Chống buôn lậu, hàng giả: Hiệu quả từ công tác phối hợp giữa các thành viên trong Ban Chỉ đạo 389 quốc gia
Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) được thành lập theo Quyết định số 389/QĐ-TTg ngày 19/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Ban Chỉ đạo 389 quốc gia ra đời xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, mục tiêu huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, các cấp, các ngành, các địa phương nhằm kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp, tiến tới thu hút đầu tư nước ngoài.
Ban Chỉ đạo 389 quốc gia có 33 thành viên, đứng đầu hiện nay là Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Trưởng Ban. Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Phó Trưởng Ban thường trực cùng các Phó Trưởng Ban khác như: Bộ trưởng Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng, Thứ trưởng Bộ Công an... và các Ủy viên. Giúp việc cho Trưởng ban và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia có Cơ quan thường trực (Bộ Tài chính) và Văn phòng Thường trực.
Với vai trò thành viên trong Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, lực lượng QLTT đã phát huy vai trò chủ công trong cuộc chiến đấu tranh với buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả |
Những năm qua, với vai trò thành viên trong Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, lực lượng QLTT đã phát huy vai trò chủ công trong thị trường nội địa, triển khai có hiệu quả Quy chế phối hợp giữa các lực lượng chức năng; thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đợt cao điểm tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường; những vấn đề nổi cộm, phát sinh trên thị trường đã được lực lượng QLTT chủ trì hoặc phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn tiến hành kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm như các vụ việc gian lận trong kinh doanh xăng dầu, khí hóa lỏng, phân bón, đường cát, thực phẩm chức năng, phân bón, sản xuất, kinh doanh hàng giả, kém chất lượng....
Ngày 17/6/2020, Tổng cục QLTT và Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia ký kết quy chế phối hợp nhằm nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Thông qua quy chế phối hợp, hai bên đã trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu, tình hình liên quan bằng các hình thức: gặp gỡ trực tiếp, gửi văn bản, qua các phương tiện thông tin, hệ thống thông tin theo quy định của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Bộ Công Thương. Đồng thời, tổ chức các cuộc họp định kỳ, đột xuất, hội thảo, tọa đàm, tham vấn, trao đổi về các vấn đề liên quan đến nội dung phối hợp giữa hai Bên. Xây dựng và triển khai các kế hoạch nắm tình hình, xử lý thông tin, phối hợp các lực lượng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Đánh giá cao sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An từng khẳng định, từ nhiều năm nay, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả góp phần bình ổn thị trường, bảo vệ quyền, lợi ích của các doanh nghiệp làm ăn chân chính và quyền lợi của người tiêu dùng là những nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm, thường xuyên chỉ đạo sát sao.
“Do vậy, Quy chế phối hợp giữa Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Tổng cục QLTT đã thể hiện mong muốn nâng cao hơn nữa chất lượng công tác phối hợp từ hai phía; góp phần nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An chia sẻ trước đó.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đấu tranh, phòng, chống hàng giả, gian lận thương mại, lực lượng QLTT cả nước sẽ cùng các lực lượng chức năng khác tăng cường công tác phối hợp, chia sẻ thông tin |
Như đã nói ở trên, kể từ khi chuyển đổi mô hình hoạt động, vai trò thành viên của lực lượng QLTT càng được thể hiện rõ hơn trong Ban Chỉ đạo 389 quốc gia khi liên tiếp tấn công vào nhiều điểm nóng, đường dây, ổ nhóm về hàng giả, hàng lậu lớn mà trước đây chưa bao giờ làm được. Nhiều vụ việc điển hình vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại các địa phương như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Lạng Sơn, Quảng Ninh, An Giang, Bình Dương, Thanh Hóa, Tuyên Quang... đã được lực lượng QLTT phát hiện, xử lý nghiêm.
Tính từ 15/12/2022-14/6/2023, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra 35.678 vụ (tăng 17% so với cùng kỳ năm 2022), phát hiện, xử lý 26.195 vụ vi phạm (tăng 51,2% so với cùng kỳ năm 2022), thu nộp NSNN trên 226 tỷ đồng (tăng 65% so với cùng kỳ năm 2022). Chuyển Cơ quan điều tra 101 vụ có dấu hiệu hình sự (tăng 87% so với cùng kỳ năm 2022). Con số này một lần nữa khẳng định, lực lượng QLTT đã thực sự phát huy vai trò, tạo sự chuyển biến rõ nét trong thực thi nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát thị trường.
Có thể nói, những kết quả đạt được trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của lực lượng QLTT thời gian qua đã góp phần kiềm chế, làm giảm các vụ buôn lậu, gian lận thương mại, chống thất thu thuế, ổn định thị trường, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước phát triển; kịp thời phát hiện và kiến nghị khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong quản lý nhà nước trên các lĩnh vực liên quan.
Tin rằng, trong thời gian tới đây, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đấu tranh, phòng, chống hàng giả, gian lận thương mại, lực lượng QLTT cả nước sẽ cùng các lực lượng chức năng khác tăng cường công tác phối hợp, chia sẻ thông tin, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, tuân thủ pháp luật, bảo vệ tốt nhất lợi ích người tiêu dùng và của các doanh nghiệp kinh doanh chân chính.
Vũ Thị Minh Ngọc Vụ trưởng Vụ Tổng hợp - Kế hoạch - Tài chính, Tổng cục Quản lý thị trường |