RCEP sẽ giúp Việt Nam và các nước ASEAN phục hồi kinh tế
RCEP - động lực phục hồi kinh tế
Sáng sớm ngày 1/1/2022, ngay sau Hiệp định RCEP chính thức được thực thi thì một chuyến tàu chở hàng đã khởi hành từ Cảng đường sắt quốc tế Nam Ninh, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) để đến Hà Nội. Đây là chuyến tàu hàng đầu tiên của Trung Quốc sau khi RCEP có hiệu lực.
Ông Dương Xuân Đình - Giám đốc Sở Thương mại Quảng Tây khẳng định, là cửa ngõ mở cửa và hợp tác của Trung Quốc với các nước ASEAN, RCEP có hiệu lực và thực thi đã mang lại cơ hội mới quan trọng cho sự phát triển mở cửa cấp cao của Quảng Tây. Hợp tác giữa Quảng Tây và các quốc gia thành viên RCEP sẽ được củng cố hơn, quy mô thương mại và mức độ hợp tác sẽ không ngừng được nâng cao.
Lễ khởi hành chuyến tàu chở hàng quốc tế đầu tiên sau khi RCEP có hiệu lực của Trung Quốc |
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 12/2021, đã có 11 quốc gia phê chuẩn hiệp định RCEP. Trong số này có 6 nước ASEAN gồm: Brunei, Campuchia, Lào, Singapore, Thái Lan, Việt Nam và 5 quốc gia ngoài ASEAN gồm: Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, một khi RCEP được thực thi sẽ đóng vai trò là động cơ quan trọng của thương mại và đầu tư, đồng thời thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế toàn diện hơn ở ASEAN vào năm 2022 và hơn thế nữa. Tác động kinh tế của RCEP là rất rõ rệt.
Cụ thể, RCEP giảm thuế nhập khẩu và củng cố quy tắc xuất xứ trong các hiệp định thương mại tự do ASEAN + 1 (ví dụ: FTA ASEAN - Trung Quốc, FTA ASEAN - Nhật Bản). Hiệp định loại bỏ tới 90% thuế quan đối với hàng hóa trao đổi giữa các bên ký kết trong vòng 20 năm tới kể từ ngày có hiệu lực.
Đáng chú ý, năm 2022, Trung Quốc - một trong ba thị trường xuất khẩu hàng đầu của các nước ASEAN - sẽ xóa bỏ khoảng 70% thuế quan đối với các sản phẩm nhập khẩu từ ASEAN, trong khi các nước đang phát triển của ASEAN như: Brunei, Singapore, Thái Lan và Việt Nam đã phê chuẩn hiệp định sẽ loại bỏ khoảng 75% thuế quan đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc. Các loại thuế quan còn lại sẽ được xóa bỏ dần trong 20 năm.
Bên cạnh đó, RCEP tăng cường sự hài hòa của các biện pháp phi thuế quan như tiêu chuẩn sản phẩm về an toàn thực phẩm, các yêu cầu về đóng gói và nhãn mác bằng cách thúc đẩy tính minh bạch, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế và công nhận lẫn nhau về các thủ tục đánh giá sự phù hợp của các đối tác RCEP.
Đặc biệt, RCEP sẽ kích thích thương mại điện tử xuyên biên giới và tạo điều kiện cho các DN vừa và nhỏ tham gia vào thương mại quốc tế. Nó tạo ra một môi trường thuận lợi cho thương mại điện tử như bảo vệ người tiêu dùng trực tuyến và dữ liệu cá nhân trực tuyến; đồng thời, tạo điều kiện chuyển giao thông tin xuyên biên giới bằng các phương tiện điện tử và ngăn chặn việc sử dụng các yêu cầu lưu trữ dữ liệu cục bộ như một điều kiện để tiến hành thương mại điện tử trong RCEP đối tác.
Việc bắt đầu thực hiện RCEP vào năm 2022 là thời điểm thích hợp để chuyển các điều khoản của RCEP về thương mại điện tử thành các kế hoạch hành động quốc gia của các nước ASEAN |
Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Lương Hoàng Thái nhận định, việc bắt đầu thực hiện RCEP vào năm 2022 là thời điểm thích hợp để chuyển các điều khoản của RCEP về thương mại điện tử thành các kế hoạch hành động quốc gia của các nước ASEAN.
Điều này sẽ mở đường cho việc tạo ra một khuôn khổ pháp lý chặt chẽ hơn cho thương mại điện tử xuyên biên giới, đồng thời cải thiện khả năng thích ứng với thương mại điện tử trong khu vực của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tối đa lợi thế từ RCEP
Nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận cơ hội, tận dụng lợi ích từ RCEP, các Bộ, ngành đã bắt tay xây dựng những ý tưởng ban đầu về kế hoạch thực thi Hiệp định RCEP từ rất sớm.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, hiện nay, Bộ Công Thương đã tổng hợp và báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, sau khi hiệp định có hiệu lực trong vài ngày tới, Bộ sẽ ban hành chương trình hành động này.
Ngoài ra, Bộ cũng đưa ra những biện pháp hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và thu nhận những thông tin từ quá trình kinh doanh để tham gia hiệu quả vào những cơ chế hợp tác trong hiệp định RCEP.
“Trong hiệp định RCEP có những Ủy ban chính thức, vì vậy, nếu có vướng mắc khó khăn, thì trong cơ chế của Hiệp định, chúng ta có thể nêu vấn đề và đứng ra bảo vệ quyền lợi chính đáng. Tuy nhiên, cần phải thông tin rất nhanh từ cộng đồng doanh nghiệp, cũng như từ những bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với nhau và đặc biệt cần có những lập luận rõ ràng”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh lưu ý.
Trong khi đó, Vụ trưởng Lương Hoàng Thái cho rằng, về cơ bản hiệp định RCEP tạo môi trường cạnh tranh gay gắt hơn nên doanh nghiệp phải chuẩn bị tâm thế, sẵn sàng trong môi trường cạnh tranh đó.