Nhiều kiến nghị thúc đẩy ngành Công Thương địa phương phát triển
Phát biểu khai mạc Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2022 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 của ngành Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định, 6 tháng đầu năm diễn ra nhiều sự kiện, yếu tố ảnh hưởng đến tình hình kinh tế của thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng. Cụ thể, đại dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát với những chủng mới trên phạm vi toàn cầu; thêm vào đó là xung đột địa chính trị, đặc biệt là cuộc chiến giữa Nga và Ukraina... Những yếu tố bất ổn này đã dấn đến dấu hiệu khủng hoảng kinh tế toàn cầu do đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng, nhất là các vật tư chiến lược như: xăng dầu, phân bón và các nguyên, nhiên vật liệu khác.
Ở trong nước, bên cạnh những yếu tố ảnh hưởng kể trên thì chính sách Zero Covid của nước bạn cũng ảnh hưởng nhất định đến nguồn cung về nguyên liệu cho các ngành sản xuất. Đồng thời ảnh hưởng đến đầu ra cho các sản phẩm, nhất là sản phẩm nông sản.
Trước bối cảnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, dưới sự lãnh đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, sự nỗ lực của cả hệ thống các doanh nghiệp và người dân, 6 tháng đầu năm Việt Nam đã đạt được những kết quả rất nổi bật về kinh tế xã hội, chính trị ổn định, dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát, các chỉ tiêu về kinh tế xã hội đều đạt và vượt mức kế hoạch đề ra.
“Vai trò và vị thế của đất nước ngày càng được khẳng định và nâng cao. Trong thành tích chung có sự đóng góp rất quan trọng và tích cực của ngành Công Thương”, Bộ trưởng nhấn mạnh, song vẫn cho rằng, kết quả này là rất cao so với kế hoạch nhưng nếu so với thời điểm trước khi đại dịch bùng phát thì chỉ ở mức trung bình.
Do vậy, tại Hội nghị này, người đứng đầu ngành Công Thương đề nghị, bên cạnh công tác đánh giá tình hình, kết quả đạt được, rút ra những nguyên nhân, bài học trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, các đơn vị phải cùng nhau dự báo tình hình, đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp đủ mạnh và khả thi để triển khai thực hiện trong 6 tháng cuối năm.
Chỉ tiêu kinh tế tại các địa phương phục hồi mạnh mẽ
Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền giám đốc Sở Công Thương Hà Nội chia sẻ, 6 tháng đầu năm, các hoạt động sản xuất kinh doanh, các chỉ tiêu kinh tế trên địa bàn thành phố phục hồi mạnh mẽ. Cụ thể, tổng sản phẩm (GRDP) của thành phố tăng 7,79% gấp 1,29 lần mức tăng cùng kỳ của năm 2021 và 1,08 lần so với mức tăng của năm 2019 - thời điểm chưa có dịch Covid-19 bùng phát.
Cùng với đó, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 8,32% tỷ USD, tăng 17,1%, gấp 4 lần mức tăng so với cùng kỳ 2021 và hơn 3 lần so với mức tăng của năm 2019. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 336,01 tỷ đồng, tăng 16,5%. Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng 6,6%, thấp hơn mức tăng cùng kỳ của năm 2021. Tuy nhiên, mức tăng này đã thể hiện xu hướng phục hồi tích cực, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp thành phố trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Tương tự, ông Lê Quang Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cũng cho biết, 6 tháng đầu năm, lĩnh vực Công Thương đóng góp lớn cho kinh tế địa phương. Cụ thể, GRDP tăng 7,08% so với 6 tháng đầu năm 2021, trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,25%, đóng góp 0,37 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng chung của tỉnh.
Đáng chú ý, đóng vai trò là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh, một số chỉ tiêu lĩnh vực công nghiệp, thương mại đã có sự tăng trưởng tích cực, đặc biệt là trong Quý II/2022 khi tình hình dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp ước đạt 389,1 tỷ đồng, tăng trên 9% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 24.208 tỷ đồng, tăng 13,2% so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu đạt 17,2 tỷ USD, tăng 32,3% so với cùng kỳ; cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu 710 triệu USD.
“Những con số trên đã góp phần làm tích cực cho cán cân thanh toán, ổn định tỷ giá và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế...”, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên nhận định.
Ông Lưu Anh Khôi - Giám đốc Sở Công Thương Đắk Lắk cũng cho rằng, 6 tháng đầu năm, khi dịch bệnh được kiểm soát, ngành Công Thương tỉnh đã có những bước phục hồi mạnh mẽ. Chỉ số sản xuất công nghiệp cộng dồn ước tăng 20,75% so với cùng kỳ 2021; tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ ước thực hiện 51.955 tỷ đồng, tăng 16,6% so với cùng kỳ 2021; kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh ước đạt 170 triệu USD, đạt 178% kế hoạch năm.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại 6 tháng đầu năm của tỉnh khởi sắc, thúc đẩy kinh tế tỉnh tăng trưởng |
Phát biểu trực tiếp từ điểm cầu Quảng Ngãi, ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho hay, thời gian qua, ngành Công Thương tỉnh đã tập trung thực hiện kịp thời, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về phục hồi, phát triển kinh tế của Quốc hội, Chính phủ, của Tỉnh đề ra; nhờ đó, tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại 6 tháng đầu năm khởi sắc, thúc đẩy kinh tế tỉnh tăng trưởng.
Cụ thể, GRDP đạt 27.343 tỷ đồng, tăng 6,34% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, giá trị tăng thêm công nghiệp ước đạt 8.541,16 tỷ đồng, tăng 6,23%; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 57.458 tỷ đồng, tăng 6,03%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,03%, riêng công nghiệp chế biến chế tạo tăng 5,89%.
Giá trị tăng thêm ngành dịch vụ đạt 7.726,83 tỷ đồng, tăng 4,16%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 31.670 tỷ đồng, bằng 57% kế hoạch năm và tăng 11,6%; kim ngạch xuất khẩu đạt 1.097 triệu USD, bằng 60% kế hoạch năm và tăng 25%; kim ngạch nhập khẩu đạt 1.728 triệu USD, tăng 30,4%.
“Những con số này cho thấy, kinh tế tỉnh Quảng Ngãi nói chung, ngành công nghiệp, thương mại nói riêng đã phục hồi và phát triển, đặc biệt ngành công nghiệp phục hồi nhanh và là ngành giữ được vai trò động lực chính, thúc đẩy tăng trưởng của tỉnh trong 06 tháng đầu năm 2022”, ông Trần Phước Hiền đánh giá và cho rằng, song song đó, ngành Công Thương tỉnh cũng thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ sản xuất kinh doanh, các chính sách miễn, giảm thuế, lệ phí.
Nhiều kiến nghị để thúc đẩy kinh tế các địa phương phát triển
Cũng theo lãnh đạo các tỉnh, thành phố, dù đạt được nhiều kết quả khả quan trong 6 tháng đầu năm, nhưng nửa cuối năm 2022 là thời điểm tập trung hoàn thành những chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra trong bối cảnh đại dịch tiếp tục diễn biến phức tạp; kinh tế chính trị trên thế giới còn nhiều bất ổn... do vậy, các tỉnh, thành phố sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm duy trì thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế xã hội.
Cụ thể, bà Trần Thị Phương Lan cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của thành phố Hà Nội và ngành Công Thương Thủ đô trong 6 tháng cuối năm là phấn đấu cơ bản hoàn thành trước ngày 31/12/2022 nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Do đó, Hà Nội đề nghị Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan sớm trình phê duyệt các Quy hoạch, Chiến lược, Đề án phát triển ngành, lĩnh vực Công Thương làm cơ sở cho ngành Công Thương thành phố Hà Nội nói riêng và các tỉnh, thành phố nói chung làm xác định định hướng, giải pháp phát triển ngành, lĩnh vực đảm bảo phù hợp với định hướng chung, đảm bảo tính liên kết vùng, liên vùng.
“Hà Nội đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan tham mưu với Chính phủ có các giải pháp pháp nhằm ổn định nguồn cung, ổn định giá xăng dầu và các mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ sản xuất nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp”, bà Trần Thị Phương Lan đề xuất.
Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương tiếp tục quan tâm, giúp đỡ tỉnh triển khai các dự án đầu tư trọng điểm của tỉnh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh và vùng Trung du miền núi phía Bắc |
Trong khi đó, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương tiếp tục quan tâm, giúp đỡ tỉnh triển khai các dự án đầu tư trọng điểm, các dự án hạ tầng Khu, cụm Công nghiệp, các tuyến đường giao thông liên kết vùng... nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Thái Nguyên và các vùng Trung du miền núi phía Bắc.
Đáng chú ý, với diện tích, sản lượng nông sẩn lớn, do vậy, tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các hệ thống phân phối, trung tâm thương mại… có kế hoạch tiêu thụ nông sản cho Đắk Lắk nói riêng và nhiều tỉnh, thành phố khác nói chung. Ngoài ra, hiện nay, đa số các mặt hàng, trái cây, nông sản của Đắk Lắk được xuất khẩu sang Trung Quốc, vì vậy, tỉnh đề xuất Bộ Công Thương thường xuyên có thông tin biên mậu, tình hình Trung Quốc để các địa phương hỗ trợ cho các doanh nghiệp và người dân tiêu thụ các mặt hàng nông sản, tránh sự ùn tắc qua các cửa khẩu.