Kết nối tiêu thụ vải thiều Hải Dương với các thị trường trong và ngoài nước
Doanh nghiệp nước ngoài tìm kiếm cơ hội hợp tác tại vùng vải Hải Dương
Sáng ngày 29/5, tại thành phố Hải Dương đã diễn ra Hội nghị xúc tiến thương mại vải thiều Thanh Hà và sản phẩm tiêu biểu tỉnh Hải Dương năm 2022. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong việc xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu hình ảnh các sản phẩm tiêu biểu Hải Dương nói chung và đặc sản vải thiều nói riêng.
Theo báo cáo của tỉnh Hải Dương, năm 2022, vải thiều tại tỉnh có năng suất và sản lượng vượt trội. Với khoảng 9.000 ha vải thiều, sản lượng thu hoạch dự kiến đạt 60.000 tấn, tăng 10% so với năm ngoái.
Đáng chú ý, năm 2022, tỉnh tiếp tục duy trì 41 vùng vải tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 500 ha và 11 vùng sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP với diện tích 110 ha.
Ngoài ra, gần 6.000 ha vải áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP và GAP cơ bản. Hải Dương dự kiến xuất khẩu khoảng 5.000 tấn vải đi các thị trường Nhật Bản, Mỹ, Úc, châu Âu, Singapore, Thái Lan...
Ký kết thỏa thuận hợp tác hỗ trợ vải thiều và sản phẩm nông sản Hải Dương lên sàn thương mại điện tử. Ảnh Báo Công Thương |
Chia sẻ tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp trong nước và đối tác nước ngoài đều bày tỏ mong muốn hợp tác với tỉnh Hải Dương để tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm tiêu biểu.
Ông Túc Dược Vân, đại diện Hiệp hội Trái cây tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) chia sẻ, năm 2021, ước tính khoảng 10.000 tấn vải thiều của Việt Nam đã được tiêu thụ tại đây. Năm 2022, hiệp hội sẽ tích cực quảng bá cho các doanh nghiệp nhập khẩu hoa quả về các vùng nguyên liệu của Việt Nam; trong đó có vải thiều ở Hải Dương.
Trong khi đó, ông John Tryfopolous, Giám đốc Quản lý xuất nhập khẩu hoa quả tươi tập đoàn 4Waysfresh Australia cho biết, năm 2021, tập đoàn đã đưa hơn 100 tấn vải thiều Việt Nam vào thị trường Australia. Không chỉ người châu Á mà người phương Tây rất ưa thích hương vị của quả vải thiều. Năm 2022, tập đoàn kỳ vọng sản lượng tiêu thụ sẽ tăng lên khoảng 200 tấn.
“Tập đoàn quyết tâm mang ngày càng nhiều trái cây Việt Nam sang Australia và đang tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư tại các vùng trồng vải của Việt Nam nói chung và Hải Dương nói riêng”, ông John Tryfopolous kỳ vọng.
Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp trong nước và đối tác nước ngoài đều bày tỏ mong muốn hợp tác với tỉnh Hải Dương để tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm tiêu biểu |
Đối với thị trường trong nước, ý kiến từ Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng để quả vải thiều Thanh Hà, Hải Dương có chỗ đứng trong kênh bán lẻ và ngày càng nâng cao giá trị, bên cạnh việc coi trọng chỉ đạo sản xuất để đảm bảo chất lượng, Hải Dương cần đầu tư hơn cho khâu sơ chế, đóng gói.
Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội cũng cho rằng Hải Dương cần có trung tâm logistic, cần tập trung nguồn lực cho sơ chế, chế biến, bảo quản sau thu hoạch, ứng dụng chuyển đổi số mạnh mẽ vào sản xuất và xúc tiến tương mại, tiêu thụ sản phẩm. Tỉnh cũng cần xem xét phối hợp với các trường nghề và các hiệp hội để đào tạo các hộ kinh doanh, các hợp tác xã đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử một cách chuyên nghiệp, hiệu quả.
Đồng hành cùng Hải Dương, hỗ trợ, xúc tiến tiêu thụ vải thiều
Tham dự và phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải lưu ý, thị trường xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là Trung Quốc, còn diễn biến khó lường. Trong trường hợp việc thu mua vải thiều và nông sản bị ảnh hưởng do chính sách nhập cảnh ở các nước, tỉnh Hải Dương cần chủ động kết nối doanh nghiệp với các nhà thu mua, trung tâm thương mại, chuỗi cung ứng thực phẩm trong nước; tổ chức các tuần hàng nông sản ở các tỉnh, thành phố.
"Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp, hỗ trợ tỉnh Hải Dương quảng bá thương hiệu, thúc đẩy kết nối giao dịch xuất khẩu vải thiều và các sản phẩm tiêu biểu khác ở thị trường trong và nước ngoài", Thứ trưởng khẳng định.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại Hội nghị. Ảnh Báo Công Thương |
Để có một mùa vải thành công, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị, tỉnh Hải Dương tập trung hình thành sản xuất, chế biến, xuất khẩu theo chuỗi ngành hàng; đẩy mạnh chế biến, nhất là đối với sản phẩm trái vải; mở rộng thị trường mới để chủ động hơn trong tiêu thụ nông sản nói chung.
Đồng thời, phối hợp với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và chỉ đạo các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, đặc biệt tại các thị trường lớn quan trọng như EU, Singapore, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc…triển khai các hoạt động thiết thực để hỗ trợ hiệu quả địa phương và doanh nghiệp.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đẩy mạnh hỗ trợ tỉnh Hải Dương thực hiện các hoạt động xúc tiến tiêu thụ quả vải ở thị trường trong nước. Tích cực phối hợp các cơ quan truyền thông thực hiện phổ biến tuyền truyền rộng rãi tới người tiêu dùng về chất lượng, lợi ích, công dụng trong việc sử dụng quả vải nhằm kích cầu tiêu dùng của nhân dân đồng thời tích cực thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị, Hải Dương tập trung rà soát các quy hoạch, xây dựng định hướng chiến lược xác định vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, nông nghiệp xanh, quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Cùng với đó, tỉnh cần phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; trong đó chú trọng vai trò của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu nông sản; Thực hiện tốt việc cấp và quản lý mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói, thực hiện chuẩn hóa chất lượng nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Để nông sản nói chung và vải thiều nói riêng nâng cao giá trị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hải Dương cần tăng cường khâu bảo quản và chế biến, nhất là chế biến sâu, tập trung phát triển các sản phẩm đặc sản theo thế mạnh của từng địa phương. Tỉnh cũng cần tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, máy móc, ứng dụng chuyển đổi số trong quá trình sản xuất và tiêu thụ.
Hiện vải thiều Thanh Hà đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước và được xuất khẩu sang các thị trường lớn như: Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Australia, Singapore, Thái Lan... Năm 2021, vải thiều Hải Dương đã có một năm vượt bão COVID-19 ấn tượng với kết quả giá trị sản xuất theo giá thực tế đạt 1.400 tỷ đồng, tăng 234 tỷ đồng so với năm 2020.