Quy mô kinh tế số Việt Nam dự báo đạt 50 tỷ USD vào năm 2050
Theo báo cáo của E-conomy SEA năm 2022 của Google, Temasek và Bain Company, quy mô kinh tế số Việt Nam có thể đạt 50 tỷ USD vào năm 2050; trong đó, thương mại điện tử sẽ là lĩnh vực có đóng góp quan trọng nhất.
Cũng theo báo cáo này, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam tăng trưởng 28%, đạt 23 tỷ USD trong năm 2022. Nếu được tối ưu hoá, lượng khí phát thải từ hoạt động thương mại điện tử sẽ giảm đáng kể từ 30-40% so với hoạt động thương mại thông thường, từ đó đóng góp cho phát triển bền vững chung của nền kinh tế.
Quy mô kinh tế số Việt Nam có thể đạt 50 tỷ USD vào năm 2050; trong đó, thương mại điện tử sẽ là lĩnh vực có đóng góp quan trọng nhất |
Mặc dù, có tốc độ phát triển nhanh, nhưng theo nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo “Kinh tế số và phát triển bền vững: Cơ hội và thách thức trong bối cảnh mới” được tổ chức mới đây, Việt Nam đang đối mặt với nhiều rào cản trong quá trình phát triển kinh tế số như: hạ tầng cho kinh tế số chưa đồng bộ, năng lực kết nối số còn thấp, hệ thống thể chế chưa thực sự thuận lợi cho phát triển kinh tế số, nguồn nhân lực chất lượng cao cho kinh tế số còn thiếu và yếu, thiếu quy định về bảo vệ người tiêu dùng.
Ngoài ra, năng lực đổi mới sáng tạo của khu vực tư nhân được đánh giá là một trong những hạn chế lớn đối với sự phát triển của kinh tế số Việt Nam.
Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết, phát triển bền vững nền kinh tế số; trong đó có thương mại điện tử đang là một thách thức không nhỏ. Vì bên cạnh phát thải từ thương mại điện tử thì vấn đề hàng giả, hàng nhái trên môi trường mạng cũng rất phức tạp.
Đặc biệt, theo bà Vũ Thị Minh Tú, Giám đốc đối ngoại Lazada Việt Nam, chất lượng nguồn nhân lực cho kinh tế số tại Việt Nam còn hạn chế. Trong khi, đây cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến phát triển bền vững đối với kinh tế số.
Để có thể theo kịp tốc độ phát triển kinh tế số với các nước trên thế giới, lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho rằng, Việt Nam cần hoàn thiện khung khổ thể chế - pháp lý và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin.
Hiện nay, Việt Nam cơ bản đã ban hành khung khổ thể chế về kinh tế số; trong đó, bên cạnh Quyết định 749/QĐ-TTg, Chính phủ đã thành lập Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại, các văn bản về thương mại điện tử (Luật Giao dịch điện tử, Nghị định 85/2021/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2021…), cũng như các điều khoản tạo thuận lợi cho thương mại xuyên biên giới trong các Hiệp định Thương mại tự do.
Bên cạnh đó, hạ tầng công nghệ thông tin của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Việt Nam xếp thứ 25/194 quốc gia về chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu, hệ thống hải quan điện tử VNACCS/VCIS đã được triển khai tại 100% chi cục hải quan và hệ thống quản lý giám sát hải quan tự động đã bao phủ 100% thương mại qua cảng biển và hơn 90% thương mại qua cảng hàng không...
“Dù đã có nhiều thuận lợi nhưng chuyển đổi số trong doanh nghiệp Việt Nam hiện nay được xem là chìa khóa thúc đẩy phát triển kinh tế số, do vậy, cần hoàn thiện chính sách, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số”, bà Lại Việt Anh thông tin.