Sẽ có giải pháp hiệu quả hơn để bình ổn giá phân bón
Liên quan đến ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc giá phân bón tăng cao trong thời gian qua, gây nhiều khó khăn cho nông dân và cho sản xuất nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, thời gian qua, giá phân bón, vật tư nông nghiệp vẫn tăng cao là do tác động của giá nguyên liệu đầu vào (chủ yếu nhập khẩu) và chi phí vận tải, logistics do giãn cách xã hội tăng cao.
Mặc khác, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, mặt hàng phân bón không thuộc danh mục chịu thuế VAT nên các nguyên, vật liệu đầu vào không được khấu trừ thuế cũng đã làm tăng giá thành sản phẩm. Cùng với đó là nhu cầu tiêu thụ mặt hàng phân bón của thế giới tăng cao do đứt gẫy chuỗi cung ứng.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ trưởng cho biết, thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp tốt hơn với các Bộ, ngành, địa phương để có các giải pháp hiệu quả hơn trong bình ổn giá phân bón |
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, đây là lĩnh vực luôn được Bộ Công Thương quan tâm, chú trọng chỉ đạo các đơn vị chức năng theo dõi, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để kịp thời đề xuất, áp dụng nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ nông dân sản xuất có lãi, qua đó nâng cao đời sống ở khu vực nông thôn.
Về giải pháp bình ổn thị trường phân bón, vật tư nông nghiệp, Bộ trưởng cho biết, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp như đã làm thời gian qua, đồng thời tiếp tục phối hợp tốt hơn với các Bộ, ngành, địa phương để có các giải pháp hiệu quả hơn.
Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh đến việc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm; đề xuất Chính phủ, Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật thuế GTGT để mặt hàng phân bón được bổ sung vào danh mục chịu thuế VAT giúp cho mặt hàng này có cơ hội giảm giá và nâng cao năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước.
Trước đó, chỉ ra nguyên nhân đẩy giá phân bón tăng cao, ông Nguyễn Đức Ninh - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phân Đạm Và Hóa Chất Hà Bắc cho biết giá phân bón trong nước thời gian qua tăng theo xu hướng giá phân bón thế giới.
Ông Nguyễn Đức Ninh khẳng định, nguồn cung phân bón trong nước không thiếu so với nhu cầu, nhưng do giá thế giới biến động tác động lớn đến chi phí giá thành sản xuất làm tăng giá bán sản phẩm.
Đặc biệt, theo ông Nguyễn Đức Ninh, nguyên nhân chính đẩy giá phân bón trong nước cao trong thời điểm này là do một số nhà sản xuất phân bón lớn nhất Trung Quốc đang tạm hoãn hoạt động xuất khẩu nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội địa, từ đó, đẩy giá phân bón trên thế giới tăng. Ở trong nước, giá phân bón cũng biến động cùng xu hướng.
Giá phân bón thế giới tăng cao, khiến kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của nước ta đã tăng rất mạnh so với cùng kỳ |
Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ Công Thương, do giá phân bón thế giới tăng cao, nên kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của nước ta đã tăng rất mạnh so với cùng kỳ.
10 tháng, cả nước đã chi 1,114 tỷ USD để nhập khẩu 3,729 triệu tấn phân bón, tăng 18,1% về lượng nhưng tăng tới 42,5% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái (tương ứng tăng 332 triệu USD).
Giá phân bón tăng phi mã đang gây áp lực lớn cho vụ đông xuân 2021-2022. Trước đây, chi phí cho phân bón chiếm khoảng 24% tổng chi phí sản xuất lúa, với việc giá tăng liên tục, có thời điểm, chi phí cho phân bón có thể đã tới 40%.