Ngành Công Thương ưu tiên các nhiệm vụ, giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp, người dân
Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2022 và Kế hoạch triển khai 6 tháng cuối năm 2022 của ngành Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên ghi nhận những kết quả đã đạt được, song Bộ trưởng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế mà toàn ngành cần khắc phục.
Điển hình như tiến độ và chất lượng, tham mưu chủ trương, chính sách, văn bản Quy phạm pháp luật, Thông tư hướng dẫn... chưa đạt kế hoạch, mục tiêu. Một số nhiệm vụ, giải pháp đã được đặt ra từ đầu năm nhưng chưa được triển khai, thực hiện có hiệu quả như: Tổng kết trong phạm vi Ngành, các mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế và công nghiệp hóa, hiện đại hóa; cơ chế, chính sách để phát triển công nghiệp nền tảng như chính sách về điện, chuyển đổi số trong các lĩnh vực công tác của ngành; triển khai các dự án đầu tư công...
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đặt ra các nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm cho toàn Ngành |
Chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, có cả yếu tố khách quan và chủ quan. Chủ quan là ở chỗ ý thức chấp hành kỷ cương, nguyên tắc làm việc trong một bộ phận cán bộ chưa nghiêm, nhất là vai trò, trách nhiệm nêu gương của một số lãnh đạo, người đứng đầu đơn vị, địa phương chưa tốt; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát... chưa phát huy vai trò, tác dụng (vốn có) trong chỉ đạo điều hành, xử lý trách nhiệm để nêu gương; sự phối kết hợp giữa các đơn vị trong Bộ, giữa Bộ với các Bộ, ngành, địa phương trong một số lĩnh vực, công việc chưa tốt.
Để phát huy thành tựu, khắc phục tồn tại, phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra của 2022, thay mặt Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đặt ra nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm:
Một là, bám sát diễn biến tình hình kinh tế, chính trị thế giới và khu vực; quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách, đối sách, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ để tham mưu chính sách, đối sách và tổ chức thực hiện quyết liệt, kịp thời, sáng tạo... nhằm đạt mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra theo tinh thần Nghị quyết 01,02 và chương trình công tác của Chính phủ và Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về chương trình phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Hai là, ưu tiên các nhiệm vụ giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân để ổn định phát triển sản xuất, phát triển thị trường, các giải pháp kìm chế lạm phát, ổn định cung cầu, giá cả... trong đó, cần chú ý:
Về sản xuất công nghiệp, theo dõi chặt chẽ các dự án, ngành hàng lớn và một số địa bàn trọng điểm để nắm bắt và xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh sản xuất, nhất là nguyên nhiên, vật liệu đầu vào; đa dạng hóa nguồn cung (chú ý khai thác nguồn trong nước và các thị trường mới).
Các đơn vị theo chức năng nhiệm vụ được phân công cần phối hợp với Bộ, ngành, địa phương như: tài chính, ngân hàng, lao động, kế hoạch, các địa phương là trọng điểm về công nghiệp, thương mại, để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các gói chính sách tài chính, tiền tệ, an sinh; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khác...
Ngoài ra, phối hợp tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công các công trình, dự án trọng điểm, sớm đưa vào khai thác sử dụng các công trình có vai trò quan trọng trong lĩnh vực giao thông, logistics, điện, dầu khí, công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, cơ khí, chế tạo... tạo giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp.
Phối hợp các tỉnh, thành phố xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển công nghiệp trên từng địa bàn để tích hợp kịp thời trong quy hoạch tỉnh, quy hoạch ngành quốc gia (phù hợp với tiềm năng, lợi thế mỗi địa phương) làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện trong những năm tới.
Về hoạt động ngoại thương, cần tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương về thông tin thị trường, định hướng sản xuất; xúc tiến xuất khẩu, ưu tiên số hóa các hoạt động xuất khẩu và xúc tiến xuất khẩu qua môi trường số. Xúc tiến thương mại nên kết hợp nhuần nhuyễn trực tiếp và trực tuyến; tiếp thị trên môi trường số. Đẩy nhanh thực hiện các giải pháp xuất khẩu chính ngạch. Khai thác tốt nhất các FTA mà Việt Nam đã ký.
Các đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với Bộ, ngành như: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và công nghệ, các địa phương để đàm phán phát triển thị trường, đa dạng sản phẩm xuất khẩu; truy suất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý...
Bên cạnh đó, thiết lập và duy trì chế độ giao ban hàng tháng, quý giữa các Vụ Thị trường trong nước với các đại diện thương mại, đầu tư của Việt Nam ở nước ngoài, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, địa phương... để kết nối cung cầu, định hướng sản xuất, phát triển thị trường tiêu thụ, kết nối đầu tư. Đồng thời, duy trì chuyên trang thông tin trên báo chính thống về hoạt động của Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.
Về thị trường trong nước, bám sát diễn biến cung - cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là xăng dầu, phân bón, vật tư chiến lược... để tham mưu cho Bộ, Chính phủ có chính sách, đối sách phù hợp. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về thị trường, bảo đảm mục tiêu kiểm soát tất cả đầu vào đầu ra; chống đầu cơ găm hàng trục lợi, hàng gian, hàng giả, kém chất lượng.
Ngoài ra, tham mưu với Chính phủ và phối hợp tốt với tất cả các địa phương trong các chương trình bình ổn thị trường, nhất là hàng thiết yếu, vật tư chiến lược nhằm ổn định cung - cầu, giá cả trên phạm vi cả nước.
Phối hợp với các địa phương trong xây dựng chiến lược về thương mại, nhất là hạ tầng thương mại (cả truyền thống và hiện đại) đánh giá tốt để tích hợp vào quy hoạch tỉnh.
Ba là, chú trọng, thiết lập, củng cố, duy trì kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo điều hành, ý thức chấp hành trong từng đơn vị và toàn Ngành, nhất là việc đề cao trách nhiệm trước pháp luật, lãnh đạo Bộ, nêu gương trước cán bộ công chức của đội ngũ cán bộ quản lý các cấp. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát (cả chuyên ngành và công vụ). Đồng thời kiên quyết xử lý sai phạm theo đúng pháp luật, nguyên tắc, điều lệ Đảng, quy chế, quy định cơ quan, phù hợp tình hình, nhiệm vụ.
Chấn chỉnh mạnh mẽ kỷ luật phát ngôn; tác phong, lề lối lĩnh vực của cán bộ; giữ môi trường làm việc trong lành, hấp dẫn. Tập trung cao cho việc giải quyết các vấn đề nội bộ; kiên quyết không để bức xúc, mất đoàn kết kéo dài trong từng đơn vị.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thừa ủy quyền của Chủ tịch nước lên trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì và hạng Ba cho các cá nhân được tặng thưởng |
Bốn là, làm tốt công tác truyền thông, nhất là việc tuyên truyền những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; những nhiệm vụ, giải pháp, nỗ lực và kết quả của Ngành và từng đơn vị đạt được một cách khách quan, trung thực, mang tính xây dựng. Chú trọng phối hợp, sử dụng tốt các chuyên gia, cộng tác viên của ngành và từng đơn vị trong tham mưu chính sách, giải pháp; xử lý sự cố truyền thông nếu có.
Năm là, Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, các Tập đoàn tăng cường phối hợp công tác với Bộ - nhất là việc phối hợp cung cấp thông tin, hợp tác trong thực thi nhiệm vụ, giải pháp theo quy định của pháp luật, điều hành của Chính phủ, Bộ Công Thương; trong quản lý nhà nước trên địa bàn về các lĩnh vực công nghiệp thương mại, xuất nhập khẩu là mộ trong những vấn đề quan trọng, nhạy cảm (quản lý sản xuất, kinh doanh); quản lý, giáo dục cán bộ, nhất là cán bộ trong lực lượng Quản lý thị trường địa phương.
Sáu là, các Viện, Trường, Doanh nghiệp, Tổng công ty bám sát chỉ đạo của Bộ về các nhiệm vụ, giải pháp được nêu để chủ động có kế hoạch, giải pháp phối hợp thực hiện. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất chủ trương, chính sách nhiệm vụ, giải pháp trong phát triển kinh tế xã hội nói chung và của Ngành nói riêng.
Các Trường cần chú trọng việc đổi mới công tác đào tạo theo những module kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, đặc biệt là thí điểm Đề án đào tạo nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp có tính chất nền tảng như công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử... Đây là một trong những trọng tâm mà ngành Công Thương được Đảng và Chính phủ giao phó.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ lên trao Bằng khen cho tập thể và các cá nhân được khen thưởng |
Trong khuôn khổ Hội nghị đã diễn ra Lễ công bố Quyết định, trao tặng và đón nhận Huân chương lao động của Chủ tịch nước và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ dành cho các Tập thể và cá nhân thuộc Bộ Công Thương có thành tích xuất sắc trong năm 2021 và thời gian qua.