc phát hiện, xử lý các hành vi sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái càng trở nên khó khăn, nhất là khi các đối tượng chuyển sang kinh doanh, bán hàng trên thương mại điện tử.
Lãnh đạo Tổng cục QLTT nhấn mạnh và khẳng định, hàng giả tiếp tục là một trong những vấn đề trọng tâm, nhức nhối đối với nền kinh tế Việt Nam và phòng, chống hàng giả là nhiệm vụ chuyên môn chính của lực lượng QLTT. Thời gian qua, để công tác phòng, chống hàng giả đạt hiệu quả, lực lượng QLTT đã hợp tác với nhiều doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước và bước đầu nắm bắt được thông tin, nhận diện được những dấu hiệu xâm phạm quyền SHTT.
“Nhiều hàng hóa Nhật Bản được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng, từ thực phẩm đến các sản phẩm tiêu dùng. Lợi dụng vấn đề này, nhiều đối tượng đã trà trộn hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền với hàng thật để bán, đánh lừa người tiêu dùng”, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh thông tin và kỳ vọng, thông qua Hội thảo, lực lượng chức năng sẽ nhận diện rõ hơn các dấu hiệu giả, nhái, xâm phạm quyền từ đó có biện pháp xử lý nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả.
Ông Nitta Minoru mong muốn, trong thời gian tới, JPO sẽ có nhiều hợp tác với các lực lượng của Việt Nam trong công tác phòng, chống hàng giả |
Cùng chung quan điểm, ông Nitta Minoru - Trưởng Phòng Phòng chống hàng giả, Ban hợp tác quốc tế, Văn phòng Sáng chế Nhật Bản (JPO) cho biết, vào tháng 4/2021, JPO đã ký một biên bản ghi nhớ hợp tác với Tổng cục QLTT, sự kiện này đã góp phần vào công tác phòng, chống hàng giả xuyên quốc gia.
Ông Nitta Minoru khẳng định, phòng, chống hàng giả, háng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là vấn đề đang được chính phủ Nhật Bản đặc biệt quan tâm. JPO mong muốn, trong thời gian tới sẽ có nhiều hợp tác với các lực lượng của Việt Nam.
“Hội thảo đánh dấu mốc hợp tác cho hai bên trong công tác phòng, chống hàng giả, đặc biệt là việc tăng cường công tác bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp Nhật bản đang kinh doanh tại Việt Nam. Hội thảo tạo ra cơ hội kết nối trực tiếp với chủ thể quyền các nhãn hiệu Nhật Bản để phục vụ cho công tác nghiệp vụ của lực lượng sau này”, ông Nitta Minoru nhận định.
Tại Hội thảo, đại diện của các thương hiệu nổi tiếng Nhật Bản như Canon, Panasonic, Honda Motor… đã chia sẻ những dấu hiệu nhận biết hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ để lực lượng QLTT nói riêng và các cơ quan nói chung trong việc xác minh và xử lý các vụ việc vi phạm.