QLTT Lạng Sơn: Nỗ lực vì một thị trường thực phẩm an toàn
Quyền Cục trưởng Cục QLTT Lạng Sơn Đặng Văn Ngọc cho biết, công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý được tiến hành thường xuyên, đặc biệt, trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2022, công tác này được làm chặt chẽ, thường xuyên, bài bản hơn.
Theo đó, ngay khi có các Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Liên ngành Trung ương; Công văn số 472/TCQLTT-CNV của Tổng Cục QLTT; Kế hoạch số 40/KH-BCĐ của Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, ngày 7/4/2022 Cục QLTT Lạng Sơn đã ra Kế hoạch 306/KH-CQLTT Triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2022 với rất nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa.
“Để kế hoạch được triển khai có hiệu quả, các Đội QLTT trực thuộc đã chủ động tham mưu cho UBND cấp huyện (thuộc tổ địa bàn phụ trách) chỉ đạo hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở tổ chức tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát thị trường”, Quyền Cục trưởng Đặng Văn Ngọc thông tin và cho biết, chỉ tính riêng tháng triển khai, lực lượng QLTT Lạng Sơn đã thực hiện tuyên truyền được gần 200 lượt đến các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh thực phẩm... trên địa bàn tỉnh.
Đội QLTT số 7 phối hợp cùng Đoàn Kiểm tra liên ngành huyện Văn Lãng kiểm tra an toàn thực phẩm tại hộ kinh doanh |
Đồng thời, các Đội cũng xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường, nắm chắc, theo dõi diễn biến tình hình thị trường để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm. Đơn cử như, Đội QLTT số 7 phụ trách địa bàn 2 huyện Văn Lãng, Tràng Định đã rất tích cực trong việc chủ trì Đoàn Liên ngành kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm thời gian qua. Ông Trần Duy Hiệu, Đội trưởng Đội QLTT số 7 cho biết, chỉ riêng trong Tháng Hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022, Đội đã tiến hành kiểm tra 31 vụ việc liên quan đến lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm. Đáng chú ý, qua công tác kiểm tra đã phát hiện 14 vụ vi phạm, xử phạt Vi phạm hành chính với số tiền gần 17 triệu đồng.
Không chỉ riêng Đội QLTT số 7 mà tại tất cả các Đội QLTT trực thuộc đều thực hiện rất tốt hoạt động kiểm tra, kiểm soát này. Trong đó, một số đội có số vụ kiểm tra nhiều như: Đội QLTT số 3 (phụ trách địa bàn 2 huyện Lộc Bình, Đình Lập) với 37 vụ; Đội QLTT số 5 (phụ trách các huyện Văn Quan, Bình Gia, Bắc Sơn) với hơn 40 vụ kiểm tra…
Từ thực tế kiểm tra cho thấy, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn cơ bản chấp hành tốt các quy định về đăng ký kinh doanh, tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, còn một số cơ sở chấp hành các quy định của pháp luật chưa nghiêm, vi phạm các lỗi chủ yếu như: Sử dụng người chế biến thức ăn mà không đội mũ, đeo khẩu trang; Nơi chế biến có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; Cống rãnh thoát nước thải khu vực nhà hàng, nhà bếp không được che kín…..
Đối với các hộ kinh doanh thực phẩm. thực phẩm bao gói sẵn thường gặp các lỗi như: Kinh doanh hàng hóa nhập lậu, Kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng; Không niêm yết giá, Niêm yết giá không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng …
Đội QLTT số 5 phối hợp cùng Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Bắc Sơn tuyên truyền, thực hiện ký cam kết tại hộ kinh doanh |
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có hàng trăm cơ sở đăng ký kinh doanh các mặt hàng thực phẩm, các dịch vụ ăn uống, chủ yếu là kinh doanh theo quy mô hộ gia đình nhỏ, lẻ. Đặc biệt, trong hơn 2 năm qua do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên các hoạt động kinh doanh này cũng giảm và chậm hơn nhiều so với trước đây.
Nắm được tinh thần đó, trong các buổi kiểm tra, lực lượng QLTT thường xuyên tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, các nội dung thiết thực, phù hợp đến các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng; nhắc nhở thêm các quy định để các hộ kinh doanh nắm bắt và thực hiện, chấp hành tốt hơn các quy định của pháp luật. Đồng thời, thông qua công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, kiểm soát thị trường, các đội QLTT trực thuộc đã tổ chức cho các hộ kinh doanh ký cam kết được 220 hộ trong tháng.
Cũng trong đợt kiểm tra, kiểm soát thị trường theo chuyên đề hưởng ứng “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” vừa qua, Cục QLTT Lạng Sơn đã tiến hành kiểm tra được gần 190 vụ. Trong đó, phát hiện 90 vụ vi phạm với số tiền xử phạt vi phạm hành chính lên đến gần 319 triệu đồng. Trị giá hàng hóa vi phạm là gần 280 triệu đồng.
Đội QLTT số 1 tuyên truyền, phát bảng niêm yết giá hỗ trợ các hộ kinh doanh tại Lễ Hội Kỳ Hoa 2022 |
Quyền Cục trưởng Đặng Văn Ngọc nhấn mạnh, có được kết quả trên là nhờ sự chỉ đạo sát sao của Ban lãnh đạo Cục, các Phòng Nghiệp vụ, đặc biệt là sự chủ động của các Đội QLTT trực thuộc.
Đáng chú ý, để hoạt động kiểm tra, kiểm soát có hiệu quả, có điểm nhấn và tính xác thực cao, một số Đội đã có những cách làm mới, sáng tạo. Điển hình, Đội QLTT số 1 phụ trách địa bàn Thành phố Lạng Sơn. Đây là địa bàn rộng với nhiều hoạt động kinh doanh hàng hóa. Trong đợt kiểm tra, tại địa bàn phụ trách có diễn ra lễ hội Kỳ Hoa là một lễ hội lớn của tỉnh trong năm 2022, Đội đã tổ chức phát gần 70 bảng niêm yết giá, hỗ trợ cho các hộ kinh doanh để thực hiện các quy định của pháp luật được thuận lợi hơn. Đồng thời, cách làm làm cũng tạo sự đồng bộ, thu hút sự chú ý của khách hàng, góp phần quan trọng thực hành văn minh thương mại…
Tiếp đó, trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát về lĩnh vực an toàn thực phẩm Đội QLTT số 3 (phụ trách địa bàn 2 huyện Lộc Bình, Đình Lập) lại rất chặt chẽ trong khâu kiểm tra. Theo đó, Đội phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành tập trung kiểm tra tại các nhà hàng ăn uống, các cơ sở sản xuất giò chả trên địa bàn; Xét nghiệm thử test nhanh dung dịch Lugol đối với 37 cơ sở kinh doanh ăn uống trên địa bàn. Chính những cách làm sáng tạo, thực chất này sẽ góp phần quan trọng trong công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hạn chế tối đa các rủi ro về các vụ ngộ độc thực phẩm (có thể xảy ra).
Thời gian tới, tiếp nối các kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường Cục QLTT Lạng Sơn sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát trên khâu lưu thông với tất cả các mặt hàng, trong đó có thực phẩm; kiểm tra thực tế theo kế hoạch, kiểm tra đột xuất tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh để kịp thời phát hiện vi phạm, góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.