Đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trong nước, giải tỏa ùn ứ trên biên giới
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tình hình ùn ứ tại các cửa khẩu sang Trung Quốc đã khiến kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn nửa đầu tháng 12 chỉ đạt 121,6 triệu USD, giảm gần 33% so với cùng kỳ năm 2020.
Hiện nay, tình hình vẫn chưa có dấu hiệu khả quan. Theo số liệu mới nhất mà Bộ Công Thương vừa đưa ra, tính đến sáng ngày 25/12, số xe tồn đọng trên các cửa khẩu là 5.759 xe. Trong đó, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh là 1.555 xe, Lạng Sơn là 4.204 xe.
Trước tình trạng ùn ứ nông sản, Bộ Công Thương một mặt tìm cách tháo gỡ ách tắc, nhưng một mặt khuyến nghị các doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trong nước |
Tại Lạng Sơn, mỗi ngày chỉ có 100 xe được thông quan trên tổng số hàng nghìn xe ùn ứ, đồng nghĩa lượng hàng ứ đọng lên tới hàng trăm nghìn tấn. Trước tình hình trên, Bộ Công Thương một mặt tìm cách tháo gỡ ách tắc, nhưng một mặt khuyến nghị các doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trong nước.
Ông Trần Quốc Toản - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, hiện nhiều địa phương trong nước đang triển khai chương trình tháng khuyến mãi quốc gia 2021, đây cũng là điều kiện tốt để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản.
Do vậy, lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu kiến nghị, các doanh nghiệp, thương nhân đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước để giảm áp lực cho thị trường xuất khẩu; chủ động tham gia, các chương trình kết nối, tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước, như: Chương trình Tháng khuyến mại tập trung Quốc gia năm 2021 để thực hiện kết nối hiệu quả giữa sản xuất và tiêu thụ, thúc đẩy tiêu dùng nội địa.
Ngoài ra, các địa phương sản xuất nông sản tập trung, có sản lượng lớn cần tăng cường các hoạt động kết nối với hệ thống phân phối trong nước và các doanh nghiệp sản xuất, chế biến để thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong nước, cũng như tăng cường sản xuất, chế biến sâu nâng cao giá trị nông sản Việt.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng chỉ đạo các Sở, ban ngành chức năng điều tiết sản xuất nông nghiệp theo nhu cầu của thị trường; căn cứ khả năng sản xuất để phát triển công nghiệp chế biến nhằm tăng giá trị nông sản chế biến sâu, đa dạng các sản phẩm nông nghiệp, đồng thời chú trọng phát triển hệ thống kho trữ, bảo quản nông sản.
Bộ Công Thương nhấn mạnh, “kinh nghiệm của các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương và Sơn La cho thấy sự quan tâm và tích cực vào cuộc của chính quyền địa phương các cấp, nhất là vào thời điểm trước vụ thu hoạch, là một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp nông sản của tỉnh được tiêu thụ thông suốt và thuận lợi trong hoàn cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp”.
Đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới phía Bắc, Bộ Công Thương đề nghị các Ủy ban chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với đơn vị của các Bộ, ngành, địa phương liên quan trao đổi, đàm phán với chính quyền địa phương, cơ quan quản lý phía Trung Quốc để triển khai các giải pháp nhằm tăng thời gian thông quan tại các cửa khẩu; nâng cao hiệu suất làm việc của các lực lượng chức năng của cả 02 nước tạo thuận hơn cho hoạt động thông quan và xuất khẩu hàng hoá, đặc biệt là các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam.
Về lâu dài, Bộ Công Thương khuyến nghị, UBND các tỉnh sản xuất nông sản lớn phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để nâng tầm nông sản Việt, từ đó đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa phương thức vận chuyển, giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc cũng như sự phụ thuộc vào hình thức xuất khẩu "tiểu ngạch".