Hà Tĩnh: Siết chặt hoạt động kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng
Quy định kinh doanh LPG còn nhiều bất cập
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có gần 1.000 cửa hàng kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng, các sản phẩm được cung cấp ra thị trường chủ yếu dưới dạng bình tiêu chuẩn bình 12kg, bình gas công nghiệp 45kg, do doanh nghiệp chiết nạp tổ chức phân phối trực tiếp hoặc thông qua các chi nhánh, tổng đại lý, đại lý của nhà máy sản xuất.
Chủng loại LPG phong phú và đa dạng với các nhãn hiệu như: Petronas, Petrovietnam, Daihaipetro (DHP Gas), Petrolimex gas, Total gaz, Đất Việt, Saigon Petro, Hatinh petro... Các cửa hàng bán lẻ LPG chai phát triển khá nhanh chóng, góp phần hình thành mạng lưới cơ bản đã phân bổ đồng đều tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh và đã đáp ứng được nhu của Nhân dân.
Theo đánh giá sơ bộ của Cục QLTT Hà Tĩnh, nhìn chung các cơ sở kinh doanh LPG chai trên địa bàn cơ bản có ý thức chấp hành pháp luật về kinh doanh khí, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp.
“Các doanh nghiệp cạnh tranh bằng nhiều hình thức, thủ đoạn khó lường. Các hành vi vi phạm phổ biến là chiếm dụng trái phép chai LPG, tranh giành thị phần thông qua hệ thống đại lý phân phối, một số doanh nghiệp sẵn sàng cung ứng LPG cho các cơ sở chưa đủ điều kiện...”, lãnh đạo Cục QLTT Hà Tĩnh thông tin và cho biết thêm, cá biệt có một số cơ sở kinh doanh LPG sau khi được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh nhưng không đảm bảo duy trì thường xuyên, liên tục các điều kiện an toàn phòng chống cháy nổ, điều kiện về kho chứa, khoảng cách an toàn theo quy định; nhiều hộ kinh doanh, hộ gia đình, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa lén lút nhập LPG chai về để cung cấp cho các hộ lân cận.
Bên cạnh các hành vi vi phạm của các đối tượng kinh doanh, lãnh đạo Cục QLTT Hà Tĩnh cho biết, hiện nay việc thực hiện một số quy định kinh doanh LPG còn gặp nhiều khó khăn, chồng chéo.
Đơn cử, Nghị định số 87/2018/NĐ-CP ngày 15/6/2018 của Chính phủ về kinh doanh khí quy định các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chiết nạp LPG phải “lập sổ theo dõi hoặc cơ sở dữ liệu điện tử ứng dụng công nghệ thông tin theo dõi LPG chai bán cho thương nhân kinh doanh LPG khác hoặc khách hàng sử dụng. Tại sổ theo dõi hoặc cơ sở dữ liệu điện tử phải có các thông tin sau về LPG chai: chủ sở hữu, loại chai, số sê ri chai, hạn kiểm định trên chai, tên và địa chỉ thương nhân mua LPG chai, khách hàng sử dụng, ngày giao nhận LPG chai”. Tuy nhiên, trên thực tế việc thực hiện của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh còn nhiều hạn chế. Theo đánh giá của Hiệp hội Gas, của doanh nghiệp, hộ kinh doanh thì họ rất khó để theo dõi chi tiết đến từng chai LPG.
Cục QLTT Hà Tĩnh tuyên truyền phổ biến pháp luật trong hoạt động kinh khí dầu mỏ hóa lỏng |
Hay như, Thông tư số 53/2018/TT-BCT ngày 25/12/2018 của Bộ Công Thương quy định chương trình, nội dung về huấn luyện kỷ thuật an toàn đối với hoạt động kinh doanh khí. Cụ thể, “hằng năm các cơ sở kinh doanh khí phải tổ chức huấn luyện hoặc thuê huấn luyện kỷ thuật an toàn trong hoạt động kinh doanh khí”, tuy nhiên, để được tự huấn luyện thì “người huấn luyện phải có trình độ đại học trở lên phù hợp với chuyên ngành huấn luyện và có ít nhất 5 năm kinh nghiệm công tác trong chuyên ngành đó”.
“Như vậy, hầu như các cơ sở không đủ điều kiện tự huấn luyện mà phải thuê huấn luyện; các cơ sở phải đăng ký cho cơ sở được thuê huấn luyện và phải chờ khi có đủ học viên thì mới được mở lớp. Vì vậy nhiều khi giấy chứng nhận đã hết hạn nhưng chưa có lớp mở để học”, lãnh đạo Cục QLTT Hà Tĩnh trăn trở.
Kiên quyết xóa bỏ các trạm sang chiết, nạp LPG trái phép
Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng như xung đột giữa Nga và Ukraine đã làm đứt gãy nguồn cung LPG toàn cầu. Tại thị trường Việt Nam, giá LPG đã tăng mạnh so với các năm trước, gây ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân. Bên cạnh đó, hiện nay bước vào mùa nắng nóng nên việc các cơ sở không đủ điều kiện nhưng vẫn kinh doanh LPG sẽ gây nguy cơ cháy nổ, mất an toàn.
Để quản lý tốt hoạt động kinh doanh LPG nhất là vào mùa nắng nóng, Cục QLTT tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo công chức bám sát địa bàn phụ trách, rà soát, cập nhật thường xuyên vào Hệ thống xử lý vi phạm hành chính INS thông tin của các cơ sở kinh doanh LPG. Đồng thời, chỉ đạo các Đội QLTT trực thuộc nắm bắt kịp thời tình hình thị trường, cung cầu, giá cả hàng hóa LPG. Trong đó chú trọng nắm bắt tình hình cung ứng, khả năng nhập LPG của các doanh nghiệp trên địa bàn.
Thời gian tới, Cục QLTT Hà Tĩnh sẽ tăng cường công tác quản lý địa bàn, nắm tình hình, kiên quyết xóa bỏ các trạm sang chiết, nạp LPG trái phép |
Bên cạnh đó, Cục QLTT Hà Tĩnh cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong hoạt động kinh khí dầu mỏ hóa lỏng với việc phát trên 1.000 tờ rơi, ký gần 600 tờ cam kết, in băng đĩa phát trên loa phát thanh, chạy chữ trên truyền hình. Thông báo rộng rãi số điện thoại đường dây nóng để quần chúng nhân dân tố giác các hành vi vi phạm (0943294389).
Ngoài ra, Cục cũng thường xuyên đưa các vụ việc vi phạm điển hình lên các phương tiện thông tin đại chúng để khuyến cáo người tiêu dùng và răn đe các đối tượng vi phạm. Tích cực tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh LPG như: Nghị định số 87/2018/NĐ-CP ngày 15/6/2018 của Chính phủ về kinh doanh khí; Thông tư số 40/2018/TT-BCT ngày 30/10/2018; Thông tư số 53/2018/TT-BCT ngày 25/12/2018; Thông tư số 35/2019/TT-BCT ngày 29/11/2019; Thông tư số 32/2020/TT-BCT ngày 30/11/2020 của Bộ Công Thương.
Đáng chú ý, thời gian gần đây, đơn vị cũng đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh LPG. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2022, QLTT Hà Tĩnh đã phát hiện và xử lý 17 vụ vi phạm trong hoạt động kinh doanh LPG, phạt hành chính trên 100 triệu đồng, buộc trả lại cho chủ sở hữu 06 bình gas bị chiếm dụng trái phép.
Bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn kiểm tra, kiểm soát, Cục QLTT Hà Tĩnh cũng yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh mua bán LPG trên địa bàn xây dựng chương trình quản lý an toàn, đảm bảo được các điều kiện về an toàn trong cháy nổ, phòng cháy chữa cháy đặc biệt trong thời tiết nắng nóng.
Song song đó tăng cường rà soát, kiểm tra các kho, trạm nạp, cửa hàng bán lẻ về việc thực hiện các điều kiện an toàn trong kinh doanh LPG cũng như việc sử dụng các phương tiện vận chuyển LPG.
Đặc biệt, vận động, tuyên truyền người dân, tổ chức không mua, bán LPG và LPG chai không có nguồn gốc xuất xứ, không phù hợp với hợp đồng đã ký với thương nhân kinh doanh LPG đầu mối; không mua, bán các loại chai LPG đang lưu thông trên thị trường thuộc sở hữu của thương nhân kinh doanh LPG đầu mối khác; không được phép bán LPG cho các thương nhân, hộ kinh doanh, hộ gia đình không đủ điều kiện kinh doanh mua bán khí. Thực hiện niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ rõ ràng theo quy định của Pháp luật và bán đúng giá niêm yết; nghiêm cấm đầu cơ, tăng giá bán bất hợp lý.
Mặt khác, Cục QLTT Hà Tĩnh kiến nghị, cần sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh LPG; trong đó cần tiếp tục cắt giảm các thủ tục, điều kiện kinh doanh không cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh LPG. Bên cạnh đó, cần quy định rõ hơn về trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc cung cấp LPG trong hệ thống phân phối, cách thức các doanh nghiệp thỏa thuận việc trao đổi chai LPG với nhau.