Lực lượng QLTT Hà Nội: Quyết tâm không bỏ lọt vi phạm để bảo vệ thị trường lành mạnh
Trên 4.000 vụ vi phạm được phát hiện, xử lý
Báo cáo của Cục QLTT TP. Hà Nội cho biết, trong năm 2021, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường của lực lượng. Số vụ kiểm tra đột xuất, định kỳ giảm so với cùng kỳ nhưng các vụ việc xử lý có độ răn đe cao. Tổng số tiền xử phạt hành chính giảm nhưng tổng số tiền xử lý tăng hơn 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều vụ việc nổi cộm có giá trị tuyên truyền cao, tạo được niềm tin cho nhân dân, ổn định công tác thị trường trên địa bàn Thành phố.
Đặc biệt, chịu tác động từ đại dịch, các đối tượng đã thay đổi phương thức, thủ đoạn vi phạm, chuyển từ các hình thức kinh doanh, buôn bán truyền thống sang kinh doanh, buôn bán trên môi trường số, các nền tảng mạng xã hội với các hình thức ngày càng tinh vi. Riêng trong lĩnh vực thương mại điện tử, trong năm, QLTT Hà Nội đã kiểm tra 227 vụ việc, phạt hành chính hơn 3,7 tỷ đồng. Hành vi vi phạm chủ yếu là hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ…
Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị |
Đáng chú ý, trước tình hình dịch bệnh phức tạp, nhu cầu tâm lý phòng chống Covid-19 của nhân dân tăng cao. Lợi dụng lòng tin của khách hàng để trục lợi, nhiều đối tượng đã chào, bán khẩu trang, thuốc hỗ trợ phòng, điều trị Covid-19 nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng… Ngăn chặn hành vi này, Cục QLTT Hà Nội đã xây dựng kế hoạch tập trung kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc, trang thiết bị y tế… Kết quả, đơn vị đã tiến hành kiểm tra và xử lý 30 vụ vi phạm, tịch thu hàng trăm nghìn sản phẩm như khẩu trang, găng tay y tế, dung dịch rửa tay, dụng cụ xét nghiệm Covid-19, bộ máy thở ô-xi, thuốc phòng và chữa Covid-19 nhập lậu...
Cũng trong năm 2021, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, nâng cao hiệu quả trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng cấm, vi phạm sở hữu trí tuệ, vi phạm an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội, Cục QLTT Hà Nội đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, như Công an thành phố, Công an các quận huyện, Hải quan, Sở Công Thương… tổ chức kiểm tra, xử lý phát hiện nhiêu vụ việc có quy mô lớn, trọng điểm, đặc biệt là các vụ kinh doanh hàng hóa nhập lậu có dấu hiệu buôn lậu, sản xuất hàng giả mạo nhãn hiệu. Theo đó, trong năm 2021, đơn vị đã phối hợp với Công an Thành phố tiến hành kiểm tra, xử lý 854 vụ, xử phạt trên 15 tỷ đồng với tổng giá trị hàng hóa vi phạm trên 65 tỷ đồng.
Như vậy, cả năm 2021, lực lượng QLTT Hà Nội đã tổng kiểm tra trên 4.000 vụ việc, xử lý 4.042 vụ, thu nộp ngân sách nhà nước trên 177,9 tỷ đồng.
Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, 2022, Cục sẽ tăng cường công tác phối hợp, đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm. Không làm tràn lan, không chạy theo số vụ, nhưng quyết tâm không bỏ lọt các hành vi vi phạm, để bảo vệ thị trường |
Bước sang năm 2022, QLTT Hà Nội sẽ tiếp tục duy trì công tác kiểm tra định kỳ; tập trung kiểm tra các địa bàn trọng tâm, các mặt hàng trọng điểm như: bánh kẹo, rượu, bia, xăng dầu. Đặc biệt, Cục sẽ đề cao vai trò của người đứng đầu, gắn trách nhiệm quản lý địa bàn đối với từng cán bộ, công chức. Song song đó, lực lượng cũng tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng khác để đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm về hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ…
“Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, do vậy, thời gian tới, QLTT Hà Nội sẽ chú trọng kiểm tra, kiểm soát nhằm phát hiện các đối tượng lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng tăng giá bất hợp lý hàng hóa thiết yếu, các mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Đồng thời, chỉ đạo các Phòng, Đội Quản lý thị trường phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng Thành phố, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác kiểm soát dịch bệnh Covid-19”, báo cáo của Cục QLTT TP Hà Nội nêu rõ.
Tại Hội nghị, nhiều cán bộ, công chức QLTT Hà Nội có báo cáo tham luận về các lĩnh vực phụ trách như: thương mại điện tử; an toàn thực phẩm; chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại… Qua đó, đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp mới để công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đạt hiệu quả hơn nữa.
Quyết không bỏ lọt vi phạm để bảo vệ thị trường
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh ghi nhận, đánh giá cao những kết quả mà Cục QLTT Hà Nội đã đạt được trong năm qua.
“Năm 2021, lực lượng QLTT đã kiểm tra trên 4.000 vụ, xử lý 4.042 vụ bằng 96%. Kết quả này là rất cao, rất đáng biểu dương, đóng góp rất lớn vào thành công chung của toàn lực lượng”, Tổng cục trưởng nhấn mạnh.
Với những nhiệm vụ đặt ra trong năm 2022, Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh đề nghị, Cục QLTT Hà Nội cần quan tâm hơn nữa đến đạo đức công vụ, coi đây là nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất.
Bên cạnh đó, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng khác trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường để ngăn chặn hiệu quả những hành vi vi vi phạm. Ngoài ra, cần quan tâm, chăm lo tinh thần, sức khỏe của cán bộ QLTT ở tuyến đầu, nhất là hiện nay, dịch bệnh ngày cang diễn biến phức tạp, khó lường.
Đặc biệt, Tổng cục trưởng đề nghị, QLTT Hà Nội phải nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu, làm gương cho cán bộ, công chức QLTT, người lao động cấp dưới; kiên quyết làm trong sạch bộ máy, sẵn sàng loại khỏi bộ máy những cán bộ tha hóa, biến chất làm ảnh hưởng đến hình ảnh của lực lượng.
Mặt khác, Tổng cục trưởng cũng đề nghị lực lượng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, chú trọng vào những mặt hàng trọng điểm, những địa bàn trọng tâm, nổi cộm về kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; đặc biệt là trên môi trường mạng xã hội. Đồng thời, đẩy nhanh việc ứng dụng khoa học công nghệ vào quá trình kiểm tra, kiểm soát; bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho các kiểm soát viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh mới.
Tiếp thu những chỉ đạo từ Tổng cục trưởng, ông Chu Xuân Kiên - Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội cam kết, với trách nhiệm cao nhất, cán bộ, công chức, người lao động Cục QLTT Hà Nội sẽ nỗ lực hết mình, cố gắng ở mức cao nhất để đạt kết quả tốt nhất
“Năm 2022, Cục sẽ tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng chức năng như Công an, Hải quan, Biên phòng... để đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm. Không làm tràn lan, không chạy theo số vụ, nhưng quyết tâm không bỏ lọt các hành vi vi phạm, để bảo vệ thị trường, bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp”, Cục trưởng Chu Xuân Kiên nhấn mạnh.
Một số hình ảnh khác tại Hội nghị:
Phó Cục trưởng Nguyễn Minh Hùng chỉ ra những tồn tại, hạn chế của Cục QLTT Hà Nội trong năm qua |
Trong khuôn khổ Hội nghị, ông Trần Việt Hùng - Phó Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội phát động các phong trào thi đua đến toàn thể cán bộ, công chức, người lao động trong Cục |
Hình ảnh một số cán bộ, công chức QLTT Hà Nội tham luận tại Hội nghị |