Ngăn chặn hàng giả trên thương mại điện tử: Cần kiểm soát nguồn gốc hàng hóa
Vi phạm trên thương mại điện tử vẫn rất nóng
Theo thống kê của Bộ Công Thương, doanh thu thương mại điện tử (TMĐT) của Việt Nam trong năm 2021 đạt 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm ngoái. Hiện tại, Việt Nam đang nằm trong nhóm 3 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thị phần bán lẻ trực tuyến cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company đồng thời cũng ước tính, nền kinh tế số của Việt Nam có thể đạt 220 tỷ USD tổng giá trị hàng hóa vào năm 2030, chỉ đứng sau Indonesia và đến năm 2025, quy mô của TMĐT tại Việt Nam dự kiến đạt 39 tỷ USD.
Và nhờ mức tăng trưởng lên tới 53% của TMĐT, nền kinh tế số của Việt Nam trong năm 2021 đã vươn lên mốc 21 tỷ USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2020. Với quy mô khoảng 13 tỷ USD, ngành TMĐT của Việt Nam hiện nay đang xếp thứ tư trong khu vực.
Sự phát triển nhanh chóng của TMĐT đang gặp nhiều hạn chế khi tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng xuất hiện ngày một nhiều |
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của TMĐT đang gặp nhiều hạn chế khi tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng xuất hiện ngày một nhiều trên không gian mạng.
Thực tế, trong thời gian gần đây, lực lượng Quản lý thị trường cũng liên tục thu giữ hàng nghìn sản phẩm hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc được bán tràn lan trên nền tảng TMĐT.
Ngày 6/5, Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên đã bất ngờ kiểm tra địa điểm kinh doanh do ông Mai Quyết Thắng làm chủ, phát hiện và thu giữ 2.000 bộ quần áo trẻ em không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đáng lưu ý, địa điểm này thường xuyên đóng cửa để trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.
Theo tìm hiểu, cơ sở này chủ yếu kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, đặc biệt là shoppee. Tại cơ sở có 4 nhân viên thực hiện việc chốt đơn và đóng gói hàng hóa gửi cho khách hàng thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh. Trung bình mỗi sản phẩm có giá từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng.
Trước đó, vào cuối tháng 4, lực lượng QLTT đã phát hiện một điểm kinh doanh trên nền tảng facebook tại thị xã Sầm Sơn, Thanh hóa, sơ bộ đã tạm giữ gần 13.000 sản phẩm gồm nhiều chủng loại từ giày dép, quần áo, chăn ga gối đệm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… Hàng hóa thu giữ kiểm đếm vài ngày vẫn chưa hết. Được biết, có những ngày cơ sở chốt hàng nghìn đơn hàng với nhiều giá trị khác nhau. Từ vài chục nghìn đến hàng triệu đồng/đơn. Doanh số hàng tỷ đồng mỗi tháng.
Nhận định về các hành vi vi phạm trên thương mại điện tử, ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, mô hình thương mại điện tử không chỉ ở một nơi, mà đa quốc gia, lãnh thổ, lĩnh vực. “Như vụ thu giữ ở Thanh Hóa vừa qua, đối tượng sử dụng 2-3 địa điểm, nơi bán hàng riêng, nơi livestream riêng và kho lại ở một chỗ khác. Trong khi rất khó tiếp cận các địa điểm này vì đôi khi đối tượng ở khu vực quân sự có đơn vị chức năng bảo vệ, ra vào rất khó khăn. Hoặc đối tượng sử dụng nhà riêng là nơi tập kết hàng, muốn khám nhà ở là nơi cất giấu theo luật phải có quyết định của chủ tịch UBND cấp quận, huyện”, ông Lê phân tích và cho rằng, mô hình linh động như vậy gây ra khó khăn cho lực lượng QLTT và cơ quan chức năng nói chung. Do đó, công tác đấu tranh chống hàng lậu, hàng giả, xâm phạm bản quyền sẽ gặp nhiều khó khăn trên không gian mạng.
Phải kiểm soát được nguồn gốc hàng hóa
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho rằng, bên cạnh những mặt tích cực, internet và TMĐT cũng có những mặt trái, đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết, đặc biệt về tình trạng vi phạm pháp luật trên website, ứng dụng TMĐT, như kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng cấm… không thực hiện thủ tục thông báo, đăng ký website TMĐT, hoặc giả mạo logo đã đăng ký/thông báo với Bộ Công Thương…
Cụ thể, bà Huyền chỉ ra, thách thức hiện nay trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái trên các nền tảng TMĐT là thủ đoạn của các đối tượng vi phạm ngày càng phức tạp và tinh vi. Nhiều đối tượng không có kho hàng hay cửa hàng, phân tán hàng hóa nhiều nơi, khó xác định được kho hàng.
Bên cạnh đó, các website và các trang mạng xã hội dễ dàng được tạo ra và đóng lại trong thời gian nhanh chóng nên rất khó kiểm soát. Mặt khác, các nhà bán hàng trên sàn tìm mọi cách để lách qua các bộ lọc kỹ thuật của sàn, cố tình thay đổi tên sản phẩm khi đăng bán để tránh bị kiểm soát.
Trong khi, các sàn hiện vẫn chưa đầu tư đúng mức cho nhân sự, bộ phận kỹ thuật để kiểm duyệt sản phẩm. Ngoài ra, việc phối hợp giữa các đơn vị liên quan đến xử lý các hành vi vi phạm về hàng giả, hàng nhái trong TMĐT như: Công an, quản lý thị trường, hải quan, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ người tiêu dùng còn hạn chế.
Để ngăn chặn triệt để nạn hàng giả, hàng nhái trên TMĐT, cần kiểm soát được nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa... |
Một nguyên nhân nữa đó là nhận thức của người dân đôi khi còn hạn chế do chưa đủ thông tin để nhận biết hoặc người mua biết hàng giả vẫn mua vì giá rẻ, thích hàng nhái thương hiệu nổi tiếng. Đáng quan ngại hơn, là hiện tượng một số người nổi tiếng tiếp tay cho các đối tượng quảng bá những sản phẩm kém chất lượng trên các mạng xã hội theo hình thức livestream.
Dự báo trong 2-3 năm tới, tỷ lệ gian lận trên TMĐT sẽ chiếm từ 50 - 60% so với tổng thể các hình thức gian lận thương mại nói chung. Theo đó, để triệt tận gốc và xử lý nghiêm những trường hợp bán hàng kém chất lượng tràn lan trên các chợ online hiện nay, theo bà Huyền, phải kiểm soát được nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa; hàng hóa được làm giả ngay tại Việt Nam hay nhập khẩu…
"Để giải quyết hiệu quả và triệt để vấn đề, không chỉ riêng Bộ Công Thương mà cần sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan như: Công an, bộ đội biên phòng, hải quan, thông tin và truyền thông cùng các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành", bà Huyền nhấn mạnh.
Cục TMĐT và Kinh tế số đang phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường xây dựng "Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT giai đoạn 2021-2025" với nhiều nội dung và giải pháp đồng bộ, có sự vào cuộc của các đơn vị liên quan.