Tự hào 65 năm xây dựng và phát triển lực lượng Quản lý thị trường
Những mốc son quan trọng của lực lượng QLTT
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 001-SL ngày 19/4/1957 và Thủ tướng Chính phủ ký nghị định số 163/TTg ngày 19/4/1957 về việc cấm chỉ mọi hành động đầu cơ về kinh tế, ngày 3/7/1957, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 290/TTg thành lập Ban Quản lý thị trường (QLTT) Trung ương và các Ban QLTT ở các thành phố, tỉnh, khu tự trị. Theo đó:
Ban QLTT Trung ương có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu chủ trương, chính sách quản lý thị trường, chống đầu cơ, tích trữ; chỉ đạo thực hiện các chủ trương chính sách đó trong phạm vi toàn quốc. Ban QLTT Trung ương do đồng chí Bùi Công Trừng - Chủ nhiệm Văn phòng Tài chính Thương nghiệp Thủ tướng phủ làm Trưởng ban; đồng chí Đỗ Mười - Thứ trưởng Bộ Thương nghiệp làm Phó Trưởng ban và một số ủy viên (kiêm nhiệm).
Ban QLTT ở các thành phố, tỉnh, khu tự trị có nhiệm vụ giúp Ủy ban hành chính địa phương chỉ đạo QLTT tại địa phương theo chủ trương, chính sách của Chính phủ do Chủ tịch hay Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính làm Trưởng ban, Giám đốc Công Thương làm Phó Trưởng ban và một số ủy viên.
Giai đoạn này, Ban QLTT Trung ương và các địa phương đã tích cực, chủ động triển khai nhiệm vụ, thu được những kết quả quan trọng, góp phần giữ ổn định thị trường, bảo vệ sản xuất và đời sống nhân dân trong giai đoạn khắc phục, cải tạo và xây dựng kinh tế ở miền Bắc, góp phần vào công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Như vậy, ngay từ thời kỳ đầu mới được thành lập, Ban QLTT Trung ương và địa phương giữ vai trò quan trọng trong công tác QLTT.
Từ 10/6/1981 các hộ cá thể và tổ hợp tác có đăng ký buôn bán trong chợ Sắt thực hiện việc niêm yết giá. Giá cả một số mặt hàng như gạo, mỳ, lạc, thịt, được ổn định. Ảnh: Tổ hợp tác hàng khô Tân Hiện bán hàng theo giá niêm yết |
Ngày 16/7/1982, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 190/CP thành lập Ban Chỉ đạo QLTT Trung ương thuộc Hội đồng Bộ trưởng để hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác QLTT. Sau ngày miền Nam giải phóng, số người tham gia buôn bán tăng nhanh, xuất hiện tình trạng trốn thuế, đầu cơ, buôn lậu kinh doanh trái phép. Ngày 23/11/1982, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị quyết số 188/HĐBT về tăng cường thương nghiệp xã hội chủ nghĩa và QLTT, trong đó khẳng định thiết lập trật tự mới xã hội chủ nghĩa trên thị trường là một nhiệm vụ cấp bách.
Ngày 2/10/1985, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị quyết số 249/HĐBT về tổ chức lực lượng chuyên trách kiểm tra, kiểm soát thị trường. Theo đó, các Đội QLTT trực thuộc Ban Chỉ đạo QLTT các tỉnh, thành phố, đặc khu và cấp huyện, quận, thị xã được thành lập. Từ đây, lực lượng thường trực chuyên trách kiểm tra, kiểm soát thị trường hình thành trên khắp các địa bàn cấp huyện trong cả nước.
Thực hiện đường lối đổi mới được đề ra từ Đại hội Đảng lần thứ VI (1986), nền kinh tế tuy được cải thiện xong vẫn còn nhiều khó khăn, vẫn còn tình trạng buôn lậu, kinh doanh trái pháp luật. Trước tình hình đó, tháng 8/1990, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành các quyết định thành lập Ban công tác Đặc nhiệm chống buôn lậu và QLTT ở các tỉnh phía Bắc và phía Nam. Ban công tác Đặc nhiệm chống buôn lậu ở các tỉnh phía Bắc do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo. Các Ban Công tác Đặc nhiệm này được tổ chức thành các Đội công tác Đặc nhiệm liên ngành hoạt động theo từng thời gian và trên một số địa bàn trọng điểm nhằm kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn lậu.
Ngày 6/12/1991, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 398/HĐBT hợp nhất Ban Chỉ đạo QLTT Trung ương, Ban công tác Đặc nhiệm phía Bắc và phía Nam thành Ban Chỉ đạo QLTT Trung ương với nhiệm vụ giúp Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thống nhất chỉ đạo công tác QLTT, chống đầu cơ buôn lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả và các hành vi kinh doanh trái pháp luật khác.
Tính đến ngày 10/12/1990 trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá còn hàng trăm điểm bán xăng dầu trái phép. Hầu hết giá dầu đều tăng 20-25% so với giá chỉ đạo của nhà nước và có nhiều thủ đoạn lấy bớt xăng dầu, không đảm bảo an toàn. Nhưng các ngành chức năng trong tỉnh chưa có biện pháp tích cực để giải quyết. Ảnh các quầy xăng trái phép dọc tuyến đường qua thị xã Thanh Hoá |
Ngày 25/4/1994, Chính phủ ban hành Nghị định số 35/CP giao Bộ Thương mại có trách nhiệm thống nhất chỉ đạo công tác QLTT cả nước, đồng thời chuyển giao bộ máy làm việc thuộc Ban Chỉ đạo QLTT Trung ương sang Bộ Thương mại. Ngày 23/1/1995, Chính phủ ban hành Nghị định số 10/CP quy định nhiệm vụ, quyền hạn và hệ thống tổ chức QLTT, trong đó xác định QLTT là lực lượng chuyên trách được tổ chức từ trung ương đến huyện có chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại ở thị trường trong nước.
Đây là mốc quan trọng đánh dấu lực lượng QLTT cả nước tổ chức có hệ thống từ Trung ương đến địa phương. Ngày 3/1/ 1996, Bộ Chính trị có Nghị quyết số 12/NQ-TW về thương nghiệp, trong đó định hướng xây dựng lực lượng QLTT theo yêu cầu chính quy, tổ chức chặt chẽ hơn.
Để tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ, ngành của Trung ương và địa phương, ngày 27/8/2001, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 127/2001/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo chống buôn lậu hàng giả và gian lận thương mại ở Trung ương (Ban Chỉ đạo 127-TW) do Bộ trưởng Bộ Thương mại làm Trưởng ban, Ủy viên là Thứ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ. Cục QLTT được giao thêm nhiệm vụ là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 127-TW, các Chi Cục QLTT được giao thêm nhiệm vụ là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 127 địa phương.
Thời gian này lực lượng QLTT đã làm tốt công tác thường trực giúp việc, tham mưu cho Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại ở Trung ương và địa phương, tổ chức tốt sự phối hợp giữa các Bộ ngành, các lực lượng chức năng giữa Trung ương và chính quyền địa phương trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.
Tháng 8/1990, QLTT TP HCM đã phát hiện 395 vụ sản xuất kinh doanh trái phé,p trong đó có 223 vụ mua bán hàng nhập lậu và 18 vụ làm hàng giả. Trong ảnh là 982 cây thuốc Hero được ngụy trang trong xọt chôm chôm tại đường Nguyễn Văn Thạch, chợ Bình Tây |
Trong suốt quá trình 65 năm phát triển, cơ cấu của lực lượng QLTT đã có nhiều thay đổi qua từng giai đoạn nhưng ngay từ khi mới thành lập, vai trò, nhiệm vụ và kết quả công tác của lực lượng QLTT trong cả nước đã được Chính phủ, các Bộ, ngành, chính quyền địa phương và nhân dân ghi nhận. Cùng với quá trình hình thành và phát triển, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, thẩm quyền của QLTT tiếp tục được bổ sung hoàn thiện theo luật xử lý vi phạm hành chính, các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính của chính phủ và các văn bản quy phạm Pháp luật liên quan.
Sự kiện pháp lý quan trọng đối với lực lượng QLTT là ngày 8/3/2016, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã thông qua Pháp lệnh Quản lý thị trường. Theo Pháp lệnh, lực lượng QLTT được tổ chức từ Trung ương đến địa phương theo nguyên tắc tập trung thống nhất do Chính phủ thống nhất quản lý. Lực lượng QLTT là lực lượng chuyên trách của nhà nước thực hiện chức năng phòng, chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, về đo lường, về giá, an toàn thực phẩm và gian lận thương mại; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Pháp lệnh Quản lý thị trường công khai minh bạch hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành của lực lượng QLTT, bảo đảm quyền tự do kinh doanh của tổ chức, cá nhân, quy định các điều kiện đảm bảo cho hoạt động của QLTT và chế độ chính sách cho công chức QLTT. Theo Pháp lệnh, công chức QLTT được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên, nếu bị thương hoặc hy sinh trong khi thi hành công vụ được hưởng chế độ, chế độ chính sách theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng. Trước ngày 12/10/2018, hệ thống tổ chức của lực lượng QLTT bao gồm: Cục QLTT thuộc Bộ Công Thương và 63 Chi Cục QLTT thuộc sở công thương các tỉnh, thành phố.
Từ ngày 30/11-15/12 Ban QLTT phối hợp với Sở VHTT Hà Nội tổ chức triển lãm chống hàng giả, chống buôn lậu tại nhà thông tin Tràng Tiền. Triển lãm trưng bày, đối chứng một số mặt hàng thật và giả để người tiêu dùng phân biệt như thuốc chữa bệnh, nước giải khát, thuốc lá, vỏ bao xi măng... và giới thiệu một số vụ buôn lậu điển hình đã bị phát hiện và xử lý |
Hiệu quả từ mô hình mới
Hơn 60 năm trôi qua, mô hình tổ chức QLTT hoạt động theo cấu trúc ngang bao gồm các Chi cục thuộc Sở Công Thương ở các tỉnh, thành phố đã góp phần không nhỏ trong việc ổn định thị trường nội địa. Tuy nhiên, tình trạng gian lận thương mại, buôn lậu, hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đã phát triển ở mức độ tinh vi, phức tạp hơn. Hành vi vi phạm không chỉ ở địa bàn cấp xã, huyện, tỉnh mà có phạm vi rộng hơn, liên tỉnh, liên vùng, thậm chí móc nối với các đối tượng ở nước ngoài. Đặc biệt, với sự phát triển của Internet, công nghệ thông tin, thương mại điện tử đã và đang trở thành một kênh tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, hàng kém chất lượng khiến lực lượng chức năng rất khó phát hiện kiểm tra và xử lý. Chính vì thế, cách tổ chức lực lượng QLTT theo mô hình cũ, chia cắt theo địa phương đã bộc lộ những giới hạn, không theo kịp nhu cầu quản lý trong tình hình mới.
Nhận thấy những bất cập tồn tại, với mong muốn xây dựng lực lượng QLTT tinh nhuệ, đáp ứng được yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, ngày 10/8/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Tổng cục QLTT trực thuộc Bộ Công Thương. Theo đó, Tổng cục được tổ chức theo mô hình ngành dọc từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm sự chỉ đạo, điều hành theo nguyên tắc tập trung thống nhất.
Ngay khi được thành lập, dưới sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT đã bắt tay vào khắc phục các bất cập của mô hình tổ chức cũ bị phân tán, cắt khúc theo vùng lãnh thổ. Cùng với đó, hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính của lực lượng QLTT được triển khai đồng bộ, kịp thời, thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
Ngày 21/1/2019 tại Hà Nội Tổng cục QLTT tổ chức Hội nghỉ tổng kết hoạt động năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 và ra mắt trang thông tin điện tử của Tổng Cục. Trong ảnh là các Đại biểu thực hiện nghi thức bấm nút ra mắt |
Với sức mạnh của mô hình mới, Tổng cục QLTT đã tiến công vào những điểm nóng, đánh trúng vào đường dây, ổ nhóm sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng lậu lớn mà trước đây chưa bao giờ làm được. Nhiều vụ việc điển hình vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại các địa phương như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Lạng Sơn, Quảng Ninh, An Giang, Bình Dương, Thanh Hóa, Hải Dương... đã được lực lượng QLTT phát hiện, xử lý nghiêm, điển hình như: xử lý tổng kho buôn lậu hơn 10.000 m2 tại thành phố Lào Cai; kiểm tra, xử lý hai trung tâm thương mại bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Móng Cái (Quảng Ninh), Trung tâm thương mại Sài Gòn Square, chợ Bến Thành (TP Hồ Chí Minh), chợ Ninh Hiệp, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội)...
Đặc biệt, trong năm 2020, 2021, lực lượng QLTT đã thể hiện vai trò tiên phong trong trận chiến chống đại dịch Covid-19 khi vừa kiểm tra, kiểm soát thị trường, vừa tham gia túc trực để điều phối các mặt hàng phòng chống dịch tới tay người tiêu dùng với mức giá hợp lý. Lực lượng QLTT cũng là cơ quan đầu tiên đưa ra cảnh báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về nạn thu gom khẩu trang, găng tay y tế đã qua sử dụng để tái chế, bán ra thị trường.
Với việc triển khai thực hiện nhiệm vụ theo hệ thống tổ chức mới, lực lượng QLTT đã phát huy vai trò, tạo sự chuyển biến rõ nét trong thực thi nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát thị trường.
Không chỉ quyết liệt chỉ đạo trong lực lượng, Tổng cục QLTT cũng đã chủ động phối hợp các lực lượng chức năng, bộ ngành để đẩy mạnh hoạt động kiểm tra kiểm soát thị trường đặc biệt đối với vấn đề buôn lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm… Ở cấp địa phương, lực lượng QLTT quận, huyện đã xử lý nhiều vụ việc, địa bàn nổi cộm.
Thực tế đã minh chứng việc tinh giản bộ máy không làm yếu đi vai trò chủ công trong chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên thị trường nội địa, mà còn giúp lực lượng QLTT ngày càng tinh nhuệ, chuyên nghiệp, đủ sức “đánh vào những tổ chức đã thành hệ thống, những trung tâm đầu nậu, trọng điểm về buôn lậu hàng gian, hàng giả”.
Trong suốt 65 năm xây dựng và phát triển, lực lượng QLTT cả nước đã thể hiện rõ vai trò chủ công trên mặt trận kiểm tra, kiểm soát thị trường, góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ |
Bước chân vào hội nhập, bên cạnh những mặt tích cực cũng nảy sinh nhiều mặt trái của thị trường đòi hỏi phải có phương thức mới trong tiếp cận, đấu tranh và xử lý. Nắm bắt thực tế này, Tổng cục QLTT đã chủ động đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin, coi đó là công cụ đi đầu tạo ra bước đột phá trong nâng cao hiệu quả hoạt động. Đến nay, lực lượng QLTT đã ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin trong công tác QLTT, đưa vào vận hành chính thức Cổng thông tin điện tử; hệ thống quản lý văn bản điện tử; hệ thống thư điện tử công vụ; cơ sở dữ liệu và quản lý công tác tài chính; hệ thống xử phạt vi phạm hành chính, hệ thống hội nghị trực tuyến với 63 điểm cầu...
Trong suốt 65 năm xây dựng và phát triển, lực lượng QLTT cả nước đã thể hiện rõ vai trò chủ công trên mặt trận kiểm tra, kiểm soát thị trường, góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, ổn định thị trường, bảo vệ nhà sản xuất trong nước, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, được Chính phủ, cấp ủy và chính quyền địa phương ghi nhận. Những nỗ lực đó đã được Nhà nước trao tặng nhiều Huân chương Lao động, Cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Cờ thi đua, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, bên cạnh những tiềm năng, thuận lợi thì cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Tình trạng buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội. Để làm tốt công tác này, lượng lượng QLTT tiếp tục bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, cấp ủy và chính quyền địa phương. Chủ động, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng xây dựng phương án, kế hoạch và tổ chức kiểm tra, kiểm soát thị trường có trọng tâm, trọng điểm, kịp thời phát hiện, xử lý những vấn đề phát sinh nổi cộm trên thị trường. Đặc biệt, xây dựng đội ngũ công chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi chuyên môn nghiệp vụ, không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức, đấu tranh chống tham nhũng để hướng tới xây dựng một đội ngũ Chính quy - Chuyên nghiệp - Hiện đại.