Xuất khẩu trực tuyến: Mở “luồng xanh” đưa hàng Việt Nam ra thế giới
Amazon Global Selling Việt Nam vừa có báo cáo hoạt động thương mại trên sàn giao dịch điện tử trong năm 2021. Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam đã bán tổng cộng 7,2 triệu sản phẩm cho khách hàng thế giới thông qua Amazon. Như vậy, tính bình quân mỗi phút có 14 sản phẩm là hàng Việt Nam được bán ra, tăng 34% so với năm 2020).
Tương tự, báo cáo hằng năm do công ty SYNC Southeast Asia của Facebook cho thấy, Việt Nam đang đi đầu trong việc thúc đẩy các thay đổi và nắm bắt cơ hội phát triển giao dịch trực tuyến, dựa trên sự chuyển đổi kỹ thuật số khi chuyển sang trạng thái bình thường mới.
Xuất khẩu trực tuyến được kỳ vọng sẽ tạo “luồng xanh” để đưa hàng Việt ra thế giới |
Trước đó không lâu, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu thông qua hình thức trực tuyền, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã triển khai “Gian hàng Quốc gia Việt Nam” trên sàn thương mại điện tử JD.com của Trung Quốc. Đây là gian hàng Quốc gia đầu tiên của Việt Nam được mở trên nền tảng trực tuyến quốc tế.
Hoạt động này sẽ tạo “luồng xanh” để đưa hàng Việt mở rộng thị trường tại Trung Quốc và vươn tới một số quốc gia như Đan Mạch, Phần Lan, Đức, Nhật Bản, Indonesia, Thái Lan…
Giám đốc Điều hành Lazada Việt Nam từng chia sẻ, xuất khẩu theo hình thức trực tuyến thực sự đã chuyển mình từ một kênh phụ trợ, trở thành phần cốt lõi trong chiến lược tăng trưởng xuất khẩu của thương hiệu Việt.
Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đánh giá, thương mại điện tử Việt Nam những năm gần đây đã có bước phát triển ấn tượng nhờ sự thay đổi trong tư duy của nhiều nhà bán hàng, nhà xuất khẩu.
“Doanh nghiệp từ chỗ ngại ngần chuyển đổi số, chỉ bán hàng trực tiếp thì nay đã sẵn sàng bán hàng trực tuyến. Đó là thay đổi lớn về mặt nhận thức, tư duy của doanh nghiệp Việt khi đưa sản phẩm ra thế giới", ông Đặng Hoàng Hải nhận xét.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt đã khá thành công khi đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế qua kênh xuất khẩu trực tuyến. Đại diện thương hiệu nón bảo hiểm Royal Helmet cho biết một trong những động lực chính khiến doanh nghiệp này quyết định xuất hàng qua nền tảng trực tuyến là bởi có thể dễ dàng tiếp cận hàng trăm triệu khách hàng mà không cần tốn công xây dựng mạng lưới, giới thiệu sản phẩm… Điều này đem lại lợi ích kinh tế rất lớn.
Tương tự, bà Nguyễn Hà Mỹ Thùy, Trưởng Phòng Nhãn hàng Công ty CP LiveSpo, cho hay với các thị trường quốc tế, mục tiêu của nhãn hàng LiveSpo là "online first" (ưu tiên xuất khẩu trực tuyến). Do đó, doanh nghiệp đã lựa chọn một nền tảng đáp ứng khả năng phân phối đến các thị trường mục tiêu như Mỹ, Anh, châu Âu…
Trong khi đó, ông Trần Văn Tươi, Giám đốc điều hành nhãn hiệu rong nho Trường Thọ, cho rằng kênh xuất khẩu trực tuyến có thể hỗ trợ tốt trong việc xây dựng thương hiệu, điều mà cách thức xuất khẩu truyền thống không làm được.
"Nếu sản phẩm của chúng tôi vượt qua được công đoạn kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm nghiêm ngặt của Mỹ thông qua sự hỗ trợ của kênh bán hàng online và được người Mỹ tin dùng thì có thể cả thế giới sẽ tin dùng, từ đó khẳng định được đẳng cấp, uy tín của sản phẩm rong nho Trường Thọ trên thị trường quốc tế", ông Tươi hào hứng.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, xuất khẩu thông qua hình thức trực tuyến mang lại cơ hội cho đưa hàng Việt ra thị trường quốc tế, nhưng để làm được điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải vượt qua những khó khăn về vốn, nhân lực, công nghệ…
Theo Giám đốc Quốc gia của Amazon Global Selling Việt Nam Gijae Seong, doanh nghiệp muốn xuất khẩu trực tuyến phải đầu tư hạ tầng công nghệ một cách bài bản, chuyên nghiệp. Làm được điều này đòi hỏi doanh nghiệp cần nguồn vốn lớn, đồng thời hợp tác được với những đối tác công nghệ uy tín. Nhưng những doanh nghiệp quy mô lớn, đã xuất khẩu thành công theo phương thức truyền thống, hình thức bán hàng trực tuyến không quá hấp dẫn những đơn vị này.
Chính vì vậy, khi đối mặt dịch Covid-19 và buộc phải chuyển sang khai thác kênh online, những doanh nghiệp này lúng túng bởi chỉ có nhân lực cho phương thức B2B (bán buôn), thiếu nhân lực phù hợp cho phương thức bán hàng B2C (bán lẻ đến tận tay người dùng).
Đồng tình với phân tích này, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội Mạc Quốc Anh nêu rõ, hiện 95% doanh nghiệp Việt Nam quy mô vừa và nhỏ, nên để có thể xuất khẩu hàng Việt ra thế giới thông qua hình thức trực tuyến đòi hỏi doanh nghiệp bên cạnh việc khắc phục hạn chế về nhân lực số cần thay đổi tư duy về quản trị, thương mại quốc tế.
“Doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược, tầm nhìn dài hạn về các hoạt động sản xuất - kinh doanh theo hướng tối ưu hóa, đổi mới mẫu mã, giá cả để cạnh tranh. Cùng với đó, có cách tiếp cận thị trường riêng, tìm hiểu rõ đặc thù của từng thị trường, xu hướng tiêu dùng thế giới…”, ông Mạc Quốc Anh khuyến nghị,