Những dấu son lịch sử từ Nghị định 10/CP đến Pháp lệnh Quản lý thị trường

Sau hai mươi năm được tổ chức lại theo các Nghị định số 10/CP và Nghị định số 27/2008/NĐ-CP của Chính phủ, lực lượng Quản lý thị trường trên cả nước đã được củng cố kiện toàn một bước thành lực lượng chuyên trách thực thi pháp luật trên thị trường từ cấp trung ương đến cấp huyện; hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện làm việc không ngừng được cải thiện...
Giám sát, kiểm tra tránh thất thu thuế trong kinh doanh trên thương mại điện tử Phòng Trưng bày nhận diện hàng thật - hàng vi phạm: Công cụ hiệu quả trong ngăn chặn, hạn chế sự lưu thông của hàng giả Chống hàng giả trên biên giới Lạng Sơn: Những gian khó một thời Ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Quản lý thị trường

Sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 14/5/1951 về việc đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công Thương là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của ngành Công Thương Việt Nam. Ngay từ những năm đầu thành lập, khi điều kiện kinh tế - xã hội trong nước còn nhiều khó khăn, phải đương đầu với giặc ngoại xâm, giặc đói, giặc dốt nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, ngành Công Thương đã vượt qua khó khăn, từng bước xây dựng, duy trì phát triển hoạt động của nền công nghiệp và thương mại non trẻ, vừa phục vụ kháng chiến, vừa bảo đảm ổn định đời sống nhân dân và phát triển kinh tế đất nước.

Trong tiến trình phát triển ấy, trước nhu cầu bức thiết cần có một lực lượng ổn định thị trường, bảo vệ và phát triển nền sản xuất trong nước, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ngày 3/7/1957, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 290/TTg thành lập Ban Quản lý thị trường Trung ương và Ban Quản lý thị trường tại các tỉnh, thành phố và khu tự trị trong cả nước. Đây là mốc son đánh dấu sự hình thành và bắt đầu quá trình phát triển của lực lượng Quản lý thị trường.

Cùng với sự chuyển mình của đất nước, lực lượng Quản lý thị trường đã và đang được thay đổi cả về tổ chức lẫn chức năng nhiệm vụ của mình sao cho phù hợp với yêu cầu của thời kỳ mới. Những thay đổi mang tính bước ngoặt vào năm 1995 và năm 2016 đã ngày càng hoàn thiện hơn cơ cấu, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Quản lý thị trường và quan trọng hơn hết đó là sự đánh giá ghi nhận của Đảng, Nhà nước với vai trò của lực lượng Quản lý thị trường trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Những dấu son lịch sử từ Nghị định 10/CP đến Pháp lệnh Quản lý thị trường
Sự kiện pháp lý quan trọng đối với lực lượng là ngày 23/1/1995, Chính phủ ban hành Nghị định 10/CP quy định nhiệm vụ, quyền hạn và hệ thống tổ chức Quản lý thị trường

Từng bước xây dựng tổ chức chính quy, thống nhất

Lực lượng Quản lý thị trường ra đời với nhiệm vụ giúp Chính phủ xây dựng và tổ chức, chỉ đạo thực hiện các chủ trương, chính sách quản lý thị trường, chống đầu cơ, tích trữ. Sự kiện pháp lý quan trọng đối với lực lượng là ngày 23/1/1995, Chính phủ ban hành Nghị định 10/CP quy định nhiệm vụ, quyền hạn và hệ thống tổ chức Quản lý thị trường, trong đó xác định: “Quản lý thị trường là lực lượng chuyên trách được tổ chức từ trung ương đến huyện; có chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại ở thị trường trong nước”.

Ngày 3/1/1996, Bộ Chính trị có Nghị quyết số 12/NQ-TW về thương nghiệp, trong đó định hướng xây dựng lực lượng Quản lý thị trường theo yêu cầu chính quy, tổ chức chặt chẽ. Đây không chỉ là sự đánh giá của Đảng và Nhà nước về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác quản lý thị trường mà còn là mốc quan trọng đánh dấu bước trưởng thành của lực lượng Quản lý thị trường, chuyển Quản lý thị trường từ lực lượng kiêm nhiệm, liên ngành, tổ chức không chuyên trách thành lực lượng chính quy, tổ chức một cách có hệ thống từ trung ương tới địa phương.

Năm 2000, để thi hành Luật Thương mại năm 1995, lực lượng Quản lý thị trường được Chính phủ giao thêm chức năng Thanh tra chuyên ngành.

Ngày 3/11/2004, Bộ Nội vụ có Quyết định số 77/2004/QĐ-BNV về việc ban hành mã số các ngạch công chức Quản lý thị trường và ngày 29/6/2005 có Quyết định số 64/2005/QĐ-BNV về việc ban hành bổ sung chức danh và mã số ngạch nhân viên kiểm soát thị trường. Như vậy Quản lý thị trường đã có mã số ngạch công chức riêng và lần đầu tiên lực lượng Quản lý thị trường có tên trong bảng lương của Nhà nước theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ. Ngày 29/5/2006, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 120/2006/QĐ-TTg về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức Quản lý thị trường. Đây là ghi nhận của Đảng và Nhà nước đối với những khó khăn, vất vả mà lực lượng Quản lý thị trường đã vượt qua để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao phó.

Ngày 17/7/2007, Cục Quản lý thị trường được nâng cấp thành Cục loại I, sử dụng con dấu có hình quốc huy theo Văn bản số 2037/BNV-TCBC của Bộ Nội vụ về việc xếp hạng Cục Quản lý thị trường trực thuộc Bộ Thương mại.

Đến năm 2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 27/2008/NĐ-CP giao thêm cho lực lượng Quản lý thị trường chức năng thanh tra chuyên ngành thương mại, mở rộng phạm vi kiểm tra việc tuân theo pháp luật đối với các hoạt động công nghiệp, tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thương mại cho các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trên thị trường.

Như vậy, sau hai mươi năm được tổ chức lại theo các Nghị định số 10/CP và Nghị định số 27/2008/NĐ-CP của Chính phủ, lực lượng Quản lý thị trường trên cả nước đã được củng cố kiện toàn một bước thành lực lượng chuyên trách thực thi pháp luật trên thị trường từ cấp trung ương đến cấp huyện; hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện làm việc không ngừng được cải thiện. Công chức Quản lý thị trường được trang bị đồng phục, cờ hiệu, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu, được cấp Thẻ kiểm tra thị trường, được sử dụng công cụ hỗ trợ, phương tiện chuyên dùng trong khi thi hành nhiệm vụ; có các ngạch, tiêu chuẩn công chức chuyên ngành và bảng lương riêng.

Những dấu son lịch sử từ Nghị định 10/CP đến Pháp lệnh Quản lý thị trường
Sau hai mươi năm được tổ chức lại theo các Nghị định số 10/CP và Nghị định số 27/2008/NĐ-CP của Chính phủ, lực lượng Quản lý thị trường trên cả nước đã được củng cố kiện toàn một bước thành lực lượng chuyên trách thực thi pháp luật trên thị trường từ cấp trung ương đến cấp huyện

Những thành công bước đầu đáng khích lệ

Theo Nghị định số 10/CP và Nghị định số 27/2008/NĐ-CP của Chính phủ, Quản lý thị trường là lực lượng chuyên trách có chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống các vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại ở thị trường trong nước. Với chức năng trên, Quản lý thị trường có hai nhiệm vụ cơ bản là tham mưu cho Bộ Công Thương, cấp ủy, chính quyền địa phương về các chủ trương, chính sách, biện pháp cần thiết để bảo đảm hoạt động thương mại công bằng, lành mạnh và xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại và các lĩnh vực khác mà Quản lý thị trường được giao quyền.

Theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính trước đây có 04 chức danh được xử phạt vi phạm hành chính, bao gồm: Cục trưởng, Chi cục trưởng, Đội trưởng và Kiểm soát viên. Các chức danh Cục trưởng, Chi cục trưởng, Đội trưởng được phép ủy quyền cho cấp phó.

Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ ngày 1/7/2013 bổ sung thêm các chức danh Trưởng các phòng Chống buôn lậu, Chống hàng giả và Kiểm soát chất lượng hàng hóa cũng có thẩm quyền xử phạt như các Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường và có quyền ra quyết định kiểm tra.

Trong suốt 20 năm thực hiện Nghị định 10/CP, được sự chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã thường xuyên bám sát nhiệm vụ chính trị, tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên các mặt trận như: chống buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, chống sản xuất buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chống gian lận thương mại, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật theo quy định; thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; kiểm tra hoạt động kinh doanh tân dược, thuốc thú y, hành nghề y dược tư nhân; kiểm tra văn hoá phẩm độc hại, các loại băng đĩa không có tem kiểm soát, chưa được phép lưu hành; phối hợp trong việc truy thu thuế…

Đơn cử, giai đoạn từ năm 1995 đến 2011, lực lượng Quản lý thị trường đã xử lý 1.317.365 vụ vi phạm, trong đó 342.270 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu; 125.583 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả, 711.926 vụ kinh doanh trái phép, 39.572 vụ vi phạm về giá, 98.014 vụ trốn thuế và vi phạm khác; đã thu nộp ngân sách nhà nước trên 3.071 tỷ đồng, trong đó 1.478 tỷ đồng phạt hành chính, 1.464 tỷ đồng bán hàng tịch thu và gần 129 tỷ đồng truy thu thuế; nhiều vụ vi phạm có quy mô lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương đã được lực lượng Quản lý thị trường phát hiện và xử lý.

Hoạt động kiểm tra, kiểm soát của lực lượng Quản lý thị trường đã góp phần ổn định thị trường, bảo vệ sản xuất và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, góp phần thực hiện thắng lợi các giải pháp phát triển kinh tế, bình ổn thị trường, bảo đảm an sinh xã hội, được Chính phủ, các Bộ, ngành, cấp uỷ, chính quyền địa phương và nhân dân tin cậy, đánh giá cao.

Bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn kiểm tra, kiểm soát thị trường, lực lượng Quản lý thị trường đã tham gia soạn thảo các đạo luật quan trọng như: Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh, Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật sở hữu trí tuệ, Luật An toàn thực phẩm, Luật Xử lý vi phạm hành chính... Đồng thời, trực tiếp tham gia soạn thảo nhiều Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực: thương mại, kinh doanh xăng dầu, kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng, sản xuất, kinh doanh rượu và thuốc lá; sản xuất, buôn bán hàng giả, nhãn hàng hoá, bảo vệ môi trường, giá, an toàn thực phẩm, tiền tệ và ngân hàng, kinh doanh thuốc, mỹ phẩm và thiết bị y tế…và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật ngày càng hoàn thiện tạo hành lang pháp lý quan trọng cho hoạt động kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của lực lượng quản lý thị trường cả nước.

Cùng với việc hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, công tác xây dựng lực lượng được chú trọng để hình thành tổ chức hợp lý, trang bị phù hợp, phát triển đội ngũ công chức có trình độ nghiệp vụ cao, đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Chất lượng đội ngũ công chức Quản lý thị trường ngày càng được nâng cao, từ lúc chỉ 10% tốt nghiệp đại học đến năm 2015 đã tăng lên 63,3% trình độ đại học và trên đại học; trình độ trung cấp và cao đẳng từ 19% nay tăng lên 26,13%.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, hoạt động hợp tác quốc tế của lực lượng Quản lý thị trường được chú trọng. Lực lượng đã có quan hệ hợp tác trong lĩnh vực kiểm tra, kiểm soát thị trường với các nước có chung biên giới như Lào, Campuchia, Trung Quốc; hợp tác với nhiều đối tác nước ngoài trong lĩnh vực đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng; tham gia các dự án xuất bản ấn phẩm, sổ tay nghiệp vụ, xây dựng trang web chống hàng giả, tổ chức các hội thảo, triển lãm hàng thật - hàng giả, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, doanh nghiệp và lực lượng thực thi.

Bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, cấp ủy và chính quyền địa phương, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, Quản lý thị trường đã không ngừng phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao, trở thành lực lượng chủ công trong kiểm tra, kiểm soát thị trường nội địa, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong suốt hai mươi năm thực hiện Nghị định 10/CP.

Những dấu son lịch sử từ Nghị định 10/CP đến Pháp lệnh Quản lý thị trường
Để củng cố địa vị pháp lý và phát huy vai trò của lực lượng trong bối cảnh mới, Pháp lệnh Quản lý thị trường được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 8/3/2016

Pháp lệnh Quản lý thị trường và sự phát triển không ngừng của lực lượng trong bối cảnh hội nhập

Hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường tuy đạt được nhiều kết quả sau 20 năm thực hiện Nghị định 10/CP nhưng hiệu lực và hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại vẫn còn nhiều hạn chế. Tình trạng hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn tiếp tục gây bức xúc trong dư luận, các hành vi gian lận thương mại vẫn diễn ra thường xuyên. Các hành vi vi phạm về buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại chưa được đấu tranh và phát hiện xử lý triệt để, đặc biệt là các đường dây, ổ nhóm có quy mô lớn. Lực lượng Quản lý thị trường mới xử lý chủ yếu trên khâu lưu thông, chưa đi sâu vào việc kiểm tra phát hiện các hành vi vi phạm thuộc về bản chất của các chủ thể kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp lớn; việc xử lý có nơi, có lúc còn chậm, nhiều đối tượng cầm đầu chưa bị xử lý nghiêm minh, chưa tạo ra bước đột phá và tiếng vang trong cộng đồng.

Mô hình tổ chức và hoạt động của Quản lý thị trường sau 20 năm thực hiện Nghị định 10/CP đã và đang bộc lộ những bất cập, chưa thích ứng và phù hợp với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế thị trường có định hướng.

Do đó, để củng cố địa vị pháp lý và phát huy vai trò của lực lượng trong bối cảnh mới, Pháp lệnh Quản lý thị trường được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 8/3/2016. Chủ tịch nước ký Lệnh công bố ngày 22/3/2016. Pháp lệnh có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/9/2016. Theo đó, lực lượng Quản lý thị trường được quy định là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, thực hiện chức năng phòng, chống và xử lý các hành vi kinh doanh hàng hoá nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm và gian lận thương mại; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tiếp đó, ngày 10/8/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Tổng cục Quản lý thị trường trực thuộc Bộ Công Thương. Theo Quyết định này, lực lượng Quản lý thị trường một lần nữa được tổ chức lại theo mô hình Tổng cục ngành dọc tập trung, thống nhất từ trung ương đến cấp huyện trên cơ sở tiếp nhận, sắp xếp tổ chức bộ máy quản lý thị trường địa phương theo mục tiêu, lộ trình thực hiện Đề án thành lập Tổng cục Quản lý thị trường đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đến nay, bộ máy tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường đã được kiện toàn từng bước theo mô hình:

Các tổ chức Quản lý thị trường ở Trung ương gồm: Văn phòng Tổng cục; Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Tổng hợp - Kế hoạch - Tài chính; Vụ Chính sách - Pháp chế; Vụ Thanh tra - Kiểm tra; Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường.

Các tổ chức Quản lý thị trường ở địa phương gồm: 63 Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh trực thuộc Tổng cục; 376 Đội Quản lý thị trường thuộc Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh.

Tổ chức bộ máy của lực lượng Quản lý thị trường từ Trung ương đến địa phương được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của BCH Trung ương ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đến nay tổ chức bộ máy của Tổng cục Quản lý thị trường ở Trung ương đã được tinh giản từ 11 đơn vị xuống còn 6 đơn vị (giảm 45%). Số Đội Tổng cục Quản lý thị trường chỉ còn 376 Đội (giảm 45% so với trước đây).

Để tiếp tục kiện toàn bộ máy, xây dựng lực lượng Quản lý thị trường theo hướng hiện đại, chính quy, chuyên nghiệp, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Bộ Công Thương đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án thành lập 19 Cục Quản lý thị trường liên tỉnh trên cơ sở sáp nhập 38 Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh (giảm 19 Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh) và Chiến lược phát triển lực lượng Quản lý thị trường giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Tính đến hết năm 2021, sau 05 năm thực hiện, Pháp lệnh Quản lý thị trường đã tạo lập cơ sở pháp lý chung thống nhất, rõ ràng, minh bạch về hoạt động kiểm tra, kiểm soát của Quản lý thị trường; bảo đảm hiệu quả của hoạt động kiểm tra việc tuân thủ pháp luật đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh và bảo vệ môi trường thương mại lành mạnh, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.

Công tác chỉ đạo điều hành được Bộ Công Thương lãnh đạo tập trung, thống nhất trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý thị trường. Có thể nhận thấy rõ nét qua việc chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường triển khai thực hiện các chuyên đề về chống hàng giả, chống buôn lậu, chống các hành vi vi pháp pháp luật khác, chỉ đạo các biện pháp ứng phó với tình hình thiên tai, dịch bệnh, như dịch bệnh Covid-19...

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường đã kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm kiểm soát ổn định thị trường, đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân trong thời gian dịch bệnh, như: tăng cường kiểm tra, ngăn chặn tình trạng xuất khẩu khẩu trang và gạo lậu qua biên giới; tăng cường kiểm soát, ngăn chặn kịp thời hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh, khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua vét, mua gom, định giá hàng hóa bất hợp lý. Lần đầu tiên, năm 2021, Tổng cục Quản lý thị trường được Bộ Công Thương giao nhiệm vụ hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân và đã kết nối các sàn giao dịch thương mại điện tử, các thương nhân đầu mối xuất khẩu, tiêu thụ nội địa hàng ngàn tấn nông sản cho nông dân được các cấp ủy và chính quyền địa phường ghi nhận.

Phương thức lãnh đạo chỉ đạo điều hành ở các đơn vị cơ sở đổi mới một cách cơ bản toàn diện theo hướng chính quy. Ý thức, trách nhiệm chấp hành kỷ luật kỷ cương hành chính của đội ngũ công chức được nâng lên rõ rệt; tâm tư, nguyện vọng và tinh thần, thái độ của công chức tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo chỉ đạo điều hành của Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường. Khắc phục tình trạng trì trệ, thói thờ ơ, vô cảm của một bộ phận công chức; thay đổi hình ảnh, diện mạo của lực lượng để cùng sánh vai với các lực lượng chức năng khác, thể hiện được sự tôn trọng qua hành động và ứng xử của người dân.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đang tạo bước đột phá trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường. Đặc biệt, kể từ ngày 01/12/2020, Tổng cục Quản lý thị trường đưa ứng dụng Hệ thống xử lý vi phạm hành chính INS phục vụ công tác quản lý hoạt động kiểm tra, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ và xử lý vi phạm hành chính của lực lượng Quản lý thị trường. Và từ 1/2/2022, Hệ thống này đã chính thức được áp dụng triển khai trong toàn lực lượng.

Công tác thông tin truyền thông đặc biệt được quan tâm, triển khai xây dựng vận hành trang Website của Tổng cục và trang Website các Cục địa phương; chủ động phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương trao đổi thông tin tạo sự minh bạch trong hoạt động; phối hợp với VTV thực hiện chuyên mục “Thật và giả” phối hợp với VOV xây dựng chương trình “Tuyên chiến với gian lận thương mại” ra mắt Tạp chí Quản lý thị trường cung cấp các thông tin hình ảnh hoạt động của lực lượng một cách thường xuyên, liên tục, chính xác và kịp thời là tiếng nói chính thống của lực lượng đến với công chúng, đến với người tiêu dùng nhanh chóng và có tính thời sự cao...

Trong hơn 05 năm thực hiện Pháp lệnh Quản lý thị trường và 4 năm hoạt động theo mô hình Tổng cục ngành dọc, với chuyển biến mạnh mẽ trong công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp lực lượng, từng bước hiện đại hoá trang thiết bị, điều kiện làm việc, số lượng các vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng, có tổ chức, quy mô lớn, liên địa bàn được phát hiện, xử lý vượt trội so với những năm trước, nhiều vấn đề mới nảy sinh trong hoạt động thương mại có ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, người dân và doanh nghiệp đã được kịp thời dự báo, phát hiện và phản ứng hiệu quả.

Những thách thức đặt ra trong thời gian tới

Nhiều nội dung của Pháp lệnh Quản lý thị trường đi sâu vào quy trình nghiệp vụ kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính của lực lượng Quản lý thị trường, trong khi phương thức, thủ đoạn của các đối tượng vi phạm thường xuyên thay đổi, khó lường do đó cần phải sửa đổi, bổ sung quy trình nghiệp vụ của lực lượng để phù hợp với tình hình thực tiễn. Tuy nhiên, việc sửa đổi các nội dung liên quan đến Pháp lệnh mất nhiều thời gian và phải đánh giá thường xuyên hơn. Đồng thời, hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính của lực lượng Quản lý thị trường được tiến hành theo thẩm quyền, trình tự, thủ tục chặt chẽ được pháp luật quy định.

Bởi vậy, hệ thống pháp luật về kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính thống nhất, đồng bộ, khả thi là điều kiện tiên quyết cho việc thực thi hiệu quả nhiệm vụ kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính của công chức Quản lý thị trường.

Tuy nhiên, thực tế, có nhiều vấn đề phức tạp mới phát sinh đòi hỏi phải có sự phản ứng thích hợp từ phía các cơ quan chức năng trong đó có lực lượng Quản lý thị trường; công tác quản lý địa bàn, thu thập, xử lý thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành, xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các kế hoạch kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính nhìn chung còn nhiều hạn chế; thực thi pháp luật trong hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính còn nhiều sai sót; việc chấp hành pháp luật trong thi hành công vụ có nơi chưa nghiêm, việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát chưa chặt chẽ. Bên cạnh đó, hiện tượng suy giảm về đạo đức công vụ, tình trạng quan liêu, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp, người dân trong thực thi công vụ của một bộ phận công chức Quản lý thị trường chưa được ngăn chặn và đẩy lùi triệt để...

Như vậy, với các mốc son lịch sử của Nghị định 10/CP năm 1995 và Pháp lệnh Quản lý thị trường năm 2016, lực lượng Quản lý thị trường đã từng bước trưởng thành, lớn mạnh và có vị trí vai trò quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, lực lượng Quản lý thị trường cần phải nỗ lực hơn nữa để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó trước những thách thức.

Trước mắt, sớm triển khai tổng kết thi hành Pháp lệnh Quản lý thị trường và các văn bản quy định chi tiết thi hành, xác định nhu cầu, lộ trình xây dựng luật điều chỉnh hoạt động kiểm tra của lực lượng Quản lý thị trường và huy động các nguồn lực, các chuyên gia, các nhà khoa học, các cơ sở nghiên cứu, tổ chức, cá nhân kinh doanh tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật có liên quan.

Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật về hoạt động kiểm tra nói riêng và pháp luật về quản lý thị trường nói chung phải được quan tâm, chú trọng hơn nữa. Các bước đi cần thiết trong tiến trình hoàn thiện khung khổ pháp lý cho lực lượng Quản lý thị trường phải được hoạch định một cách tổng thể, toàn diện, khoa học, trên cơ sở thực tiễn.

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan, nghiên cứu sâu về các hành vi, phương thức thủ đoạn của các tổ chức, cá nhân lợi dụng thương mại điện tử nói riêng và các nền tảng trực tuyến nói chung để thu lợi bất chính. Từ đó có các đề xuất cụ thể trong công tác xây dựng văn bản pháp luật quản lý nhà nước về thương mại điện tử và kinh tế số.

Có thể bạn quan tâm

Cùng chuyên mục

Tin khác

Sắp mở cửa Phòng trưng bày nhận diện hàng Thật - hàng Giả tại Hà Nội

Sắp mở cửa Phòng trưng bày nhận diện hàng Thật - hàng Giả tại Hà Nội

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả, hàng nhái (29/11), Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức Phòng trưng bày “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”. Phòng trưng bày sẽ khai mạc vào 9:00 thứ Sáu, ngày 22/11/2024 tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.
Thủ tướng dự Hội nghị thượng đỉnh G20: Cam kết và đề xuất của Việt Nam vì các thế hệ tương lai

Thủ tướng dự Hội nghị thượng đỉnh G20: Cam kết và đề xuất của Việt Nam vì các thế hệ tương lai

Ngày 19/11 (theo giờ địa phương), tại Rio de Janeiro, Brazil, Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2024 đã tiếp tục diễn ra với Phiên thảo luận về phát triển bền vững và chuyển đổi năng lượng dưới sự chủ trì của Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva, Chủ tịch G20 năm nay. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự và có bài phát biểu tại Phiên thảo luận.
Thủ tướng tiếp Tổng Bí thư Đảng Phong trào Cánh tả thống nhất Dominica

Thủ tướng tiếp Tổng Bí thư Đảng Phong trào Cánh tả thống nhất Dominica

Chiều ngày 20/11 (theo giờ địa phương), tiếp chương trình thăm chính thức Cộng hòa Dominica, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp đồng chí Miguel Mejia, Tổng Bí thư Đảng Phong trào Cánh tả thống nhất (MIU), Bộ trưởng Chính sách Hội nhập khu vực Cộng hòa Dominica.
Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân lên đường thăm chính thức Malaysia

Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân lên đường thăm chính thức Malaysia

Nhận lời mời của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim và Phu nhân, sáng 21/11, Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân Ngô Phương Ly, cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Thủ đô Hà Nội, lên đường thăm chính thức Malaysia từ ngày 21 đến ngày 23/11.
Quốc hội họp đợt 2 Kỳ họp thứ 8, làm công tác nhân sự, thông qua 18 luật

Quốc hội họp đợt 2 Kỳ họp thứ 8, làm công tác nhân sự, thông qua 18 luật

Sau 1 tuần nghỉ giữa kỳ họp, sáng 20/11, Quốc hội bước vào đợt 2 Kỳ họp thứ 8 với nội dung trọng tâm làm công tác nhân sự và biểu quyết thông qua 18 dự án luật.
Thu giữ hàng trăm áo phao không rõ nguồn gốc, xuất xứ bán trên sàn thương mại điện tử Tiktok Shop

Thu giữ hàng trăm áo phao không rõ nguồn gốc, xuất xứ bán trên sàn thương mại điện tử Tiktok Shop

Trong vòng hơn 01 tháng theo dõi, Đội QLTT số 4 phát hiện đối tượng có kho hàng hoá kinh doanh tại xóm Sơn Hồng, xã Giao Hà, huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định.
Khởi tố Giám đốc Công ty về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp

Khởi tố Giám đốc Công ty về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An vừa ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thanh Đàn, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại ECOTECH có địa chỉ tại xã Nghi Phú, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An về tội “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” theo quy định tại khoản 1, Điều 226 Bộ luật Hình sự.
Phát hiện xe ô tô vận chuyển hơn 1,1 tấn xúc xích không rõ nguồn gốc

Phát hiện xe ô tô vận chuyển hơn 1,1 tấn xúc xích không rõ nguồn gốc

Phòng Cảnh sát giao thông phối hợp với Phòng Cảnh sát cơ động, Công an tỉnh Lạng Sơn vừa phát hiện xe ô tô vận chuyển hơn 1,1 tấn xúc xích không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Xem thêm

Đọc nhiều / Mới nhận