Chữ "tình" nơi địa đầu Tổ quốc
Tâm luôn hướng về thiện nguyện
“Con đường đó nếu hoàn thiện phải mất 20 tấn xi măng. Chắc trong chiều nay mình sắp xếp để chuyển cho Thôn làm cho xong. Bà con ngóng con đường ấy lắm” – tiếng trao đổi điện thoại của anh Khánh văng vẳng trong phòng khiến tôi không lỡ cắt ngang cuộc trò chuyện.
Nếu như không biết anh, khi nghe cuộc hội thoại có lẽ người ta sẽ nghĩ đến anh đang buôn bán vật liệu xây dựng hoặc làm nghề xây dựng chứ không phải lãnh đạo một đơn vị QLTT xa xôi ở địa đầu Tổ Quốc.
Lãnh đạo Cục QLTT Hà Giang trao tặng nhu yếu phẩm cho người dân có hoàn cảnh khó khăn |
Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Hà Giang mến yêu, trong anh Vũ Quốc Khánh luôn tồn tại một tình yêu cháy bỏng với quê hương, luôn mong ước hỗ trợ bà con thoát nghèo. Với 19 dân tộc anh em, sinh sống, tỷ lệ người dân khó khăn nơi đây còn nhiều vô kể.
“Hà Giang của anh còn nghèo lắm. Bà con thiếu thốn rất nhiều, thậm chí từ cái ăn, cái mặc đến chỗ trú mưa che nắng”.
Nhớ những ngày cuối năm 2018, khi mô hình Tổng cục QLTT bắt đầu hình thành, anh cho biết trong một chuyến đi tuyên truyền sử dụng hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ và đảm bảo an toàn cho bà con nhân dân huyện Mèo Vạc anh bắt gặp hình ảnh cụ già ngoài 80 tuổi sinh hoạt trong một cái lều dựng tạm bên cạnh bụi chuối nằm sâu trong xã Khâu Vai. Trời Hà Giang đã trở lạnh, gió thốc từng cơn, nhưng cụ già vẫn thản nhiên ngồi đó. Qua tìm hiểu, được biết, cụ không có họ hàng thân thiết và sống một mình ở đó đã lâu.
Trước hoàn cảnh đó, Lãnh đạo Cục QLTT Hà Giang đã nhanh chóng huy động sự đóng góp từ anh em công chức, người lao động trong đơn vị. Chỉ sau 01 tuần, Cục đã quyên góp được số tiền 60 triệu đồng để xây nhà và sau 01 tháng triển khai xây dựng, ngôi nhà đã hoàn thành bà trao tặng cho cụ.
17 căn nhà được trao trong 3 năm
Đó chỉ là một trong những căn nhà được Cục QLTT tỉnh Hà Giang phối hợp với các đơn vị chức năng trên địa bàn tỉnh hỗ trợ, xây dựng. Tính từ năm 2018 đến nay, Cục QLTT Hà Giang đã hỗ trợ xây dựng và bàn giao 17 căn nhà cho bà con nhân dân các thôn, xã khó khăn trên địa bàn tỉnh với tổng trị giá trên 1 tỷ đồng. Ủng hộ học sinh và các trường học vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số trên 800 triệu đồng. Ủng hộ các xã nghèo trên địa bàn tỉnh gần 1,3 tỷ đồng. Số tiền trên được kêu gọi từ sự đóng góp của Lãnh đạo, công chức trong đơn vị, các nhà hảo tâm và đơn vị cấp trên.
Trao tiền hỗ trợ xây dựng nhà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn |
Trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp, toàn thể công chức và người lao động Cục ủng hộ quỹ vaccin phòng chống Covid 19 của tỉnh gần 50 triệu; Ủng hộ công chức và người lao động trong ngành tham gia chiến dịch phòng chống Covid 19 tại TP.HCM gần 20 triệu đồng. Đơn vị cũng ủng hộ hơn 1.000 xuất sữa tươi đóng hộp cho người đang cách ly tại các điểm cách ly Covid-19 của tỉnh trị giá trên 20 triệu đồng. Kết nối với Công ty thuốc thực phẩm chức năng của tỉnh Hòa Bình trao trên 1.000 xuất thuốc cho các ca F0 tại tỉnh Hà Giang, trị giá 350 triệu đồng.
“Làm từ thiện phải xuất phát từ cái tâm. Nếu tâm không sáng thì không thể có đủ tình thương, lòng bao dung để triển khai lâu dài, thường xuyên và liên tục” anh Vũ Quốc Khánh nói.
Với người dân tộc thiểu số, đặc biệt là bà con nhân dân ở những vùng khó khăn, “Quản lý thị trường” vẫn còn khá xa lạ. Họ có thể đọc được nhưng để hiểu hết ý nghĩa của “Quản lý thị trường” thì đó còn là nỗ lực không nhỏ của cán bộ, công chức lực lượng QLTT tỉnh Hà Giang.
Do đó, bên cạnh hoạt động thiện nguyện, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và sử dụng hàng hóa an toàn luôn được Lãnh đạo Cục QLTT Hà Giang lồng ghép trong các hoạt động tại địa phương, đặc biệt là các bản, thôn. “Dù mức sống của người dân nơi đây không cao nhưng chúng tôi phải nỗ lực để người dân được sử dụng hàng hóa rõ nguồn gốc xuất xứ và đảm bảo an toàn thực phẩm” anh Khánh quyết tâm.