Tận dụng mọi cơ hội để ngành du lịch phục hồi trong bối cảnh thích ứng an toàn
Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là một quyết định mang tính bước ngoặt kịp thời cho những người làm du lịch, cơ hội để Việt Nam sớm phục hồi ngành công nghiệp không khói.
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Thông báo kết luận số 43/TB-VPCP ngày 16/2/2022 về phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện mới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hoàn thiện Phương án mở cửa lại hoạt động du lịch đảm bảo an toàn, hiệu quả trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3/2022 với việc mở cửa lại hoạt động du lịch quốc tế và nội địa thông qua đường không, đường bộ, đường biển, đường sắt đảm bảo an toàn, phù hợp với các quy định phòng, chống dịch Covid-19.
Tuy nhiên, đối với yêu cầu đảm bảo an toàn y tế cho khách nhập cảnh vẫn còn có một số ý kiến khác nhau. Vì vậy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Mở cửa hoàn toàn cho du lịch quốc tế từ 15/3 là một quyết định mang tính bước ngoặt, là cơ hội để Việt Nam sớm phục hồi ngành công nghiệp không khói |
Việc mở lại hoạt động du lịch cần đảm bảo bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 28/TB-VPCP ngày 28/1/2022, đó là “Hoạt động du lịch được mở lại sớm nhất có thể nhưng không ồ ạt, có tổ chức chặt chẽ và đảm bảo lộ trình, an toàn, khoa học, phù hợp, hiệu quả; không cầu toàn, không nóng vội và phải thực hiện đồng bộ, nhất quán’’.
Mới đây, tiễn đàn "Luồng xanh cho du lịch cất cánh" do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, ông Trần Đắc Phu, Nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, Việt Nam đã bước sang giai đoạn khác của phòng chống dịch, khi Hà Nội và 62 tỉnh, thành phố có độ phủ vaccine cao, số ca mắc lớn nhưng không nhiều triệu chứng nặng. Với kinh nghiệm, năng lực đã có, hệ thống y tế sẽ không quá tải, tỷ lệ tử vong không cao.
Đây là lý do chúng ta có thể mở cửa. Điều quan trọng nhất, ngành Du lịch cần xây dựng phương án theo đặc thù của từng loại hình du lịch. Và phải làm đồng bộ, tránh mỗi nơi một kiểu, gây bối rối cho du khách.
Riêng về công tác phòng, chống dịch, ông Phu cho rằng hiện nay có thể áp dụng linh hoạt, khuyến khích đeo khẩu trang tối đa nhất có thể và khử khuẩn tay. Về khoảng cách, nên chia theo nhóm, theo đoàn và tránh tụ tập giữa các đoàn.
Đại diện ngành du lịch, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, toàn ngành đã sẵn sàng và đang chuẩn bị hoàn tất các điều kiện để đảm bảo tốt nhất cho việc mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15/3. Cụ thể, tập trung thực hiện 7 nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó, đảm bảo an toàn phòng chống dịch là điều kiện tiên quyết; thứ hai là việc khôi phục các chuyến bay thương mại, không hạn chế các chuyến bay quốc tế; thứ ba, cấp thị thực (áp dụng chính sách thị thực với khách nhập cảnh như thời điểm năm 2019); thứ tư, công nhận “hộ chiếu vaccine”, giấy chứng nhận tiêm chủng các quốc gia, vùng lãnh thổ.
Thứ 5, chuẩn bị các điều kiện về năng lực phục vụ, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực; thứ sáu, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh điểm đến và cuối cùng là duy trì trao đổi, kết nối với các thị trường trọng điểm trong công tác truyền thông, xúc tiến quảng bá.
Với những biện pháp và lộ trình đón khách nội địa và thí điểm đón khách quốc tế theo chương trình hộ chiếu vaccine đã có những thử nghiệm, trải nghiệm sẽ là căn cứ quan trọng cho du lịch Việt Nam trong quá trình mở cửa lại hoạt động du lịch trong bối cảnh bình thường mới đạt hiệu quả đề ra. Tổng cục Du lịch cũng mong muốn Bộ Y tế sẽ sớm có hướng dẫn phòng, chống dịch để ngành du lịch áp dụng.
Tổng Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh, du lịch Việt Nam hơn lúc nào hết cần được các Bộ ngành ủng hộ, các địa phương phối hợp cùng doanh nghiệp du lịch nhanh chóng chớp lấy thời cơ, tận dụng mọi cơ hội để phục hồi trong bối cảnh mới, thích ứng an toàn, trở thành điểm đến uy tín và có vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế.
Về phía các địa phương, theo ông Nguyễn Hồng Minh, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, để chuẩn bị cho việc mở cửa các hoạt động du lịch trở lại, thành phố đã hỗ trợ cho hơn 4.000 doanh nghiệp với kinh phí gần 15 tỷ đồng, miễn giảm tiền điện cho cơ sở lưu trú, giảm tiền ký quỹ 80% đối với doanh nghiệp khi thành lập mới.
Đồng thời, đẩy mạnh nhiều hoạt động quảng bá du lịch ra thế giới cũng như thu hút khách du lịch trong nước đến Hà Nội; xây dựng các sản phẩm du lịch thích ứng an toàn hiệu quả trong bối cảnh hiện nay.
Hà Nội cũng đã chủ trì cùng với 12 địa phương tiến hành chương trình kết nối hành lang du lịch an toàn ngay trong giữa các địa phương.
Hà Nội đã giao Tổng công ty Du lịch Hà Nội đang triển khai các sản phẩm kết nối với các địa phương để thúc đẩy ngay du lịch của người dân.
Ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế đang chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở hạ tầng, sản phẩm du lịch, cũng như đội ngũ hướng dẫn viên để đón du khách quốc tế khi Việt Nam thực hiện mở cửa hoàn toàn trở lại.
Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Phúc, năm 2022, Festival Huế lần đầu tiên được tổ chức theo hướng bốn mùa lễ hội, với gần 50 sự kiện văn hóa được tổ chức liên tục, kéo dài trong năm, sẽ là điểm nhấn để thu hút du khách đến với Cố đô Huế trong thời gian tới.
Bên cạnh thế mạnh về du lịch di sản, những năm gần đây, ngành du lịch Thừa Thiên-Huế đang nỗ lực xây dựng thương hiệu là một điểm đến an toàn, kinh đô áo dài, kinh đô ẩm thực, qua đó tạo ra những sản phẩm du lịch khác biệt, đặc sắc.
Ngoài ra, dự kiến vào Quý IV/2022, Dự án xây dựng Nhà ga hành khách T2 thuộc Cảng hàng không quốc tế Phú Bài (thị xã Hương Thủy) sẽ hoàn thành đưa vào khai thác. Đây là tiền đề quan trọng góp phần tạo thuận lợi thu hút các nhà đầu tư và du khách quốc tế đến với địa phương…