Doanh nghiệp cần chủ động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ
Ông Daiki Mihara - Tổng Giám đốc Công ty Honda Việt Nam chia sẻ với phóng viên Tạp chí Quản lý thị trường về những vấn đề xung quay câu chuyện vi phạm quyền sở hữu trí tuệ |
Phóng viên: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về tình trạng hàng giả, hàng vi phạm QSHTT tại Việt Nam hiện nay?
Ông Daiki Mihara: Hành vi xâm phạm QSHTT tại Việt Nam đang có chiều hướng gia tăng và phức tạp. Các mặt hàng giả mạo, hàng hóa xâm phạm QSHTT diễn ra phổ biến, công khai trên thị trường. Phương thức sản xuất, nhập khẩu, tiếp thị, mua bán các mặt hàng vi phạm về QSHTT ngày càng trở nên tinh vi. Các đối tượng vi phạm có xu hướng chuyển dịch từ tiếp thị, phân phối theo phương thức truyền thống sang hình thức thương mại điện tử thông qua các trang bán hàng trực tuyến, các website bán hàng và đặc biệt là các trang mạng xã hội Facebook, Zalo.
Đối tượng bị thiệt hại do hàng giả, hàng kém chất lượng chính là khách hàng, người tiêu dùng. Là một nhà sản xuất, đặc biệt là nhà sản xuất phương tiện vận chuyển, do vậy, Honda Việt Nam luôn nỗ lực để loại bỏ hàng giả, hàng vi phạm QSHTT để bảo vệ khách hàng của mình.
Phóng viên: Tình trạng hàng giả, vi phạm nhãn hiệu Honda vẫn đang diễn ra phổ biến. Honda có “động thái” gì để ngăn chặn vấn nạn này, thưa ông?
Ông Daiki Mihara: Cũng như các mặt hàng tiêu dùng thông dụng khác, thương hiệu và sản phẩm của Honda cũng bị xâm phạm nghiêm trọng về QSHTT. Hàng giả, hàng nhái làm ảnh hưởng tới uy tín của các nhà sản xuất chính hãng, ảnh hưởng tới niềm tin của người tiêu dùng, gây lãng phí tiền bạc, thời gian và đặc biệt là đe dọa nghiêm trọng tới sự an toàn của người tiêu dùng trong quá trình sử dụng xe.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ QSHTT, từ lâu Honda Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan chức năng, đặc biệt là Tổng Cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường các địa phương thực hiện đồng bộ các biện pháp như: tuyên truyền, kiểm tra, điều tra và xử lý các vi phạm về QSHTT. Yêu cầu các tổ chức, cá nhân kinh doanh ký cam kết không sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, vi phạm QSHTT.
Phóng viên: Có một thực trạng, hiện nay nhiều DN rất ngại công khai tình trạng bị hàng giả, hàng vi phạm QSHTT do lo sợ ảnh hưởng tới thương hiệu. Theo ông đây có phải là nguyên nhân khiến hàng giả, hàng vi phạm QSHTT vẫn tồn tại?
Ông Daiki Mihara: Trong quá trình thực hiện kiểm tra, HVN đã gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc như: người bán hàng không biết hàng hóa đang kinh doanh là hàng giả, hàng nhái nên mới kinh doanh. Bên cạnh đó, để kết luận một sản phẩm là hàng giả, hàng kém chất lượng cần phải lấy mẫu để kiểm định, đối chứng và có giám định của cơ quan chuyên môn.
Theo quan điểm của HVN, quyền lợi và sự an toàn của khách hàng là yếu tố phải được đặt lên hàng đầu. Vì vậy, HVN luôn chủ động cung cấp tất cả đặc điểm nhận diện về hàng hóa, sản phẩm chính hãng của Honda trên ứng dụng hỗ trợ khách hàng quản lý và chăm sóc xe ô tô,xe máy (My Honda+) hoặc tài liệu giới thiệu QSHTT của Honda với mong muốn khách hàng có thể dễ dàng tự phân biệt được các sản phẩm chính hãng.
Bên cạnh đó, khi phát hiện bất cứ hành vi vi phạm QSHTT trên thị trường, HVN luôn chia sẻ thông tin kịp thời tới các cơ quan chức năng có thẩm quyền để xử lý triệt để nhằm làm trong sạch thị trường và bảo vệ quyền lợi cũng như sự an toàn cao nhất của người tiêu dùng.
Tôi cho rằng, DN muốn bảo vệ người tiêu dùng thì không nên “ngại” công khai các mặt hàng bị vi phạm, như vậy cơ quan chức năng mới kịp thời đấu tranh, xử lý.
Phóng viên: Là một DN đi đầu trong việc bảo vệ QSHTT, ông có khuyến nghị gì đối với các DN khác trong chiến lược bảo vệ thương hiệu, đặc biệt là bảo vệ người tiêu dùng hiện nay?
Ông Daiki Mihara: SHTT là một trong những nội dung quan trọng tại các diễn đàn kinh tế quốc tế cũng như trong các hiệp định thương mại tự do trên thế giới thì vấn đề liên quan đến SHTT là một trong những nội dung được quan tâm và mang ra thảo luận.
Sự tồn tại của hàng nhập lậu, hàng giả, xâm phạm QSHTT trên thị trường không chỉ gây thất thu ngân sách Nhà nước mà còn làm xấu đi môi trường đầu tư kinh doanh, ảnh hưởng tới sự phát triển của các DN chân chính, quyền lợi và sự an toàn của người tiêu dùng.
Vì vậy, DN cần chủ động xây dựng chiến lược bảo vệ QSHTT bằng các biện pháp như: Chủ động phối hợp cùng cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền, vận động người bán ký cam kết không tiêu thụ hàng giả cũng như phối hợp trong các chiến dịch kiểm tra, điều tra, xử lý sai phạm.
Đối với người tiêu dùng, trên thực tế một số người tiêu dùng vẫn còn chấp nhận dùng hàng giả do chuộng giá rẻ hoặc bỏ qua khi phát hiện hàng giả do ngại thủ tục khai báo hoặc khiếu kiện cũng vô tình tiếp tay cho đối tượng trục lợi và gây khó khăn trong việc xử lý sai phạm. Vì vậy, theo chúng tôi, bên cạnh việc đấu tranh xử lý những sai phạm, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng có thể tự phân biệt hàng chính hãng và hàng vi phạm QSHTT cũng như tạo kênh liên lạc để người tiêu dùng tố cáo các sai phạm là việc làm hết sức cần thiết.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!