Siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh thiết bị đo nồng độ cồn
Cụ thể, ngày 18/2/2023, qua quản lý địa bàn và nguồn tin phản ánh về máy đo nồng độ cồn qua hơi thở không có nguồn gốc, Đội QLTT số 4 (Cục QLTT Hà Nội) phối hợp Đội Cảnh sát kinh tế Công an quận Đống Đa đã tiến hành kiểm tra một số cửa hàng kinh doanh trang thiết bị vật tư y tế tại Phương Mai.
Tại địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh thiết bị y tế Lê Thúy Hải - 110E2 phố Phương Mai, phường Phương Mai, quận Đống Đa - Hà Nội, đoàn kiểm tra đã lập biên bản tạm giữ, biên bản niêm phong toàn bộ số hàng hóa vi phạm.
Hàng hóa vi phạm là 100 hộp kim chích lấy máu thử tiểu đường (50 cái/hộp) nhãn chữ Sinocare; Made in China, trị giá hàng hóa 5 triệu đồng; 1 bộ máy đo nồng độ cồn trong hơi thở mã CA 2000 nhãn chữ nước ngoài, không tem kiểm định, trị giá hàng hóa vi phạm theo giá bán niêm yết tại cửa hàng là 1,5 triệu đồng. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm là 6,5 triệu đồng.
Tại cửa hàng “Tổng đại lý vật tư thiết bị y tế Sức khỏe vàng”, địa chỉ 73A Phương Mai, đoàn kiểm tra nhận thấy ngoài những hàng hóa đã được ghi nhãn đầy đủ theo quy định thì còn bày bán 1 chiếc máy đo nồng độ cồn trong hơi thở, nhãn có chữ tượng hình mã CA 2000...
Thiết bị đo nồng độ cồn được bán tràn lan trên mạng với nhiều chủng loại, mức giá khác nhau |
Không chỉ tại các cửa hàng, hiện nay, chỉ cần máy tính, hoặc một chiếc điện thoại thông minh, người dùng có thể dễ dàng lên mạng gõ và đặt mua các thiết bị đo nồng độ cồn với nhiều chủng loại, nhiều mức giá khác nhau từ vài chục ngàn đến trăm ngàn, thậm chí có loại lên đến cả chục triệu đồng.
Giải thích về các mức giá khác nhau, một chủ tài khoản bán hàng online trên facebook cho rằng, sở dĩ có sự chênh lệch như vậy bởi ống thổi của thiết bị chuyên dụng rất đắt tiền nên có độ nhạy và kết quả chính xác hơn. Những thiết bị rẻ tiền sẽ có độ chính xác không cao, nhiều khi là sai số.
Ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, thời gian qua lực lượng công an đã triển khai kế hoạch cao điểm về đo nồng độ cồn. Đón lõng nhu cầu, ngay lập tức trên thị trường và mạng xã hội đã xuất hiện nhiều người bán máy đo nồng độ cồn. Tuy nhiên, qua kiểm tra, rà soát toàn bộ hàng hóa đều không có nguồn gốc xuất xứ. Do vậy, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh nhấn mạnh, tới đây, lực lượng Quản lý thị trường sẽ phối hợp với Công an để thanh tra phát hiện thêm những sai phạm liên quan đến thiết bị đo nồng độ cồn bởi đây là một trong những mặt hàng đang rất nóng hiện nay.
Cũng theo Tổng Cục trưởng, năm 2022, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ Đề án chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ người tiêu dùng trên nền tảng thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025, nhằm nâng cao sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng và cam kết của các sàn thương mại điện tử.
Điều này chứng tỏ thương mại điện tử đang là kênh chủ lực trong việc bán lẻ hàng hóa tới người dân. Đề án này do Tổng cục quản lý thị trường chủ trì xây dựng và rất cần sự phối hợp chặt chẽ của các lực lượng chức năng. Bởi nếu một mình lực lượng quản lý thị trường sẽ không thể thực hiện tốt được do liên quan nhiều đến hạ tầng, Internet.
Tới đây, lực lượng Quản lý thị trường sẽ phối hợp với Công an để thanh tra phát hiện thêm những sai phạm liên quan đến thiết bị đo nồng độ cồn bởi đây là một trong những mặt hàng đang rất nóng hiện nay |
"Mục tiêu cuối cùng trong công tác phòng, chống chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng là bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính, nhất là bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng", Tổng Cục trưởng nhấn mạnh và cho rằng, hiện nay, người tiêu dùng đôi khi ở thế bất lợi bởi muốn mua hàng hóa, nhưng không mua được những sản phẩm mong muốn vì kém chất lượng, hàng giả, không đảm bảo quyền lợi như nhà sản xuất cam kết. Vì vậy, hơn lúc nào hết cần đảm bảo thị trường lành mạnh, đặc biệt đối với doanh nghiệp làm ăn chân chính.
“Lực lượng quản lý thị trường coi đây là mục tiêu chiến lược, cốt lõi và phối hợp với các lực lượng chức năng đẩy lùi vấn nạn này”, Tổng Cục trưởng khẳng định.