Sắp diễn ra Hội nghị đặc biệt các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM) 2022
Hội nghị đặc biệt các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM) 2022 do Campuchia chủ trì với chủ đề năm ASEAN là “ASEAN hành động: Cùng nhau giải quyết các thách thức”, nhằm thảo luận và trao đổi quan điểm về các nỗ lực và chiến lược chung của ASEAN để giải quyết nhiều vấn đề khu vực và toàn cầu, góp phần giảm thiểu các tác động tiêu cực có thể xảy ra đối với nền kinh tế ASEAN và thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN trong việc tăng cường hội nhập kinh tế.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng mang lại những cơ hội và thách thức mới cho khu vực. Công nghệ số và phát triển bền vững đang nổi lên như những động lực mới cho sự tăng trưởng trong tương lai của ASEAN.
Trong khi đó, những căng thẳng địa chính trị hiện nay, sự gián đoạn đối với các hoạt động kinh tế và thương mại toàn cầu, các mục tiêu bền vững và chương trình khí hậu, cùng với sự phục hồi không đồng đều sau đại dịch đang tạo ra những thách thức đáng kể đối với các nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN. Do đó, điều quan trọng là ASEAN phải tái khẳng định cam kết và quyết tâm hợp tác cùng nhau để đảm bảo rằng Cộng đồng Kinh tế ASEAN vẫn phù hợp, cạnh tranh, bao trùm, bền vững và linh hoạt trong thế giới hậu Covid-19.
Hội nghị diễn ra trước triển vọng kinh tế lạc quan của ASEAN khi khu vực này sẽ trở lại mức trước đại dịch, với tăng trưởng GDP trong khu vực dự kiến đạt 4,9% vào năm 2022 và 5,2% vào năm 2023.
Tuy nhiên, ASEAN vẫn nhận thức được rằng, đà phục hồi và triển vọng tăng trưởng của khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi các tình hình địa chính trị hiện nay, gián đoạn chuỗi cung ứng, thiếu hụt các mặt hàng chủ chốt, thắt chặt chính sách tiền tệ và áp lực lạm phát. Do đó, cần thiết phải tiếp tục cảnh giác và đẩy nhanh việc thực hiện Khuôn khổ Phục hồi Toàn diện ASEAN (ACRF) để đối phó với những thách thức toàn cầu này và đảm bảo rằng nền kinh tế ASEAN có thể phục hồi tốt hơn và mạnh mẽ hơn.
Hội nghị cũng sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đối với ASEAN trong việc duy trì ổn định và thịnh vượng trong khu vực, đồng thời đánh giá cao việc Mỹ và Liên minh châu Âu tăng cường gắn kết với khu vực này, cả hai đều là các đối tác kinh tế then chốt của ASEAN. Việc củng cố và duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong sự tham gia của ASEAN với các đối tác bên ngoài được tăng cường thông qua các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như Triển vọng ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP).
Hiệp định RCEP sẽ đóng góp đáng kể vào các nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch trong khu vực, thúc đẩy các quốc gia ký kết còn lại xúc tiến việc phê chuẩn Hiệp định và Ban Thư ký RCEP cần nhanh chóng được thành lập để hỗ trợ cho Ủy ban Hỗn hợp RCEP và các cơ quan trực thuộc của Ủy ban. Thành công của Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 12 (MC12), sẽ được tổ chức tại Geneva vào tuần ngày 13/6, là rất quan trọng để đảm bảo một hệ thống thương mại đa phương có thể dự đoán được, minh bạch, không phân biệt đối xử, dựa trên luật lệ và cởi mở, trong đó có sự đóng góp quan trọng và tích cực của ASEAN đối với các kết quả có ý nghĩa của cuộc họp này.
ASEAN nhận thấy sự cần thiết của các nỗ lực tập thể toàn cầu trong việc giải quyết biến đổi khí hậu và vẫn cam kết đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris trong khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Việc thực hiện hàng loạt các chính sách đơn phương liên quan đến môi trường và biến đổi khí hậu có khả năng cản trở các hoạt động kinh tế và thương mại trong khu vực. Do đó, ASEAN cần ứng phó với những động lực khác nhau của sự giao thoa giữa các chính sách môi trường và hoạt động thương mại, bằng cách giải quyết những vấn đề này thông qua các biện pháp hợp tác có tính đến các mức độ phát triển và áp dụng công nghệ khác nhau trong khu vực.
Các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN dự kiến sẽ thảo luận về các dự án cơ sở công nghiệp tiềm năng ở ASEAN như một nỗ lực chung nhằm làm sâu sắc hơn hội nhập kinh tế ASEAN, tăng cường thương mại và đầu tư nội khối ASEAN và tăng cường kết nối chuỗi cung ứng, phù hợp với Kế hoạch tổng thể năm 2025 của Cộng đồng Kinh tế ASEAN.