Bộ trưởng Công Thương giao doanh nghiệp nhập thêm 2,4 triệu m3 xăng dầu
Bộ trưởng Công Thương giao 10 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu thêm 2,4 triệu m3 xăng dầu về trong Quý II/2022, nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước |
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa ký quyết định giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm trong Quý II/2022, với tổng sản lượng 2,4 triệu m3. Trong đó, lượng xăng nhập là 840.000 m3, còn dầu hơn 1,56 triệu m3.
Cũng theo Quyết định của Bộ trưởng, lượng nhập khẩu tăng thêm sẽ bù đắp sản lượng thiếu hụt do nguồn cung xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước không đạt kế hoạch, bảo đảm đủ nguồn cung xăng dầu cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và phục hồi kinh tế đất nước.
“Số lượng xăng dầu kinh doanh tạm nhập, tái xuất không tính vào lượng nhập khẩu xăng dầu giao bổ sung”, Quyết định nêu rõ. Đồng thời quy định, các doanh nghiệp được giao tăng sản lượng nhập khẩu xăng dầu phải thực hiện việc nhập khẩu xăng dầu không thấp hơn sản lượng xăng dầu giao bổ sung. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng phải chứng minh được hoạt động xuất, nhập khẩu của mình bằng các hóa đơn, chứng từ xuất, nhập xăng dầu trong mỗi tháng; báo cáo về Bộ Công Thương (qua Vụ Thị trường trong nước) tình hình, kết quả thực hiện trước ngày 20 hàng tháng.
Bộ trưởng Bộ Công thương giao Thanh tra Bộ Công thương, Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Xuất nhập khẩu thanh tra, kiểm tra, giám sát thường xuyên việc thực hiện nhập khẩu sản lượng xăng dầu tăng thêm. Vụ Thị trường trong nước tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện, báo cáo lãnh đạo bộ trước ngày 25 hàng tháng.
Theo Quyết định này, danh sách các doanh nghiệp được phân giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm gồm có 10 công ty. Bao gồm Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil), Công ty TNHH Thủy bộ Hải Hà; Công ty TNHH Hải Linh; Công y CP đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu; Công ty Xuyên Việt Oil; Tổng công ty thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ; Công ty Dầu khí Đồng Tháp; Công ty Thiên Minh Đức; Công ty CP Hóa dầu Quân đội.
Trong tổng sản lượng nhập khẩu tăng thêm là 2,4 triệu m3, trong đó lượng xăng nhập khẩu là 840.000m3 và dầu là 1,56 triệu m3. Doanh nghiệp được giao nhập nhiều nhất là Petrolimex với hơn 1 triệu m3, tiếp đến là PVOil với gần 489.000m3, thấp nhất là Hóa dầu Quân đội hơn 41.000m3...
Danh sách và sản lượng cụ thể của 10 doanh nghiệp được giao nhập khẩu thêm xăng dầu |
Hơn một tháng qua, nguồn cung xăng dầu trong nước khan hiếm sau khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm công suất từ cuối tháng 1 do khó khăn tài chính. Hiện nhà máy chạy ở mức 55-60% công suất, do đó việc giao hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước trong tháng 2 đã bị giảm so với kế hoạch bình quân giao hàng theo tháng khoảng 43%. Cụ thể, kế hoạch giao là 680.000 m3, thực tế giao khoảng 390.000 m3; trong đó xăng giảm 18% và dầu DO giảm 57%.
Dự kiến tháng 3 cung cấp khoảng 80% so với kế hoạch theo tháng tức 540.000/680.000 m3. Hiện, nhà máy báo cáo sẽ sản xuất 100% công suất từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 5 nhưng chưa có kế hoạch giao hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh vào tháng 4 và tháng 5, đặc biệt sau tháng 5 chưa rõ về khả năng duy trì sản xuất.
Cũng theo báo cáo của Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn, do nguồn cung xăng dầu trong nước thời gian vừa qua giảm nên từ cuối tháng 1, nhà máy đã nâng công suất lên 103% và từ ngày 7/2 đã nâng công suất lên 105%.
Theo đó, Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn sẽ cung cấp cho thị trường 300.000 m3 xăng và 300.000 m3 dầu mỗi tháng. Tuy nhiên, mức tăng thêm 5% (tương đương 28.000 m3 xăng dầu) chưa đủ bù đắp lượng thiếu hụt do Nhà máy Nghi Sơn giảm công suất.
Hiện, lượng xăng dầu tồn kho tại các doanh nghiệp đầu mối đầu tháng 2 còn khoảng 1,3 triệu m3 các loại (gồm 620.000 m3 xăng, 650.000 m3 dầu diesel, chưa kể lượng tồn kho của các thương nhân phân phối và đại lý).
Dự kiến lượng mua vào để cung ứng cho thị trường trong tháng 2 khoảng 2,39 triệu m3 (trong đó 990.000 m3 các loại từ nguồn trong nước và 1,4 triệu m3 từ nguồn nhập khẩu).
"Với nhu cầu khoảng 1,8-2 triệu m3 xăng dầu các loại/tháng, nguồn cung như trên đáp ứng đủ nhu cầu thị trường trong tháng 2 và dự trữ gối đầu sang tháng 3", Bộ Công Thương đánh giá.