Việt Nam xuất siêu 9,8 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm
Kim ngạch xuất nhập khẩu giảm
Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2023 do Tổng cục Thống kê vừa công bố, 5 tháng đầu năm, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 9,8 tỷ USD. Song, kim ngạch xuất nhập khẩu có xu hướng giảm mạnh. 5 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 262,54 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, Tổng cục Thống kê cho biết, tháng 5/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 29,05 tỷ USD, tăng 4,3% so với tháng trước và giảm 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 136,17 tỷ USD, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong 5 tháng đầu năm, nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 120,24 tỷ USD, chiếm 88,3%.
5 tháng đầu năm, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 9,8 tỷ USD. Song, kim ngạch xuất nhập khẩu có xu hướng giảm mạnh |
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 5/2023 ước đạt 26,81 tỷ USD, tăng 6,4% so với tháng trước và giảm 18,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 126,37 tỷ USD, giảm 17,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 5 tháng đầu năm, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm tỷ trọng nhập khẩu lớn nhất, ước đạt 118,31 tỷ USD, chiếm 93,6%.
Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 37,2 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 43,4 tỷ USD.
CPI tháng 5 tăng 0,01%
Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 5/2023, giá lương thực, thực phẩm tăng, giá điện, nước sinh hoạt tăng do thời tiết nắng nóng kéo dài là những nguyên nhân chính khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,01% so với tháng trước. So với tháng 12/2022, CPI tháng 5/2023 tăng 0,4% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,43%.
CPI tháng 5/2023 tăng 0,4% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,43%. Nguyên nhân chính là do giá lương thực thực phẩm, giá điện, nước sinh hoạt tăng |
Trong mức tăng 0,01%, có 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 3 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.
Trong đó, Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng mạnh nhất với 1,01% chủ yếu do thời tiết nắng nóng kéo dài, dẫn đến nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng lên (giá điện sinh hoạt tháng Năm tăng 2,62% so với tháng trước; giá nước sinh hoạt tăng 2,19). Giá gas trong tháng tăng 0,31% so với tháng trước…
Ngoài ta, Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,24% so với tháng trước, trong đó giá dịch vụ du lịch trọn gói tăng 0,67%; nhà khách, khách sạn tăng 0,38% do trong tháng có kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 kéo dài nên nhu cầu đi du lịch tăng cao. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,24%; Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,23%…
Tính chung, bình quân 5 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 3,55% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 5/2023 tăng 0,27% so với tháng trước, tăng 4,54% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 5 tháng đầu năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,83% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,55%).
Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước 5 tháng đầu năm 2023 giảm 15,27% so với cùng kỳ năm trước, giá gas giảm 8,51% là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.