Hà Nội là điểm sáng dẫn đầu cả nước trong thực hiện Chương trình OCOP với 2.711 sản phẩm
Sản phẩm OCOP đã khẳng định vị trí tại thị trường trong nước, bước đầu vươn ra thế giới. Dù chưa có thống kê cụ thể nhưng khá nhiều sản phẩm được đánh giá phân hạng OCOP 4-5 sao của thành phố.
Thành phố Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề, trong đó có 321 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận. Đây chính là điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện Chương trình OCOP, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn, xây dựng nông thôn mới bền vững.
Để đưa nhiều sản phẩm OCOP của Hà Nội tiếp cận thị trường quốc tế, Hà Nội tiếp tục hỗ trợ các chủ thể OCOP hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, chú trọng thiết kế mẫu mã; hỗ trợ các chủ thể nói riêng và làng nghề nói chung; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại. Từ đó, giúp sản phẩm OCOP trở thành thương hiệu mạnh, được đông đảo người tiêu dùng trong nước và quốc tế nhận diện, tiêu thụ.
Hà Nội đã có 2.711 sản phẩm OCOP |
Hà Nội mong muốn sản phẩm OCOP của thành phố không chỉ đại diện cho Thủ đô mà còn là sản phẩm tiên phong của Việt Nam khi "xuất ngoại".
Tính đến hết năm 2023, TP. Hà Nội có trên 100 Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Trong số này, Hà Nội đã phát triển trên 20 điểm OCOP gắn với du lịch, làng nghề như: Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc; làng nghề gốm sứ Bát Tràng; làng cổ Đường Lâm - thị xã Sơn Tây; làng nghề may Vân Từ, nghề gỗ Sơn Hà - huyện Phú Xuyên; làng nghề sơn mài Hạ Thái, Thường Tín; du lịch cộng đồng xã Hồng Vân, huyện Thường Tín; Cửa hàng Khánh Phát - xã Tản Lĩnh, Ba Vì giới thiệu sản phẩm OCOP từ sữa, sản phẩm huyện Ba Vì…
Theo đánh giá của các huyện, xã, việc phát triển các Điểm OCOP giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn, làng nghề là cơ hội tốt để giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước biết đến những sản phẩm chất lượng do các nghệ nhân, làng nghề sản xuất. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để tiêu thụ sản phẩm có thế mạnh của địa phương, cũng như các khu vực khác của Hà Nội.