Chủ động phối hợp dọc - ngang, đẩy mạnh hiệu quả công tác quản lý thị trường
Sáng ngày 25/7, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới của Tổng cục Quản lý thị trường. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 các địa phương, Cục quản lý thị trường các địa phương và lãnh đạo các Vụ Tổ chức cán bộ, Thanh tra Bộ, Vụ Kế hoạch, Vụ Thị trường trong nước, Cục Hóa chất, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Văn phòng Bộ, Văn phòng Ban cán sự đảng…
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới của Tổng cục QLTT |
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, từ tháng 4/2021 đến nay, đây là lần thứ 4 Ban Cán sự và lãnh đạo Bộ đã có cuộc làm việc với cán bộ chủ chốt của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), sau đó là 3 cuộc làm việc trực tiếp với lãnh đạo chủ chốt của toàn lực lượng Tổng cục.
“Điều này cho thấy sự quan tâm, trách nhiệm của Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Công Thương với hoạt động của lực lượng quản lý thị trường nói chung và với cán bộ quản lý thị trường nói riêng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng, lực lượng QLTT hoạt động có tính đặc thù cao, trong khi đó, thẩm quyền trách nhiệm lớn, nhưng lại hoạt động mang tính độc lập, thậm chí đơn lẻ, nên việc giám sát quản lý lực lượng này rất khó. Điều này đòi hỏi sự ý thức tự giác của cán bộ, công chức QLTT; sự nghiêm minh của tổ chức, sự gương mẫu của người đứng đầu, tập thể lãnh đạo; sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy chính quyền địa phương; và sự giám sát của người dân.
Gần 4 năm hoạt động theo mô hình ngành dọc, bên cạnh mặt tích cực, lực lượng còn tồn tại nhiều hạn chế, do vậy, trong buổi họp này, Bộ trưởng đề nghị, các đơn vị phải chỉ ra nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, từ đó, tìm ra giải pháp, kịp thời khắc phục. Đồng thời, tiếp tục làm tốt hơn những việc đã làm tốt, để lực lượng thực sự là “thanh gươm bảo kiếm”, là lực lượng quan trọng giúp cho nền kinh tế đất nước nói chung, nhất là hoạt động kinh tế thương mại của ngành Công Thương đảm bảo lành mạnh, góp phần tích cực vào mục tiêu dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Thị trường ổn định, không có các vụ vi phạm nổi cộm
Báo cáo kết quả tình hình hoạt động của lực lượng QLTT trong 6 tháng đầu năm, Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cho biết, đúng như dự báo ở cuối năm 2021, đầu năm 2022, dịch bệnh đã được kiểm soát, cũng từ đây, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, nhập lậu, tồn kho, quá hạn đã quay trở lại thị trường. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm, xăng dầu là mặt hàng cần kiểm tra đột xuất, do vậy, nhiệm vụ chuyên môn của lực lượng thay đổi rất nhiều.
“Nửa đầu năm, lực lượng QLTT cả nước đã thực hiện giám sát gần 17.000 cửa hàng cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên toàn quốc và thực kiểm tra trên 1.000 vụ, xử lý gần 190 vụ vi phạm, số tiền xử phạt hành chính trên 5,9 tỷ đồng”, Tổng Cục trưởng thông tin và nhấn mạnh, lực lượng QLTT luôn coi xăng dầu là mặt hàng trọng tâm, trọng điểm để kiểm tra, xử lý. Nhờ công tác kiểm tra, kiểm soát sâu sát, gắt gao, hiện tượng gian lận thương mại tại các cây xăng ngày càng giảm.
Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh cho biết, trong 6 tháng đầu năm các mặt hàng như phân bón, vật tư nông nghiệp, đường cát... cũng là những mặt hàng rất nóng |
Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu năm các mặt hàng như phân bón, vật tư nông nghiệp, đường cát... cũng là những mặt hàng rất nóng, nổi bật ở các tỉnh Long An, Kiên Giang, Tiền Giang... Lực lượng QLTT kiểm tra, phát hiện rất nhiều vụ việc vi phạm liên quan đến phân bón giả, kém chất lượng.
Liên quan đến vấn đề hàng giả, hàng nhái trên thương mại điện tử, lực lượng QLTT liên tiếp kiểm tra, phát hiện nhiều vụ việc lớn như vụ triệt phá 1 cơ sở kinh doanh với 4 kho hàng tại Bỉm Sơn, Thanh Hóa. Hay vụ việc liên quan đến mặt hàng mới là thuốc lá điện tử. “Lực lượng QLTT đã liên tiếp phát hiện, thu giữ nhiều mặt hàng thuốc lá điện tử. Tuy nhiên, hiện nay quy định chế tài liên quan đến mặt hàng này là chưa có, do đó, công tác xử lý còn nhiều khó khăn”, Tổng Cục trưởng thông tin.
Liên quan đến lĩnh vực an toàn thực phẩm, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh cũng cho biết, 6 tháng đầu năm, lực lượng QLTT đã kiểm tra 2.516 vụ, xử lý 1.472 vụ việc, xử phạt gần 5,9 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kinh doanh thực phẩm quá hạn sử dụng, hàng hóa không có nhãn...
Cũng theo Tổng Cục trưởng, mục tiêu của lực lượng QLTT trong năm 2022 là thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, chỉ đạo mà Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương giao, do vậy, Tổng cục xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, của các cấp trong toàn lực lượng QLTT. Quán triệt lại vai trò nêu gương, trách của người đứng đầu ở các cấp.
“Bám sát mục tiêu, năm 2022, Tổng cục QLTT đặt ra phương châm “Hành động quyết liệt, Siết chặt kỷ cương, Thủ trưởng nêu gương, Tập thể đoàn kết””, Tổng Cục trưởng nhấn mạnh.
Với những nỗ lực, cố gắng của toàn lực lượng, trong nửa đầu năm, QLTT cả nước đã kiểm tra 30.527 vụ việc; phát hiện, xử lý 17.305 vụ vi phạm, chuyển cơ quan điều tra 54 vụ; thu nộp ngân sách đạt gần 137 tỷ đồng.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến |
Với kết quả này, Tổng Cục trưởng nhận định, nửa đầu năm, theo chức năng, nhiệm vụ, lực lượng QLTT đã chủ động xây dựng phương án, kế hoạch đấu tranh và tăng cường phối hợp trong kiểm tra, kiểm soát thị trường, chú trọng ngăn chặn hành vi buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ ngay từ tuyến biên giới, trên đường biển, đường bộ, hàng không, đặc biệt là hoạt động kinh doanh xăng dầu và các mặt hàng vật tư y tế phòng, chống dịch Covid-19. Kết quả, trật tự thị trường cơ bản được đảm bảo, không xảy ra những vụ việc nổi cộm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Chủ động phối hợp dọc - ngang, đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát
Báo cáo tình hình hoạt động trong 6 tháng năm 2022 của quản lý thị trường Hà Nội, ông Chu Xuân Kiên - Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội nhấn mạnh, lực lượng đã có sự phối hợp tốt với các lực lượng chức năng, ban, ngành khác, đều có quy chế làm việc chung và riêng với các ngành. Hiện nay, Hà Nội đã ký quy chế làm việc với Công an thành phố hà nội, hải quan, Sở Công Thương và quy chế chung với 9 ngành khác của thành phố Hà Nội, Làm việc thông tin rất tốt.
Ông Chu Xuân Kiên cho rằng, lực lượng QLTT Hà Nội đã có sự phối hợp tốt với các lực lượng chức năng khác, đều có quy chế làm việc chung và riêng với các ngành |
“Trong thời gian vừa qua, đặc biệt trong giai đoạn chống dịch, găm hàng, quản lý xăng dầu… lực lượng QLTT Hà Nội phối hợp lực lượng chức năng khác rất tốt. Nhất là Hà Nội có thời điểm chuẩn bị điều chỉnh giá, chúng tôi đều phối hợp công an địa phương xuống các cây xăng, đều có thông tin giám sát chặt chẽ và có đường dây nóng và dán vào các cây xăng”, ông Chu Xuân Kiên cho hay.
Trong khi đó, Quyền Cục trưởng Cục QLTT Thanh Hóa Nguyễn Văn Hùng thông tin, dưới sự chỉ đạo sát sao của Tổng cục QLTT, của Bộ Công Thương, các cấp lãnh đạo, QLTT tỉnh đã tập trung toàn lực triển khai các biện pháp nghiệp vụ, thực hiện kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, an toàn thực phẩm, bảo vệ người tiêu dùng. Nửa đầu năm, QLTT Thanh Hóa đã kiểm tra 820 vụ việc, xử lý 641 vụ việc vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính hơn 1,8 tỷ đồng.
Quyền Cục trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, đối với lĩnh vực xăng dầu, trong nửa đầu năm, Cục đã chỉ đạo các Đội QLTT, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm |
Đáng chú ý, theo Quyền Cục trưởng Nguyễn Văn Hùng, đối với lĩnh vực xăng dầu, trong nửa đầu năm, Cục đã chỉ đạo các Đội QLTT, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu. Yêu cầu các Đội QLTT thực hiện giám sát thường xuyên, liên tục các cửa hàng kinh doanh xăng dầu, ký cam kết không để xảy ra tình trạng găm hàng chờ tăng giá, ngừng kinh doanh, bán hàng nhỏ giọt.
Tong 6 tháng đầu năm, Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh đã tập trung vào công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả |
Tương tự, trong 6 tháng đầu năm, Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh đã tập trung vào công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn; tập trung kiểm tra các khu vực, địa bàn nổi cộm, các nhóm hàng hóa trọng điểm; kiên quyết xử lý các hành vi vi pham nhằm ổn định thị trường.
Kết quả, nửa đầu năm, QLTT TP đã kiểm tra 967 vụ, xử lý 557 vụ, số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 12 tỷ đồng. Riêng đối với lĩnh vực thương mại điện tử, đơn vị cũng kiểm tra 83 vụ việc, trong đó có 18 vụ vi phạm. Đối với việc triển khai Hệ thống xử lý vi phạm hành chính INS, lực lượng QLTT mang tên Bác đã nhập 967/967 hồ sơ, chiểm tỷ lệ 100%.
Đánh giá về việc phối hợp giữa các ngành chức năng với chính quyền địa phương trong công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, ông Quách Tất Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh cho rằng, trong 6 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng đã xử lý 283 vụ. Tổng số tiền xử lý và truy thu thuế: 18.458 triệu đồng, trị giá hàng hóa tịch thu trong kỳ 358 triệu đồng. Trong đó, lực lượng quản lý thị trường phát hiện, tổ chức kiểm tra gần 700 vụ, xử lý 102, thu nộp ngân sách trên 550 triệu đồng.
Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Hòa Bình cũng ghi nhận, với vai trò là Cơ quan thường trực, Cục QLTT Hòa Bình đã làm tốt vai trò tham mưu, giúp việc cho trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh trong việc triển khai chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cũng như xây dựng Kế hoạch công tác, chỉ đạo các ngành thành viên, Ban chỉ đạo 389 các huyện, thành phố trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng và các hoạt động gian lận thương mại trên địa bàn.
Thông tin về tình hình tại Lạng Sơn, ông Lương Trọng Quỳnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, các lực lượng chức năng hai bên biên giới thường xuyên triển khai, duy trì quân số tại các lán, chốt trên biên giới nhằm kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hoạt động xuất nhập cảnh trái phép, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và phòng chống dịch COVID-19 do đó tình hình buôn lậu cơ bản được kiểm soát và không diễn biến phức tạp.
Ông Trần Duy Đông cho hay, thời gian qua, Tổng cục QLTT phối hợp Vụ Thị trường trong nước xây dựng nhiều chương trình văn bản quy phạm pháp luật |
Liên quan đến công tác phối hợp giữa các đơn vị thuộc Bộ, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay, thời gian qua, Tổng cục QLTT phối hợp Vụ Thị trường trong nước xây dựng chương trình văn bản quy phạm pháp luật như Nghị định liên quan đến xăng dầu, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu, khí; tham gia phối hợp Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đáng chú ý, phối hợp tốt quản lý kinh doanh xăng dầu, an toàn thực phẩm…
Tương tự, bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số - cũng đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ giữa Tổng cục QLTT và Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số trong thời gian qua, nhất là việc phòng, chống những hành vi gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái trong thương mại điện tử. Chẳng hạn, trong năm 2021, Cục đã phối hợp với lực lượng QLTT, lực lượng công an, cung cấp thông tin và phối hợp trong việc xử lý vi phạm với 250 trường hợp website, sàn thương mại điện tử bị quét sai phạm.Trong 6 tháng đầu năm, Cục đã phối hợp với công an, quản lý thị trường các địa phương xử lý 122 trường hợp.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phát biểu, giao nhiệm vụ cho lực lượng QLTT trong 6 tháng cuối năm |
Tăng cường sự giám sát của người dân đối với công tác QLTT
Đánh giá kết quả thực hiện trong 6 tháng đầu năm của lực lượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định, Tổng cục QLTT luôn cố gắng, nỗ lực đạt được nhiều kết quả khích lệ, đáng biểu dương, thực hiện tốt những nhiệm vụ đột xuất, trong đó có nhiệm vụ thanh tra xăng đầu gần đây.
“Lực lượng quản lý thị trường đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ thanh tra xăng dầu, đảm bảo nguồn cung cho nhu cầu xăng dầu của doanh nghiệp và người dân”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng lưu ý lực lượng QLTT cần phân tích rõ hơn tại sao số vụ kiểm tra, xử lý, chuyển cơ quan điều tra, thu nộp ngân sách giảm so với cùng kỳ, để từ đó tìm giải pháp khắc phục tình trạng này.
Về định hướng công tác thời gian tới, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị, lực lượng QLTT cần chú ý góp phần bảo đảm nguồn cung xăng dầu cũng như bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người dân và doanh nghiệp. Có giải pháp tăng cường sự giám sát của người dân và công luận với hoạt động của lực lượng. Cùng đó, cần tiếp tục làm tốt công tác truyền thông.