Việt Nam chưa có thuốc bảo quản nông sản sau thu hoạch dùng cho cây ăn quả
Trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV cử tri tỉnh Đắk Lắk đã phản ánh hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại thuốc nhúng trái cây chín đồng loạt đang được sử dụng, nhưng chưa được cấp phép sử dụng và hướng dẫn cụ thể nên người dân rất hoang mang khi sử dụng loại thuốc này. Đồng thời, đề nghị Bộ NN&PTNT có văn bản quy định cụ thể loại thuốc nào được dùng và loại nào không được dùng.
Trên thị trường xuất hiện nhiều loại thuốc nhúng ép trái cây chín không có trong danh mục được phép sử dụng (ảnh internet) |
Trả lời vấn đề này, Bộ NN&PTNT cho biết hiện nay, trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam được ban hành kèm theo thông tư số 09/2023 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT chưa có thuốc bảo quản nông sản sau thu hoạch dùng cho trái cây.
Văn bản của Bộ NN&PTNT cũng nêu rõ, để hướng dẫn việc sử dụng các loại thuốc bảo quản nông sản sau thu hoạch dùng cho cây ăn quả đúng quy định, Bộ đã chỉ đạo Cục Bảo vệ thực vật có văn bản hướng dẫn cũng như tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân đăng ký các thuốc này vào danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng".
Trong thời gian tới, Bộ NNPTNT cho biết sẽ tiếp tục khuyến khích và tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân đăng ký các loại thuốc bảo vệ thực vật bảo quản nông sản sau thu hoạch dùng cho cây ăn quả, để đưa vào danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.
Thực tế hiện nay, người dân vẫn sử dụng một số loại hóa chất trong việc thúc chín hoặc bảo quản trái cây tươi lâu. Tuy nhiên, vẫn chưa có hoạt chất nào được đưa vào danh mục cho phép sử dụng ở Việt Nam với mục đích trên.
Theo các cơ quan chức năng, trước đây việc bảo quản hay thúc chín các loại hoa quả thường được người dân dùng phương pháp truyền thống là đất đèn hoặc đốt hương. Tuy nhiên hiện nay, thuốc thúc chín được nhập lậu từ Trung Quốc bày bán khắp nơi, người dân dễ dàng mua với giá rất rẻ với giá từ 1.500-2.000 đồng/lọ…các loại thuốc này chưa được kiểm định chất lượng.