Tăng xuất khẩu gỗ vào Canada, cơ hội mở rộng thị trường Bắc Mỹ
Tại Phiên tư vấn xuất khẩu đồ gỗ và trang trí nội thất sang thị trường Canada mới đây, TS. Trần Thu Quỳnh- Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Canada cho biết, nhu cầu nhập khẩu đồ gỗ và trang trí nội thất của Canada cũng khá lớn.
Giai đoạn 2014-2021, Canada nhập khẩu trung bình khoảng 550 triệu USD/tháng, khoảng 7 tỷ USD/năm. Cao điểm nhập khẩu thường là các tháng cuối năm và thấp nhất vào các tháng 1-2-7.
Năm 2021, mặc dù xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Canada bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng kết quả đạt được trong cho thấy gỗ và sản phẩm gỗ, đặc biệt là các mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ tại Canada.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2021, xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam sang Canada đạt 416,4 triệu USD, tăng 27,4%, chiếm 16,7% tổng trị giá nhập khẩu của Canada. Trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Canada đạt 111,1 triệu USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Sản phẩm đồ gỗ và trang trí nội thất Việt Nam còn có nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu vào Canada, thậm chí thông qua “cửa ngõ” này để thâm nhập sâu vào thị trường Bắc Mỹ |
Mặc dù đồ gỗ nội thất của Việt Nam có lợi thế về giá và chất lượng nhưng hiện mới chiếm gần 4% thị phần nhập khẩu của Canada. Trong khi đó, tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực này của hai bên còn rất lớn, trong đó, Hiệp định CPTPP chính là "lực đẩy" giúp mặt hàng này có thể tiến sâu vào thị trường Canada. Bởi đồ gỗ được xóa bỏ thuế ngay khi CPTPP có hiệu lực với tất cả dòng thuế. Kể từ khi CPTPP có hiệu lực, tăng trưởng xuất khẩu gốm sứ và thủ công mỹ nghệ của Việt Nam vào Canada đã tăng trung bình 30%/năm.
Ngoài ra, Canada có nguồn nguyên liệu gỗ và là 1 một trong những nước xuất khẩu gỗ nguyên liệu lớn trên thế giới, trong khi Việt Nam có nhu cầu cao nhập khẩu gỗ nguyên liệu để chế biến xuất khẩu. Ngược lại, đồ gỗ nội thất là 1 trong 10 nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất của Canada và cũng là 1 trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Đây chính là những cơ hội để đồ gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam có thể tiến sâu vào thị trường này.
Mặc dù Việt Nam và Canada cùng là thành viên của CPTPP được miễn thuế xuất nhập khẩu, tuy nhiên theo ông Denis Charest - phụ trách thiết kế, marketing và kinh doanh đồ gỗ nội thất (công ty DM - 2 Inc tại Canada) - lưu ý, doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý tới các loại chi phí và phòng vệ thương mại.
Thực tế, cuối tháng 12/2020 khi có ý kiến phản đối của doanh nghiệp sản xuất Canada, Chính phủ Canada đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá với sản phẩm ghế bọc nệm xuất xứ từ Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ có 8 trong tổng số hàng trăm doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam tham gia trả lời bảng câu hỏi điều tra. Kết quả, 8 doanh nghiệp này chỉ bị áp mức thuế 3,7%, trong khi các doanh nghiệp khác chịu mức thuế 179% và phải nhường thị trường cho đối thủ do không thể cạnh tranh. TS. Trần Thu Quỳnh cho rằng, đây là bài học lớn và khuyến nghị doanh nghiệp ngành gỗ cần hợp tác với Cục phòng vệ thương mại và hợp tác trong quá trình điều tra của nước sở tại.
Ngoài ra, để đồ gỗ và trang trí nội thất của Việt Nam có thể tiến sâu hơn vào thị trường Canada, TS. Trần Thu Quỳnh gợi ý, Canada sở hữu nhiều nhãn hàng nội thất cao cấp, doanh nghiệp có thể phối hợp để cùng hợp tác sản xuất kinh doanh dưới dạng OEM (sản xuất theo đơn hàng). Bên cạnh đó, doanh nghiệp trong nước còn có thể phối hợp đào tạo nhân lực, nhất là việc kết hợp nhiều loại nguyên liệu trong sản phẩm gỗ, học tập kinh nghiệm xử lý gỗ và nước sơn, tự động hoá trong sản xuất, tận dụng hệ thống bán hàng của đối tác Canada để đưa hàng hoá vào thị trường Mỹ.
“Chính phủ Canada đang hỗ trợ mạnh mẽ cho doanh nghiệp phát triển chuỗi cung ứng, rất nhiều sản phẩm phụ trợ cho ngành gỗ Canada bị thiếu nguồn cung và doanh nghiệp trong nước có khả năng tham gia vào", bà Trần Thu Quỳnh chia sẻ.
Hiện nay, tại các chuỗi siêu thị lớn như: COSTCO, IKEA, LEON’S… có thể dễ dàng bắt gặp các sản phẩm nội thất sản xuất từ Việt Nam. Khai thác tốt thị trường Canada, sản phẩm gỗ và đồ trang trí nội thất của Việt Nam còn có cơ hội đẩy mạnh sang các thị trường khác trong khu vực Bắc Mỹ, bởi Canada được xem là một cửa ngõ để đi vào khu vực Bắc Mỹ.