Sôi nổi cùng chuỗi hoạt động “Hương xuân Tây Bắc” tổ chức trong tháng 01/2024
Chuỗi hoạt động “Hương xuân Tây Bắc” gồm hoạt động điểm nhấn “Chợ phiên - Chào năm mới 2024”, chuyên đề điểm nhấn “Xuân về bản em” và Chương trình “Đón xuân ở bản em” và và giới thiệu trò chơi dân gian mùa xuân của các dân tộc phía Bắc sẽ diễn ra tại thung lũng hoa cải gần làng Tày, Khu các làng dân tộc I.
Đặc biệt, đồng bào Khơ Mú, huyện Sông Mã tỉnh Sơn La sẽ tái hiện Tết Mạ Grợ - cầu phúc, cầu may. Tết này diễn ra hằng năm sau khi gặt hái mùa màng xong (khoảng tháng 11-12 âm lịch). Đây cũng là Tết lớn nhất trong năm của người Khơ Mú, mang ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng sâu sắc. Nghi lễ diễn ra trong từng gia đình, có sự tham gia của họ hàng, bà con dân bản.
Lễ vật dâng cúng tổ tiên rất đơn giản, chỉ gồm nhiều loại củ, quả như các loại khoai (khoai lang, khoai sọ), củ mài, các loại bí (đỏ, xanh), bầu. Ngoài ra, nhà nào cũng phải có 1 đôi gà (1 con trống, 1 con mái); dòng họ Quàng (dòng họ thờ con hổ) thì phải mổ lợn để làm lễ. Các gia đình mổ thêm lợn, gà, vịt, mua thêm thực phẩm để ăn Tết.
Đồng bào các dân tộc cùng tại Làng sẽ tập trung tại không gian làng dân tộc Khơ Mú đón chung vui đón Tết Mạ Grơ, giao lưu "Vui Xuân đón Tết cổ truyền", hòa chung niềm vui, sự tin tưởng và quyết tâm đồng lòng chung niềm vui chung bảo tồn phát huy giá trị văn hóa.
Tại các làng dân tộc Nùng, Tày, Dao, Mông, Mường, Lào, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer, đồng bào sẽ bày trí mâm ngũ quả, cành đào, treo ảnh Bác Hồ, cờ Tổ quốc và trang trí không gian nhà theo đúng phong tục ngày Tết. Ở phía ngoài sẽ trang trí tiểu cảnh, tạo điểm nhấn thu hút du khách.
Tại Làng sẽ diễn ra lễ dựng nêu ngày Tết. Đây là phong tục truyền thống lâu đời, ý nghĩa với nhiều dân tộc. Cây nêu không chỉ thể hiện ý nghĩa "tống cựu, nghinh tân", biểu tượng tâm linh mà còn chuyển tải ý nghĩa nhân sinh tốt đẹp. Người Việt coi cây nêu là trục vũ trụ, cột nối giữa trời và đất. Dựng nêu là hoạt động diễn ra đều đặn hàng năm tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam nhằm giới thiệu với du khách những phong tục lâu đời trong ngày Tết. Ngọn nêu vươn cao, mang theo ước vọng về một năm mới bình yên, hạnh phúc, thuận hòa tại "ngôi nhà chung" của 54 dân tộc anh em. "Bữa cơm đoàn viên" của đồng bào các dân tộc tại Làng sẽ gắn kết, tăng thêm sự sẻ, chia quan tâm giữa Ban Quản lý và đồng bào các dân tộc.
"Hội xuân" sẽ diễn ra mỗi dịp cuối tuần trong tháng 01/2024. Đồng bào và du khách cùng trải nghiệm, giao lưu các tiết mục văn nghệ, loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tiêu biểu mang âm sắc mùa xuân. Đó là múa xòe, nhảy sạp, hát ví, hát dân ca, diễn tấu cồng chiêng, nghệ thuật hát then, đàn tính, các điệu múa chuông, múa rùa...
Bên cạnh đó là các hoạt động hoạt động hàng ngày, cuối tuần của 16 cộng đồng dân tộc, chương trình du lịch trải nghiệm, giới thiệu làm bánh, gói bánh phục vụ du khách, trò chơi dân gian; hoạt động cầu an, chúc phúc tại các không gian tâm linh chùa Khmer, tháp Chăm... nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Các hoạt động được tổ chức với sự tham gia của khoảng 100 đồng bào của 16 dân tộc (Nùng, Tày, Dao, Mông, Mường, Lào, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Cơ Tu, Ba Na, Xơ Đăng, Raglai, Ê Đê, Khmer) với sự tham gia của 11 địa phương có đồng bào hoạt động hàng ngày (Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Kon Tum, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Sóc Trăng). Huy động thêm khoảng 30 đồng bào dân tộc Khơ Mú, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La cho hoạt động điểm nhấn từ 20,21/01/2024.