Mexico giảm thuế chống bán phá giá đối với thép mạ nhập khẩu từ Việt Nam
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết mới đây, Cơ quan Thực thi Ngoại thương (UPCI) thuộc Bộ Kinh tế Mexico đã ban hành kết luận cuối cùng vụ việc điều tra chống bán phá giá (CBPG) với thép mạ nhập khẩu từ Việt Nam, theo đó mức thuế được điều chỉnh giảm so với kết luận sơ bộ.
Vụ việc được Mexico khởi xướng từ cuối tháng 8/2021 dựa trên đơn kiện của ngành sản xuất trong nước. Ngày 14/9/2022, UPCI đã ban hành kết luận sơ bộ với mức thuế chống bán phá giá áp dụng cho thép mạ nhập khẩu từ Việt Nam là 0% - 12,34%.
Mexico giảm thuế chống bán phá giá đối với thép mạ nhập khẩu từ Việt Nam |
Trong kết luận cuối cùng, UPCI tiếp tục đánh giá ngành thép Việt Nam hoạt động theo cơ chế thị trường, do đó, quyết định sử dụng dữ liệu của các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp để tính toán, giúp giảm thuế xuống mức 0% - 10,84%. Trong suốt quá trình diễn ra vụ việc, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán Việt Nam tại Mexico thông qua các kênh khác nhau để bày tỏ quan điểm và đề nghị Mexico không sử dụng phương pháp tính toán bất lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Trong bối cảnh các sản phẩm của Việt Nam đang được hưởng thuế suất ưu đãi 0% khi xuất khẩu sang Mexico theo cam kết của Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Mexico là thị trường xuất khẩu thép mạ mới nhưng rất tiềm năng của Việt Nam và là thị trường chủ lực mặt hàng này ở châu Mỹ.
Vì vậy, việc UPCI giảm thuế trong kết luận cuối cùng giúp các doanh nghiệp thép Việt Nam có thể tiếp tục cạnh tranh và xuất khẩu sang Mexico. Mức thuế này cũng được đánh giá là tương đối thấp so với mức thuế mà Mexico áp dụng với sản phẩm thép nói riêng và các sản phẩm khác nói chung trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá do Mexico khởi xướng.
Theo số liệu của Trung tâm thương mại quốc tế ITC (Trademap.org), trong giai đoạn điều tra (năm 2020), Việt Nam xuất khẩu khoảng 170 triệu đô-la Mỹ sản phẩm bị điều tra sang Mê-hi-cô. Năm 2021, trị giá xuất khẩu của Việt Nam tăng hơn 2 lần lên khoảng 370 triệu đô-la Mỹ.
Từ vụ việc trên, các chuyên gia ngành thép lưu ý, tình hình thương mại toàn cầu trở nên khó khăn hơn và sự bảo hộ của nhiều quốc gia như một xu thế tất yếu khiến ngày càng có nhiều hơn các biện pháp phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp…).
Do đó, doanh nghiệp xuất khẩu cần tìm hiểu quy định pháp luật, thực tiễn điều tra phòng vệ thương mại của các nước nhập khẩu, đặc biệt là các thị trường trọng điểm. Đồng thời thường xuyên cập nhật thông tin cảnh báo sớm từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) để đề ra chiến lược xuất khẩu phù hợp cho từng giai đoạn.
Bên cạnh đó, thiết lập kênh thông tin với các đối tác, hiệp hội, ngành hàng để kịp thời cập nhật, xử lý các vụ kiện, tình huống phát sinh; đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, tránh tăng trưởng xuất khẩu quá nóng tại một thị trường, đặc biệt là các thị trường thường xuyên sử dụng công cụ phòng vệ thương mại hoặc đã từng kiện chống bán phá giá hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam.