Bảo đảm cung ứng oxy phục vụ điều trị bệnh nhân mắc Covid-19
Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 139/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về giải pháp cung ứng oxy phục vụ điều trị bệnh nhân mắc Covid-19.
Xét đề nghị của Bộ Công Thương về giải pháp cung ứng oxy phục vụ điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương, Bộ Y tế tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện số 1815/CĐ-TTg ngày 26/12/2021, số 1792/CĐ-TTg ngày 23/12/2021 và Công văn số 60/VPCP-KGVX ngày 03/01/2022 về cung ứng, điều phối oxy cho điều trị bệnh nhân mắc Covid-19.
Trường hợp xét thấy cần thiết nhằm bảo đảm oxy cho điều trị, Bộ Công Thương quyết định áp dụng biện pháp tạm ngừng, hạn chế xuất khẩu oxy theo thẩm quyền và đúng quy định của pháp luật.
Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an chỉ đạo và tạo điều kiện thực hiện việc vận chuyển oxy cho y tế thuận lợi nhất, đảm bảo an toàn, đáp ứng yêu cầu sử dụng oxy cho điều trị.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp Bộ Y tế, Bộ Công Thương và các Bộ liên quan sớm nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định cơ chế hỗ trợ giá oxy phù hợp đối với các cơ sở sản xuất, vận chuyển và sử dụng oxy cho y tế trong tình huống cấp bách theo đúng quy định của pháp luật.
Bộ Công Thương có thể quyết định áp dụng tạm ngừng, hạn chế xuất khẩu oxy nếu xét thấy cần thiết nhằm bảo đảm oxy cho điều trị |
Trước đó, Bộ Công Thương cho biết, ngay từ tháng 7/2021, Bộ Công Thương đã hết sức chủ động và triển khai sớm các giải pháp, đã cử đại diện tham gia Tổ ôxy do Bộ Y tế chủ trì, đã chỉ đạo rà soát, cung cấp đầy đủ số liệu về sản xuất, cung ứng oxy theo đề nghị của Bộ Y tế để cập nhật trong phần mềm và công tác điều phối của Bộ Y tế và Tổ ôxy.
Ngoài ra, Bộ cũng có các văn bản chỉ đạo điều hành đến EVN trong việc cung ứng điện phục vụ sản xuất, hỗ trợ xử lý khó khăn theo thẩm quyền và phối hợp, xử lý các kiến nghị từ Bộ Y tế tại Công văn số 10733/BYT- TB ngày 17/12/2021, (tổ chức họp, khuyến nghị, kiến nghị các doanh nghiệp sản xuất khí tại Việt Nam.
Các nhà sản xuất công nghiệp, thực phẩm… đặc biệt là các đơn vị sản xuất thép tại khu vực miền Nam, Tây Nam bộ giảm sản lượng tiêu thụ ôxy, chia sẻ với ngành y tế vì mục đích nhân đạo, có giải pháp phù hợp để có thể tăng sản lượng khí ôxy y tế phục vụ công tác cứu chữa người bệnh Covid-19...); đồng thời đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường kiểm soát chặt chẽ, không để tình trạng găm hàng, nâng giá, ép giá đối với mặt hàng ôxy lỏng.
Cùng với sự quan tâm và chỉ đạo hết sức quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ Công Thương đã tiếp tục và trực tiếp liên hệ với các công ty sản xuất, vận chuyển để điều phối việc cung cấp ôxy lỏng cho các cơ sở y tế đang gặp tình trạng thiếu hụt (Sovigaz, Messer, Thanhgas…).
Theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, Công ty TNHH MTV Hơi kỹ nghệ Que hàn (Sovigaz), đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã cam kết dừng toàn bộ việc cung cấp ôxy lỏng của các lĩnh vực khác để cung cấp cho y tế cho các tỉnh miền Tây Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh với sản lượng 115 tấn/ngày, ngày 28/12/2021 sẽ có khoảng 50 tấn được từ miền Bắc vận chuyển “chi viện” tới Thành phố Hồ Chí Minh để phân phối cho các bệnh viện.
Bộ Công Thương mong muốn, các doanh nghiệp tiếp tục đồng hành chia sẻ, ưu tiên cung ứng tối đa oxy cho mục đích y tế để đảm bảo hướng tới mục tiêu cung ứng 500 tấn/ngày và sẽ điều tiết trong suốt quá trình và tin tưởng sự hỗ trợ từ Bộ GTVT, Bộ Công an, Bộ Khoa học Công nghệ… công tác vận chuyển được thông suốt, nhanh nhất.
Ông Nguyễn Văn Thanh - Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) cho rằng, việc vận chuyển giữa các vùng, miền chỉ là một trong các giải pháp tạm thời, đảm bảo chia sẻ, luân chuyển trong điều kiện thiếu oxy cục bộ nhưng vẫn phải đảm bảo nhanh, an toàn, hỗ trợ điều trị cứu sống nhiều bệnh nhân, tuy nhiên vẫn cần tính đến, duy trì trong suốt quá trình chống dịch, kể cả việc vận chuyển theo chiều ngược lại.
Về lâu dài Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các địa phương để nắm bắt sát hơn nhu cầu sử dụng, thống nhất, chủ động giải pháp đảm bảo nguồn cung ôxy cho các cơ sở y tế; chỉ đạo, hỗ trợ các đơn vị sản xuất sớm đưa các dự án đang xây dựng vào hoạt động, xây dựng phương án đẩy mạnh sản xuất tối đa ôxy y tế theo công suất cho phép, xây dựng điều tiết phương án vận chuyển hợp lý trong và các địa phương lân cận….
Với các giải pháp chủ động, quyết liệt hy vọng trong thời gian tới các cơ sở y tế phía Nam sẽ phần nào giảm áp lực thiếu nguồn cung ô xy y tế và lượng bệnh nhân ngày càng giảm, phục hồi sản xuất và nền kinh tế.