Nâng tầm sản phẩm địa phương trên thương mại điện tử
Kết nối cung - cầu hàng hóa giữa Bình Định và các tỉnh thành
Chia sẻ tại Hội nghị, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, tỉnh Bình Định hiện có 133 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP với chất lượng mẫu mã đẹp đủ điều kiện tiêu thụ vào các kênh bán lẻ hiện đại. Tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức lưu chuyển hàng hoá và doanh thu dịch vụ xã hội giai đoạn 2016 - 2021 (đạt 405.642 tỷ đồng) là 9,6%. Có thể thấy rằng, đây là niềm tự hào cũng như nỗ lực đáng ghi nhận của đất võ Bình Định.
Có thể nói, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã triển khai 13 năm qua có sự lan toả to lớn. Với tiềm năng đó của mình, trong thời gian tới tỉnh Bình Định cùng các doanh nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa trong công tác hỗ trợ hàng Việt thông qua các Chương trình, đề án đang được triển khai hiệu quả trong khuôn khổ triển khai Cuộc vận động để hỗ trợ hàng Việt, doanh nghiệp Việt.
Hội nghị “Kết nối cung cầu hàng Việt Nam cho các doanh nghiệp tại địa phương năm 2022” |
Bà Lê Việt Nga nhấn mạnh: “Các doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, nâng cao sức cạnh tranh thông qua việc xây dựng kế hoạch dài hạn, bài bản, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh thông qua ứng dụng khoa học và công nghệ, học tập, áp dụng các mô hình thành công đã có để có sự chuẩn bị tốt nhất khi phải đối mặt với áp lực cạnh tranh.
Bên cạnh đó, chủ động hợp tác, liên kết để nâng cao sức mạnh, tạo chuỗi cung ứng thông qua thúc đẩy liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân, hộ sản xuất, từ đó hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất, canh tác, chế biến và phân phối tới người tiêu dùng, nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm, đặc biệt là việc ứng dụng thương mại điện tử vào phân phối lưu thông là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.”
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết “Hiện nay, Bình Định là một trong những tỉnh có nền văn hóa, du lịch phong phú cùng với nhiều sản phẩm nông đặc sản nổi bật của địa phương được người tiêu dùng cả nước quan tâm. Với điều kiện tự nhiên đất đai, khí hậu thích hợp để phát triển, các giống cây trồng như lúa, mai vàng, dừa và nhiều loại rau sạch an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP hay các sản phẩm khác của làng nghề Bàu Đá, Mỹ An, … là những sản phẩm có chất lượng tốt, có tiềm năng phủ sóng tại các tỉnh thành khác trên cả hai kênh phân phối truyền thống và hiện đại.”
Theo Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử 2021 (nguồn: VECOM và Cục TMĐT & KTS), chỉ số thương mại điện tử của tỉnh Bình Định hiện đứng thứ 21/63 tỉnh, thành cả nước. Với những lợi thế hiện có, có thể thấy thương mại điện tử của tỉnh Bình Định có cơ sở vững chắc để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, mở rộng kênh phân phối mới, nâng cao giá trị các sản phẩm của tỉnh.
Những kết quả mà tỉnh đạt được cho thấy sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, kịp thời của chính quyền từ tỉnh đến cơ sở trong việc hướng dẫn, triển khai chương trình và sự hưởng ứng mạnh mẽ của tỉnh, đặc biệt là các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, tạo ra những chuyển biến mới góp phần thúc đẩy mục tiêu chuyển đổi số đối với các sản phẩm địa phương và sản phẩm OCOP của tỉnh.
Vừa qua, tỉnh Bình Định đã rất quyết liệt triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ tiêu thụ cho sản phẩm nông sản của địa phương. Tuy nhiên để tháo gỡ các khó khăn, thúc đẩy tiêu thụ nông sản có hiệu quả hơn, tại Hội nghị này, ông Nguyễn Tự Công Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định mong muốn các Bộ, ngành tiếp tục tăng cường hỗ trợ tỉnh đẩy mạnh cung cầu hàng hóa giữa tỉnh Bình Định và các tỉnh, thành khác.
Ông Hoàng đề xuất, thời gian tới, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tiếp tục phối hợp, hỗ trợ đẩy mạnh phân phối sản phẩm nông sản của Bình Định qua “Gian hàng Việt trực tuyến” trên Sàn thương mại điện tử để đưa sản phẩm nông sản hướng tới một kênh phân phối mới, hiện đại và bền vững trên nền tảng số, kết nối bán hàng trực tuyến với các kênh bán hàng trong và ngoài nước.
Song song đó, tiếp tục hỗ trợ xây dựng và quảng bá thương hiệu nông sản; tăng cường công tác xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, mở rộng thị trường trong nước cũng như nước ngoài. Ứng dụng thương mại điện tử để đẩy mạnh xuất khẩu các ngành hàng chủ lực, đồng thời mở rộng tiêu thụ hàng hóa tại thị trường nội địa và thúc đẩy phát triển thương mại điện tử tại địa phương.
Nâng tầm sản phẩm địa phương trên thương mại điện tử
Trong khuôn khổ Hội nghị, với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, cơ sở, hộ nông dân sản xuất nông nghiệp với sự phối hợp tổ chức và kết nối của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã diễn ra Lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa Sở Công Thương Bình Định với 5 sàn thương mại điện tử lớn (Sàn Alibaba, Sàn TMĐT Lazada, Sàn TMĐT Shoppe, Sàn TMĐT Voso, Sàn TMĐT Postmart) về việc hợp tác, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên các sàn thương mại điện tử, thúc đẩy tiêu thụ nhanh, giảm thiểu tình trạng ùn ứ nông sản khi cao điểm thu hoạch, giúp người dân giữ giá nông sản cũng như mở rộng thị trường cả nước, hướng tới xuất khẩu qua thương mại điện tử.
Lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa Sở Công Thương Bình Định với 5 sàn thương mại điện tử lớn về việc hợp tác, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên thương mại điện tử |
Bà Vũ Thị Minh Tú, Giám đốc đối ngoại sàn thương mại điện tử Lazada chia sẻ “Chúng tôi tin tưởng rằng khi tham gia vào kinh doanh trên thương mại điện tử, các doanh nghiệp, các HTX, các hộ gia đình, nông dân của tỉnh Bình Định có thể tiếp cận tập khách hàng rộng lớn hơn một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn, nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng giá trị sản phẩm, đẩy mạnh việc phân phối các mặt hàng đặc sản của tỉnh Bình Định và các tỉnh miền Trung trên môi trường trực tuyến”.
Thời gian qua, sự hợp tác của các Sàn thương mại điện tử lớn các doanh nghiệp logistic với các cơ quan Trung ương và chính quyền địa phương đã hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp, hợp tác xã tỉnh Bình Định nói riêng và doanh nghiệp cả nước nói chung tiếp cận với nền tảng thương mại điện tử một cách bài bản, ứng dụng các giải pháp số nâng cao hiệu quả kinh doanh, thúc đẩy phân phối sản phẩm trên môi trường trực tuyến uy tín. Đồng thời các doanh nghiệp có thêm cơ hội khai thác tốt các chính sách hỗ trợ của Bộ Công Thương, của các sàn thương mại điện tử, các doanh nghiệp logistics, tổ chức tài chính hay giải pháp số, truy xuất nguồn gốc sản phẩm …
Trong khuôn khổ Hội nghị Kết nối cung - cầu hàng Việt năm 2022 tại Bình Định lần này, tiếp theo chuỗi sự kiện, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cũng phối hợp với Sở Công Thương Bình Định tổ chức Hội nghị tập huấn và kết nối thương mại điện tử với doanh nghiệp Bình Định và các tỉnh miền Trung năm 2022 vào sáng ngày 25/06/2022 với sự tham gia của các Sàn thương mại điện tử lớn như Voso, Postmart, Lazada, Shopee … với các hoạt động đào tạo kỹ năng thương mại điện tử, tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã … đẩy mạnh hoạt động ứng dụng thương mại điện tử, ứng dụng các giải pháp số, tài chính số để phát triển sản xuất, kinh doanh theo các mô hình hiện đại.
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, đại diện Lãnh đạo Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh, Sở Công Thương tỉnh Lào Cai và đại diện doanh nghiệp các tỉnh, thành, địa phương đã phát biểu giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, doanh nghiệp và mong muốn các sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp, của địa phương sẽ sớm có chỗ đứng trong hệ thống các siêu thị, các chuỗi cung ứng lớn trên toàn quốc, đồng thời các doanh nghiệp cũng sẽ xem xét tiến hành hợp tác với các cơ sở sản xuất, hợp tác xã, nhà phân phối trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sẽ tập trung nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm của địa phương và chủ động phát triển kỹ năng trong kinh doanh, phân phối sản phẩm và ứng dụng công nghệ số trong quản trị doanh nghiệp. Các nhà phân phối lớn như Central Retail, Saigon COOP, Chợ đầu mối Bình Điền... cũng chia sẻ kinh nghiệm phát triển thị trường và nhu cầu hợp tác tiêu thụ sản phẩm vùng miền thời gian vừa qua.