QLTT TP. Hồ Chí Minh: Nỗ lực đảm bảo ổn định thị trường, bảo vệ người tiêu dùng dịp cuối năm
Báo cáo tháng 10 và phương hướng hoạt động trong những tháng cuối năm của Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh cho biết, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố có giảm nhưng vẫn còn tiềm ẩn phức tạp. Các Sở, ban, ngành, doanh nghiệp, hộ kinh doanh triển khai thực hiện Chỉ thị 18/CT-UBND ngày 30/9/2021 của UBND TP để tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Hầu hết các hệ thống phân phối trên địa bàn TP đã mở cửa bán hàng trực tiếp trở lại cho người dân, tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn TP đã đi vào ổn định, đảm bảo được nhu cầu mua sắm của người dân trong trạng thái bình thường mới, giá cả thị trường không biến động.
Bên cạnh đó, số lượng chợ truyền thống mở cửa trở lại tại các quận, huyện ngày càng tăng, các trang thương mại điện tử lớn đã góp phần làm tăng thêm lựa chọn kênh mua sắm cho người dân, giảm áp lực lên các hệ thống phân phối hiện đại.
QLTT TP. Hồ Chí Minh luôn nỗ lực đảm bảo ổn định thị trường, bảo vệ người tiêu dùng dịp cuối năm |
Tuy nhiên, đi cùng với việc mở cửa thị trường, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ… đã xuất hiện trở lại và có chiều hướng gia tăng trong những tháng cuối năm. Chỉ riêng trong tháng 10/2021, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP. Hồ Chí Minh đã tổng kiểm tra 5.825 vụ chuyên ngành và liên ngành, tăng 1.913 vụ so với tháng trước. Các nhóm vi phạm nổi cộm trong tháng là thuốc lá nhâp lậu; hàng mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, vải, hàng điện tử… nhập lậu.
Điển hình, ngày 1/10, Đội QLTT số 1, Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh đã kiểm tra điểm chứa trữ và kinh doanh tại địa chỉ số 1004/6C Hương Lộ 2, Khu phố 10, phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân. Tại đây, lực lượng phát hiện cơ sở này đang kinh doanh mặt hàng phụ tùng xe máy không có hóa đơn, chứng từ và có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu. Lực lượng chức năng lập biên bản, tạm giữ 4.050 cái bạc đạn hiệu Honda, 447 lọc gió, tay thắng hiệu Yamaha và 8.166 đơn vị sản phẩm phụ tùng xe máy không nhãn hiệu.
Tiếp đến, ngày 4/10, Đội QLTT số 1 tiếp tục kiểm tra điểm chứa trữ và kinh doanh hàng hóa tại địa chỉ số 39 đường Tây Thạch, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú. Tại đây, cửa hàng đang kinh doanh 40.590 đơn vị sản phẩm đồ chơi trẻ em và 2.789 đơn vị mỹ phẩm không có hóa đơn, chứng từ. Đội lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng hóa để tiếp tục điều tra và xử lý.
Lãnh đạo Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh cho biết, những kết quả trên là sự cố gắng nỗ lực của tập thể cán bộ, công chức, người lao động trong toàn lực lượng. Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, toàn lực lượng QLTT TP đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của cấp trên về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và đảm bảo công tác theo chức năng, nhiệm vụ được giao; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, các hành vi đầu cơ, găm hàng và lợi dụng dịch bệnh để thu lời bất chính; kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và các hành vi gian lận khác.
Song song đó, lực lượng cũng chú trọng kiểm tra các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, trang thiết bị y tế, các sản phẩm phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh; tích cực tham gia với lực lượng chức năng Sở, ban ngành trong công tác phòng chống dịch bệnh và các lĩnh vực khác có liên quan để đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường, chống các hành vi đầu cơ, găm hàng và vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại.
Dự báo, 2 tháng cuối năm, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng tăng cao kéo theo những hành vi vi phạm trong kinh doanh hàng giả, hàng lậu, gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… do vậy, Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu lớn trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức; đảm bảo ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi của tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và quyền lợi người tiêu dùng.
Hiện thực hóa nhiệm vụ này, mới đây, Cục QLTT TP đã ban hành Kế hoạch cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường cuối năm 2021 và trước, trong, sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Mục đích chính của Kế hoạch nhằm tiếp tục triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT, UBND TP. Hồ Chí Minh trong công tác chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng hóa kém chất lượng, gian lận thương mại; tăng cường kiểm tra, kiểm soát về ATTP và các lĩnh vực khác thuộc thẩm quyền kiểm tra, xử lý của lực lượng QLTT.
Mặt khác, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền quy định pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, ATTP đến các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng để tuân thủ các quy định của pháp luật và tố giác đến lực lượng chức năng kịp thời xử lý những tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong kinh doanh thương mại, kinh doanh hàng lậu, hàng cấm, hàng giả.
Ngoài ta, lãnh đạo Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh cũng yêu cầu, hoạt động kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính phải được tuân thủ đúng quy định của pháp luật; gắn hoạt động kiểm tra và xử phạp vi phạm hành chính với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; không gây phiền hà, trở ngại cho các hoạt động kinh doanh hợp pháp của các tổ chức, cá nhân được kiểm tra.
Các hành vi vi phạm phải được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Khi triển khai, tổ chức kiểm tra phải có phương án kiểm tra cụ thể, nội dung kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả; việc đánh giá, kết luận kiểm tra, phản ánh đúng thực tế khách quan, trung thực và đúng quy định của pháp luật.