Giá xăng sẽ cán mốc 30.000 đồng/lít?
Giá dầu thế giới ít ngày qua tiếp tục tăng mạnh xuất phát từ những căng thẳng Nga - Ukraine. Trong phiên giao dịch sáng 7/3, giá dầu Brent có thời điểm tăng lên tới 139,13 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 7/2008 và tăng khoảng 60% kể từ đầu năm 2022 tới nay.
Dữ liệu giá xăng dầu thành phẩm tại thị trường Singapore được Bộ Công Thương cập nhật đến ngày 3/3 cho thấy, giá xăng ở mức 130-133 USD/thùng, dầu diesel được giao dịch quanh mức 136,58 USD/thùng, tăng trên 10% so với kỳ điều hành ngày 1/3.
Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối ở TP. Hồ Chí Minh cho biết ngay sau ngày điều chỉnh giá 1/3, giá dầu bắt đầu biến động mạnh. Giá xăng nhập khẩu đã bao gồm chi phí vận chuyển đến ngày 7/3 ở mức 145,88 USD/thùng đối với xăng RON 95 và 142,01 đối với xăng E5 RON 92.
Với mức giá này, dự đoán giá bán xăng trong nước sẽ tăng khoảng 2.100-2.400 đồng/lít, tức sẽ tiến sát mốc 30.000 đồng/lít. Từ nay đến ngày 11/3, nếu giá dầu thô tiếp tục tăng thì giá xăng trong nước sẽ không dừng ở mức tăng 2.100-2.400 đồng/lít.
Giá xăng có thể tăng lần thứ 7 liên tiếp trong kỳ điều điều chỉnh ngày 11/3 tới. Và đây được dự đoán là kỳ điều chỉnh mạnh |
Ông Bùi Xuân Vũ - Phó Tổng giám đốc Công ty Nhiên liệu Sài Gòn (SFC) cũng thừa nhận giá dầu thô thế giới đang tăng chóng mặt, trung bình giá tăng 10 USD/thùng trong khi đó cơ quan điều hành vẫn điều chỉnh theo chu kỳ 10 ngày/lần.
"Chính vì vậy, kỳ điều hành giá tiếp theo vào ngày 11/3, giá xăng sẽ tăng rất mạnh, ở mức hơn 2.000 đồng/lít, còn dầu hơn 1.000 đồng/lít", ông nói.
Trước đó trong kỳ điều chỉnh hôm 1/3, nhà điều hành đã tăng giá xăng E5RON92 tăng 545 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 547 đồng/lít; dầu diesel 0.05S tăng 509 đồng/lít; dầu hỏa tăng 469 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S tăng 536 đồng/kg.
Cũng tại Họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 4/3, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện công tác điều hành giá xăng dầu đang được thực hiện theo đúng quy định. Trước đây, theo Nghị định 83, giá xăng dầu được điều chỉnh 15 ngày/1 lần và hiện nay thực hiện 3 lần/tháng (10 ngày một lần) theo Nghị định 95 của Chính phủ (có hiệu lực từ 2/1/2022).
Đặc biệt trong Nghị định 95 có quy định, trường hợp giá xăng dầu có biến động bất thường, ảnh hướng đến phát triển kinh tế xã hội và đời sống của người dân thì liên Bộ Công Thương, Tài Chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định có điều chỉnh hay không và điều chỉnh ở mức độ nào?.
“Do tình hình biến động của mặt hàng xăng dầu trên thế giới, Bộ Công Thương đã có chỉ đạo, 2 ngày một lần, Tổ điều hành xăng dầu liên Bộ Công Thương - Tài Chính rà soát về tình hình biến động của giá xăng dầu, để nếu cần thiết sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét việc có điều chỉnh giá xăng dầu sớm hơn so với quy định tại Nghị định 95 hay không”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin.
Để hỗ trợ, đồng hành, chia sẻ cùng doanh nghiệp trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng vọt, Bộ Công Thương đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện về thủ tục và tăng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu để kịp thời nhập khẩu xăng dầu theo hạn mức được Bộ Công Thương phân giao bổ sung; Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan tạo điều kiện về thủ tục nhập khẩu đối với các doanh nghiệp kinh doanh đầu mối nhập khẩu theo hạn mức đã được Bộ Công Thương phân giao…
Chia sẻ cùng doanh nghiệp trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng vọt, Bộ Công Thương đã kiến nghị nhiều Bộ ngành, cơ quan liên quan tạo điều kiện thuận lợi tối đa, hỗ trợ doanh nghiệp |
Để kìm giá xăng dầu, nhiều doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế kiến nghị Bộ Tài chính nên cân nhắc trình thêm phương án với mức giảm mạnh hơn hoặc xem xét giảm thêm thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt.
Theo ông Bùi Xuân Vũ, hiện nay Bộ Tài chính kiến nghị giảm 1.000 đồng/lít đối với xăng nhưng giá dầu thế giới đang tăng rất cao. "Xăng trong nước dự báo tăng hơn 2.000 đồng/lít nhưng chỉ giảm 1.000 đồng/lít thì 'không thấm vào đâu'", ông nhìn nhận.
Trong góp ý gửi Bộ Tài chính về mức dự kiến giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, Liên đoàn Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng mức giảm 500 đồng/lít dầu, 1.000 đồng/lít xăng là thấp, cần giảm mạnh hơn.
Một số chuyên gia cũng cho rằng mức giảm thuế bảo vệ môi trường 1.000 đồng/lít sẽ không tác động quá nhiều tới việc giảm CPI và khó đạt được mục tiêu kìm chế lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng, giảm khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.