Hàng giả tràn lan trên các trang thương mại điện tử
Hàng giả tràn lan trên các thương mại điện tử
Có thể nói trong 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã mang đến nhiều biến động đối với nền kinh tế và sự tăng trưởng bứt phá của thương mại điện tử, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường tiềm năng nhất khu vực ASEAN, thể hiện vai trò của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN.
Tuy nhiên, song hành với những cơ hội phát triển thì thương mại điện tử ở Việt Nam cũng gặp không ít những thách thức.Công tác chống hàng lậu, hàng giả trên môi trường thương mại điện tử trong năm 2021 tiếp tục là vấn đề nóng nhất nhưng cũng khó khăn nhất của lực lượng quản lý thị trường (QLTT).
Hàng loạt các sản phẩm mang tên, logo của các thương hiệu nổi tiếng được bán trên các sàn thương mại điện tử có giá chỉ vài chục đến vài trăm ngàn |
Ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT (Bộ Công Thương) cho biết, một số thủ đoạn mới đang xuất hiện trên nền tảng thương mại điện tử, tập trung vào nhóm hàng hóa có giá trị cao, những mặt hàng do nước ngoài sản xuất.
Thủ đoạn được các đối tượng sử dụng như: lập nhiều tài khoản facebook và chạy quảng cáo, ảnh chụp sản phẩm tương đối chuyên nghiệp và không có địa chỉ, số điện thoại hoặc địa chỉ chung chung, khi khách hàng hỏi thì chỉ nhận inbox (nhắn tin riêng). Thậm chí, một số đối tượng còn livestream (phát trực tiếp), mỗi ngày có thể chốt hàng trăm đơn hàng.
Chia sẻ thực trạng các hành vi vi phạm trên thương mại điện tử tại địa bàn tỉnh Thanh Hóa, ông Nguyễn Văn Hùng, Quyền Cục trưởng Cục QLTT tỉnh cho biết, các đối tượng lợi dụng kinh doanh thương mại điện tử để trục lợi thường có trình độ và am hiểu nhất định về công nghệ thông tin hoặc có đội ngũ kỹ thuật chuyên trách việc này.
“Các đối tượng tận dụng mọi thành tựu tiên tiến nhất của công nghệ để kinh doanh các mặt hàng vi phạm và tận dụng công nghệ để lẩn tránh cơ quan chức năng như hành vi xóa bỏ dấu vết giao dịch, ẩn danh trên mạng.
Không những vậy, các đối tượng cũng chuyển hướng kinh doanh, vận chuyển hàng vi phạm qua đường bưu điện, chuyển phát nhanh nhằm tránh sự kiểm tra, phát hiện của các lực lượng chức năng”, ông Hùng thông tin.
Trong khi đó, ông Cao Xuân Quảng - Trưởng phòng Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, trung bình mỗi năm, Cục xử lý từ 500 - 2.000 khiếu nại từ người tiêu dùng liên quan đến giao dịch online.
“Các nội dung phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng chủ yếu liên quan đến việc thông tin cá nhân của khách hàng bị rò rỉ; người bán hàng lừa đảo, bán và giao hàng hóa, sản phẩm không đúng quảng cáo; hay khó tiếp cận đơn vị bán hàng hoặc các kênh tư vấn, hỗ trợ khách hàng của sàn thương mại điện tử trong trường hợp muốn phản ánh khiếu nại và không được giải quyết thoả đáng khi xảy ra tranh chấp...”, ông Quảng chia sẻ.
Cũng theo phản ánh từ người tiêu dùng, hiện nay gần như thứ gì cũng có thể tìm thấy trên các các kênh thương mại điện tử. Từ thực phẩm, thời trang, cho đến hàng điện tử, đồ gia dụng… Thậm chí, những sản phẩm tưởng chừng rất xả xỉ như nước hoa, mỹ phẩm, túi xách cao cấp cũng được rao bán rầm với mức giá không thể rẻ hơn…
Phối hợp để ngăn chặn vi phạm
Để chủ động phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm, góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho thương mại điện tử phát triển bền vững, tháng 9/2021, Bộ Công Thương đã xây dựng, tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về hoạt động thương mại điện tử.
Bên cạnh nhiều quy định mới về quản lý hoạt động thương mại điện tử nói chung, Nghị định số 85/2021/NĐ-CP đã bổ sung một số quy định mới nhằm tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua bán hàng hóa, dịch vụ thông qua thương mại điện tử.
Chống hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử rất cần sự phối hợp của các lực lượng chức năng liên quan |
Theo ông Cao Xuân Quảng, bên cạnh việc tiếp nhận, tư vấn, hỗ trợ cho người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã phối hợp với các sàn giải quyết các khiếu nại, yêu cầu của người tiêu dùng như đề nghị các sàn cung cấp đầu mối để phối hợp với Cục giải quyết các vụ khiếu nại của người tiêu dùng.
Đồng thời, đề nghị các sàn báo cáo về chính sách và các giải pháp xử lý trong các vụ việc tương tự. Hay, đồng hành cùng các sàn thương mại điện tử trong việc điều chỉnh chính sách, điều kiện, điều khoản để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
Bên cạnh việc tích cực trong công tác phối hợp xử lý các phản ánh, khiếu nại của các sàn thương mại điện tử, bà Hồ Thị Tố Uyên - Phó Trưởng phòng quản lý hoạt động Thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nhiều sàn đang áp dụng quy trình kiểm soát bằng hệ thống từ khoá, bộ lọc và triển khai bộ phận nhân sự kiểm duyệt để nhanh chóng phát hiện sản phẩm vi phạm.
Đồng thời, các sàn còn thiết lập chức năng báo cáo sản phẩm vi phạm để tạo điều kiện cho người tiêu dùng phản hồi thông tin, từ đó có biện pháp xử lý theo quy định...
Đối với lực lượng QLTT, trong năm 2022 và những năm tiếp theo, nhiệm vụ chính của lực lượng sẽ là đấu tranh chống hàng gian, hàng giả trên môi trường mạng, kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm, thường xuyên, liên tục các chủ thể, chủ sàn giao dịch thương mại điện tử, trên mạng xã hội, chứ không đơn thuần là việc kiểm tra các cửa hàng kinh doanh thương mại theo phương thức truyền thống.
Đồng thời, để chủ động trong công tác phòng, chống vi phạm trong lĩnh vực này, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tổng cục QLTT yêu cầu lực lượng QLTT cả nước đẩy mạnh công tác phối hơp giữa các lực lượng chức năng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để xử lý các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... qua mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử.