Xây dựng đội ngũ QLTT chuyên trách, nâng cao hiệu quả công tác chống hàng giả trên thương mại điện tử
Kiểm tra, phát hiện hàng trăm vụ việc vi phạm liên quan đến thương mại điện tử
Thông tin mới nhất từ Tổng cục QLTT cho biết, những năm gần đây, cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, thương mại điện tử (TMĐT) ở nước ta đã có những bước phát triển đáng kể. Các hoạt động kinh doanh, mua bán trực tuyến ngày càng phổ biến đã và đang đem lại những giá trị, lợi ích to lớn cho doanh nghiệp, người dân, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế đất nước trong thời kỳ đổi mới.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động này đang phát sinh nhiều rủi ro, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế và đời sống của nhân dân.
“Nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng hoạt động TMĐT để thực hiện các hành vi buôn bán hàng hóa, dịch vụ cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng hóa hạn chế kinh doanh, hàng kinh doanh có điều kiện, hàng quá hạn sử dụng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, cung cấp thông tin sai lệch để lừa dối người tiêu dùng...”, báo cáo tổng hợp kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính hoạt động TMĐT năm 2022 của Tổng cục nhấn mạnh.
Bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động kinh doanh trên TMĐT đang phát sinh nhiều rủi ro, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế và đời sống của nhân dân |
Ngăn chặn các hành vi vi phạm, góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại điện tử phát triển, thời gian qua, đặc biệt, trong năm 2022, Tổng cục QLTT đã chỉ đạo Cục QLTT các tỉnh, thành phố xây dựng phương án thực hiện hoặc chuyên đề về đấu tranh chống buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, gian lận thương mại trong thương mại điện tử.
Phương châm, mục tiêu hàng đầu trong các kế hoạch, chuyên đề này luôn được lãnh đạo Tổng cục QLTT nhấn mạnh, đó là “đảm bảo nguyên tắc mọi hành vi vi phạm đều bị xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật. Trong quá trình kiểm tra không để xảy ra các biểu hiện, hành vi gây phiền hà, sách nhiễu, gây khó khăn, cản trở đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp”.
Đồng thời, chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước như: Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công Thương; Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao (A05), Bộ Công an... để kiểm tra, kiểm soát có hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức sử dụng TMĐT, công nghệ cao nhằm kinh doanh trên môi trường internet, chào bán hàng hóa vi phạm.
Với những chỉ đạo sát sao, kịp thời từ lãnh đạo Tổng cục QLTT, năm 2022 lực lượng QLTT cả nước đã thực hiện kiểm tra 774 vụ, xử lý 439 vụ, phạt tiền gần 5,9 tỷ đồng, trị giá hàng hóa gần 11,5 tỷ đồng, chuyển hồ sơ 2 vụ sang cơ quan Cảnh sát điều tra liên quan đến những hành vi vi phạm về TMĐT.
Xét về số trường hợp kiểm tra xử lý, xử phạt, trị giá hàng hoá, QLTT Thành phố Hà Nội là đơn vị có số vụ kiểm tra, xử lý lớn nhất cả nước với 388 vụ kiểm tra, xử lý 182 vụ, xử phạt gần 2,3 tỷ đồng, trị giá hàng hoá gần 4,5 tỷ đồng.
Năm 2022 lực lượng QLTT cả nước đã thực hiện kiểm tra 774 vụ, xử lý 439 vụ việc liên quan đến vi phạm trong hoạt động kinh doanh trên thương mại điện tử |
Theo Tổng cục QLTT, các hành vi vi phạm chủ yếu về TMĐT xảy ra chủ yếu như: thiết lập website thương mại điện tử bán hàng mà không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước; Thiết lập website cung cấp dịch vụ TMĐT mà chưa được xác nhận đăng ký với các cơ quan quản lý nhà nước; Không cung cấp đầy đủ cho khách hàng thông tin về cá nhân, tổ chức sở hữu website; Không xây dựng ban hành và thực hiện chính sách đảm bảo an toàn, an ninh cho việc thu thập và sử dụng thông tin cá nhân của người tiêu dùng; Không cho phép khách hàng lưu trữ thông tin xác nhận nội dung giao dịch sau khi tiến hành giao kết hợp đồng; Giả mạo thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác để tham gia hoạt động TMĐT; Cung cấp thông tin, kinh doanh hoặc buôn bán hàng giả, hàng hóa, dịch vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh trên môi trường internet...
Khó khăn trong kiểm soát hàng giả trên thương mại điện tử
Đánh giá về những thuận lợi trong công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên TMĐT, Tổng cục cho rằng, lực lượng QLTT và các đơn vị thuộc Bộ đã tích cực, chủ động phối hợp trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm; Công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật về TMĐT, ký cam kết không kinh doanh hàng lậu, hàng giả được triển khai từng bước, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức trong việc chấp hành các quy định pháp luật về TMĐTcủa các tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng.
Song, một trong những rào cản lớn nhất của công tác quản lý việc kinh doanh trên TMĐT là tỷ lệ cá nhân, tổ chức đăng ký, thông báo theo đúng quy định khi tham gia vẫn còn rất thấp, nhiều vấn đề phát sinh chưa được quản lý tốt.
“Việc thực hiện xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp gian lận cũng rất khó khăn. Các website TMĐT không cung cấp địa chỉ hoặc cung cấp địa chỉ không đúng, có nhiều địa chỉ là nhà dân, là chung cư... phần lớn các đối tượng sử dụng phần mềm như facebook, zalo... trên môi trường internet gặp rất nhiều khó khăn về xác định tính chất, quy mô, địa chỉ vi phạm và hàng hóa vi phạm”, Tổng cục QLTT nhận định.
Tới đây, lực lượng QLTT sẽ rà soát, xây dựng cơ cấu tổ chức nằm trong cơ quan Tổng cục có chức năng tham mưu, thực thi nhiệm vụ quản lý, giám sát các hoạt động kinh doanh trên môi trường mạng. Ảnh: vụ việc kiểm tra, phát hiện các tổng kho hàng giả tại Tuyên Quang đầu tháng 10/2022 |
Cá biệt, trong quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện website ghi đúng địa chỉ, đúng mặt hàng kinh doanh nhưng chủ cơ sở lại không thừa nhận website đó do mình thiết lập và quản lý. Thêm vào đó, các đối tượng thường sử dụng một địa chỉ để giao dịch, livestream bán hàng nhưng tập kết, tàng trữ hàng hóa tại nhiều địa điểm khác nhau hoặc kết hợp vừa làm nơi giao dịch vừa làm nơi ở, cất giấu hàng hóa nên khó khăn cho công tác giám sát, kiểm soát, kiểm tra và xử lý vi phạm. Chưa kể, hầu hết các giao dịch theo hình thức này đều không có hóa đơn, chứng từ cụ thể nên công tác phát hiện, quản lý và xử lý càng trở nên khó khăn.
“Hiện nay, phát hiện các đối tượng thường thuê các căn hộ chung cư vừa làm nhà ở, vừa làm điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa. Các khu vực này thường có an ninh, bảo mật cao gây khó khăn cho công tác tiếp cận, trinh sát. Khi có sự phối hợp của chính quyền địa phương kiểm tra các điểm này thì các đối tượng thường có biểu hiện chống đối hoặc giải thích hàng hóa tập kết với nhu cầu sử dụng, tặng cho, không phải mục đích kinh doanh, không chấp nhận xử lý”, Tổng cục QLTT dẫn chứng.
Xây dựng đội ngũ chuyên trách về thương mại điện tử
Nhằm tăng cường hoạt động quản lý, giám sát hàng hóa trên môi trường internet, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động mua sắm trực tuyến, bảo vệ các thương nhân, tổ chức kinh doanh lành mạnh và thúc đẩy TMĐT phát triển, thời gian tới, lực lượng QLTT đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc thanh kiểm tra, kiểm soát hoạt động lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng nhái. Đặc biệt là phối hợp với các đơn vị bán tên miền và cung cấp dịch vụ máy chủ, ngân hàng, viễn thông, chuyển phát trong việc xác minh đối tượng để kiểm tra và xử lý vi phạm.
Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ luồng hàng hóa kèm hóa đơn chứng từ theo các đơn vị chuyển phát nhanh, giao nhận hàng hóa, tập kết tại kho hàng, các cảng cạn (ICD). Rà soát thông tin thanh toán qua các dịch vụ thu hộ (COD) của các đơn vị chuyển phát. Tăng cường công tác kiểm tra việc tuân thủ pháp luật đối với các đơn vị này.
Mặt khác, nâng cao trách nhiệm của các sàn TMĐT, trang mạng xã hội trong việc sàng lọc, phòng ngừa, ngăn chặn đối với các tài khoản không cung cấp đầy đủ thông tin, các tài khoản có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa vi phạm. “Cần quy định sàn TMĐT và người bán hàng trên sàn TMĐT phải thống kê, lưu giữ tất cả các giao dịch trên hệ thống để phục vụ việc truy xuất các giao dịch và nguồn gốc hàng hóa”, Tổng cục QLTT kiến nghị.
Đáng chú ý, thời gian tới, lực lượng QLTT sẽ hướng tới xây dựng đội ngũ chuyên trách về TMĐT. Cụ thể, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của lực lượng QLTT, tiến hành rà soát, xây dựng cơ cấu tổ chức nằm trong cơ quan Tổng cục QLTT có chức năng chuyên môn về tham mưu, thực thi nhiệm vụ quản lý, giám sát các mô hình, hoạt động kinh doanh gắn với môi trường mạng.
“Trong trường hợp cần thiết hoặc các vụ việc mang tính chất phức tạp, lực lượng này sẽ phối hợp với đầu mối của các đơn vị liên quan trong việc cung cấp, chia sẻ cơ sở dữ liệu, thông tin phục vụ công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong TMĐT”, Tổng cục thông tin.
Ngoài ra, lãnh đạo Tổng cục cũng chỉ đạo, Cục QLTT các tỉnh, thành phố phải nắm tình hình, dự báo, đánh giá biến động thị trường để có biện pháp kiểm tra, giám sát, đấu tranh, xử lý có hiệu quả đối với các hành vi vi phạm trong kinh doanh TMĐT. Đặc biệt là các sàn giao dịch TMĐT như Lazada, Shopee, Tiki, Sendo... các Website TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến và các hoạt động sử dụng phần mềm khác trên môi trường internet.
Mặt khác, mở rộng triển khai và cụ thể hóa nội dung của Lễ ký cam kết “Nói không với hàng giả trong TMĐT”. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để hoạt động này lan tỏa rộng rãi trong doanh nghiệp TMĐT, đặc biệt là đối với các sàn giao dịch TMĐT điện tử và đặc biệt là người tiêu dùng trong việc chủ động trang bị các kỹ năng mua hàng trên mạng; cảnh giác cao độ với những chào bán bám đuổi trên các thiết bị điện tử.