Vụ trên 11.000 m3 cát không nguồn gốc: Siết chặt hoạt động kinh doanh vật liệu xây dựng
Trưa 8/4, trả lời phóng viên Tạp chí Quản lý thị trường về vụ việc phát hiện, thu giữ trên 11.389 m3 cát không rõ nguồn gốc, ông Nguyễn Anh Tú - Đội trưởng Đội 21, Cục QLTT TP Hà Nội cho biết, sau một thời gian dài trinh sát, nắm bắt địa bàn, ngày 6/4, Đội 21 đã phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an TP kiểm tra, phát hiện điểm kinh doanh, tập kết mua bán cát tại xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín của Công ty CP thương mại và sản xuất Hoàng Gia, do ông Hoàng Văn Huynh (sinh năm 1968, trú tại thị trấn Phú Minh, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) làm Giám đốc.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện điểm kinh doanh, tập kết khoáng sản của ông Huynh có 11.389 m3 là cát đen san lấp là hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Làm việc với lực lượng chức năng ông Huynh cho biết, toàn bộ số lượng cát đen trên được Công ty thu mua trôi nổi từ các tàu cát trên sông và không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Sau khi thu mua, trên 11.389 m3 cát đen san lấp này được tập kết về bãi vật liệu xây dựng của Công ty để bán kiếm lời.
“Đây là vụ phát hiện, thu giữ vật liệu xây dựng là cát lớn nhất từ trước đến nay của Đội QLTT số 21. Số cát này, được Công ty mua gom trôi nổi không nguồn gốc, nhưng do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, đến nay, lượng cát này vẫn chưa được tiêu thụ hoặc chưa tiêu thụ hết”, Đội trưởng Nguyễn Anh Tú thông tin.
Đáng chú ý, theo Trung tá Nguyễn Ngọc Cầm, Đội trưởng Đội 3 Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an TP Hà Nội, lợi dụng nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng là cát san lấp ngày càng cao nên nhiều chủ bến bãi ven các sông có biểu hiện thu gom các loại khoáng sản không có hóa đơn chứng từ để bán lại kiếm lời.
Hành vi này gián tiếp làm gia tăng tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, khai thác khoáng sản trái phép trên các tuyến sông trên địa bàn thành phố, Trung tá Nguyễn Ngọc Cầm thông tin.
Cũng theo Đội trưởng Nguyễn Anh Tú, thời gian qua, dù chịu tác động từ đại dịch nhưng Đội QLTT số 21 luôn chủ động kiểm tra, kiểm soát thị trường, theo dõi nắm bắt địa bàn để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm, đảm bảo quyền và lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp.
Bãi chứa 11.389 mét khối cát đen không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của công ty ông Hoàng Văn Huynh |
Nhận định về tình hình thị trường thời gian tới, ông Tú cho rằng, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên địa bàn quản lý sẽ tiếp tục gia tăng với những phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp. Do vậy, giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn, xử lý kịp thời những hành vi này là tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, cơ sở kinh doanh trong việc sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc. Đồng thời, cần sự vào cuộc đồng bộ của các lực lượng chức năng.
“Thời gian tới, Đội QLTT số 21 sẽ tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng khác như Công an, Hải quan, Biên phòng… kiểm tra, kiểm soát thị trường theo Kế hoạch, theo chuyên đề, theo từng thời điểm; trong đó, chú trọng, tập trung kiểm tra các mặt hàng trọng tâm, các địa bàn trọng điểm. Đặc biệt, tăng cường, kiểm tra, kiểm soát, nắm địa bàn, kịp thời xử lý hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh, tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng tại các bến sông trên địa bàn thành phố.
Song song đó, tiếp tục triển khai ký cam kết với các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, doanh nghiệp không kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung và mặt hàng khoáng sản nói riêng ”, Đội trưởng Nguyễn Anh Tú chia sẻ.
Hiện tại, các lực lượng chức năng đã phối hợp với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng tiến hành lập biên bản kiểm tra, biên bản tạm giữ hàng hóa, đồng thời tiếp tục cùng cố hồ sơ trình UBND TP Hà Nội ra quyết định xử phạt Công ty CP thương mại và sản xuất Hoàng Gia theo quy định của pháp luật. |