QLTT Hà Nội phát huy tốt vai trò thường trực trong Ban Chỉ đạo 389 thành phố
Phương thức, thủ đoạn tinh vi, luôn thay đổi
Báo cáo tình hình hoạt động 6 tháng đầu năm và giải pháp nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm của Cục QLTT Hà Nội cho biết, trong nửa đầu năm, trên địa bàn thành phố, tình hình thị trường nhìn chung còn khá ảm đạm. Nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động; các hộ kinh doanh, cơ sở dịch vụ phải đổi chủ hoặc thay đổi phương thức kinh doanh; một số địa bàn trước đây là địa bàn nổi cộm như Ninh Hiệp (Gia Lâm), Sơn Hà (Phú Xuyên)... không còn sôi động như trước. Nhiều cơ sở nhỏ lẻ hoạt động cầm chừng hoặc ngưng hoạt động.
Tuy nhiên, công tác đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ trên địa bàn thành phố cũng gặp không ít khó khăn khi các thủ đoạn làm giả và xâm phạm quyền đối với các nhãn hiệu hàng hóa ngày càng tinh vi hơn.
6 tháng đầu năm 2023, lực lượng QLTT Hà Nội đã kiểm tra 2.713 vụ, xử lý 2.554 vụ vi phạm |
Không chỉ vậy, việc giám sát, thẩm tra, xác minh của lực lượng QLTT cũng gặp nhiều trở ngại khi các đối tượng thay đổi phương thức kinh doanh từ cửa hàng truyền thống chuyển sang bán hàng trên môi trường thương mại điện tử như Lazada, Shopee... và các mạng xã hội như Tiktok, Zalo, Facebook, ...
Tinh vi hơn, để trốn tránh sự kiểm tra, giám sát của lực lượng chức năng, các đối tượng sử dụng địa chỉ giả hoặc không đưa địa chỉ cụ thể. Cùng với đó thay đổi hình thức kinh doanh từ cửa hàng mặt phố chuyển vào các ngõ, ngách nhỏ, xa trung tâm, các phòng chung cư nên việc thu thập, nắm bắt thông tin rất khó khăn cho cơ quan chức năng dẫn đến khó kiểm tra, kiểm soát.
Trong 6 tháng đầu năm, qua quá trình giám sát, kiểm tra, lực lượng QLTT Hà Nội phát hiện nhiều hành vi vi phạm như: buôn bán hàng cấm (thuốc lá điếu nhập lậu, hàng cấm nhập khẩu, hàng hóa không được phép lưu hành...); tàng trữ, vận chuyển, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ như thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc, hàng hóa tiêu dùng, hàng điện tử, khoáng sản...; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp như mặt hàng thời trang, lương thực, thực phẩm, đồ gia dụng...; các hành vi vi phạm trong kinh doanh mặt hàng xăng dầu...
Tuy nhiên với tinh thần quyết tâm trong thực hiện nhiệm vụ, trong 6 tháng đầu năm 2023, Cục QLTT thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các Đội QLTT trên địa bàn tích cực, chủ động triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của cấp trên, phối hợp tốt với các lực lượng chức năng khác trên địa bàn tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Trong đó, đề nghị các Đội QLTT tập trung vào các mặt hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm..., đặc biệt chú trọng kiểm tra các vi phạm trên môi trường thương mại điện tử.
Với sự đồng lòng, cùng sự đoàn kết của tập thể lãnh đạo, công chức, người lao động, 6 tháng đầu năm thị trường thành phố được ổn định, lực lượng QLTT Hà Nội góp phần bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của nhà sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh và người tiêu dùng trên địa bàn Thủ đô.
6 tháng đầu năm 2023, lực lượng QLTT Hà Nội đã kiểm tra 2.713 vụ, xử lý 2.554 vụ vi phạm; Tổng số tiền xử lý 73,069 tỷ đồng, trong đó, xử phạt hành chính 32,353 tỷ đồng, trị giá hàng tịch thu 11,834 tỷ đồng, trị giá hàng tiêu hủy, tái chế: 25,851 tỷ đồng; Số thu lời bất hợp pháp: 74,899 triệu đồng; Thanh tra chuyên ngành: 217,5 triệu đồng; chuyển cơ quan điều tra 31 vụ.
Phát huy tốt vai trò thường trực
Cũng trong 6 tháng đầu năm, phát huy vai trò cơ quan thường trực trong Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hà Nội, Cục QLTT TP đã chủ động nắm bắt tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn Thành phố và thông tin chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, UBND Thành phố và Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Thành phố để kịp thời tham mưu cho Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Thành phố chỉ đạo các sở, ngành thành viên và Ban chỉ đạo 389 quận, huyện, thị xã triển khai hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị.
Phát huy vai trò cơ quan thường trực trong Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội, Cục QLTT TP đã chủ động nắm bắt tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn Thành phố |
Bên cạnh đó, QLTT Hà Nội cũng phối hợp, rà soát, tổng hợp, khó khăn, vướng mắc, kiến nghị sửa đổi cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; báo cáo tình hình, kết quả công tác định kỳ, kết quả xử lý các vụ việc phức tạp, nổi cộm.
Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát thị trường, trong nửa đầu năm, Cục QLTT Hà Nội đã tham mưu Ban Chỉ đạo 389 Thành phố ban hành các Kế hoạch, Quyết định và văn bản sau: Kế hoạch số 03/KH-BCĐ389/TP ngày 15/02/2023 về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2023 trên địa bàn thành phố Hà Nội; Kế hoạch số 04/KH-BCĐ389/TP ngày 27/02/2023 về tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023; Kế hoạch số 18/KH-BCĐ389/TP ngày 19/5/2023 về kiểm tra liên ngành mặt hàng thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội; Quyết định số 22/QĐ-CQTT ngày 29/5/2023 về thành lập các Đoàn kiểm tra liên ngành mặt hàng thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Đặc biệt với vai trò Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 Thành phố, Cục QLTT thành phố Hà Nội đã tham mưu Ban Chỉ đạo 389 Thành phố, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 10/2023/QĐ-UBND ngày 06/6/2023 về Quy chế trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Xác định thị trường sẽ còn nhiều khó khăn trong nửa cuối năm, do vậy, để giữ thị trường ổn định, bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp, Cục QLTT Hà Nội tiếp tục triển khai, thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND thành phố Hà Nội và Tổng cục QLTT trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, gian lận thương mại, hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Song song đó, tiếp tục chỉ đạo các Đội QLTT triển khai hiệu quả Kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2023, Kế hoạch kiểm tra chuyên đề về chất lượng xăng dầu; tập trung kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, rượu, hóa chất, khí N2O, thuốc lá điện tử hàng hóa tiêu dùng nhập lậu, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Ngoài ra, tăng cường kiểm tra, kiểm soát xử lý triệt để các hành vi vi phạm hành chính trong các tháng cao điểm cuối năm như dịp Tết Trung thu, Tết dương lịch, Tết Nguyên đán... Phối hợp với các ngành chức năng có liên quan giám sát, kiểm tra hoạt động xúc tiến thương mại, kinh doanh theo phương thức đa cấp, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.