Thương mại Việt Nam - Vương quốc Anh đạt 6,6 tỷ USD sau 1 năm thực thi UKVFTA
Chiều 15/3/2022, Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan đầu mối thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) tổ chức hội thảo "Năm đầu tiên thực thi UKVFTA: Thành tựu nổi bật và định hướng sắp tới".
Hiệp định UKVFTA được ký chính thức tại London, Vương quốc Anh (UK) ngày 29/12/2020, được áp dụng tạm thời từ ngày 01/01/2021 và đã chính thức có hiệu lực từ ngày 01/5/2021.
Theo đó, 65% thuế quan đã được xóa bỏ đối với thương mại Việt Nam - Anh. Trong 6 năm đầu tiên sau khi UKVFTA có hiệu lực, Vương quốc Anh sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 99,2% số dòng thuế liên quan đến hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam.
Việt Nam cam kết xóa bỏ 48,5% thuế quan, phù hợp với các nước EU khác trong khuôn khổ EVFTA. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, mức thuế suất không ưu đãi trên thực tế có thể thấp hơn do có những thay đổi trong biểu thuế Tối huệ quốc của Vương quốc Anh sau khi rời Liên minh châu Âu (EU).
Những ưu đãi nổi bật khác từ UKVFTA có thể kể đến như: Trong ngành thủy sản, ngay khi hiệp định có hiệu lực, thuế nhập khẩu hầu hết các loại tôm nguyên liệu vào Anh sẽ giảm từ 10 - 20% xuống 0%; trong ngành gỗ: Nhiều mặt hàng gỗ sẽ có thuế suất 0% trong vòng 5 năm tới; đối với trái cây: 94% trong tổng số 547 dòng thuế được xóa bỏ…
UKVFTA đã duy trì các cam kết giữa EU và Việt Nam về tự do hóa thị trường mua sắm công và đảm bảo khả năng tiếp cận thị trường có hiệu lực; và Việt Nam đã cam kết loại bỏ Kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) áp dụng cho các cơ sở bán lẻ thứ cấp và các cơ sở bán lẻ tiếp theo, trong vòng 5 năm sau khi có hiệu lực.
Nhiều điểm sáng sau một năm hợp tác
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhận định, các cam kết trong hiệp định được kỳ vọng Việt Nam đẩy nhanh quá trình cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư thương mại theo hướng hiện đại, minh bạch, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp.
Đặc biệt với những cam kết sâu về mở cửa thị trường, hàng hóa, dịch vụ thì hiệp định này được mong đợi sẽ là đòn bẩy mạnh mẽ trong thúc đẩy trao đổi thương mại và đầu tư song phương.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhận định, UKVFTA thực sự là con đường cao tốc hai chiều giúp thúc đẩy quan hệ 2 bên theo hướng ngày càng cân bằng hơn |
Nhận định thành công sau một năm thực thi hiệp định, Thứ trưởng Khánh cho rằng, năm 2021 là năm “vạn sự khởi đầu nan” cho UKVFTA. Thời điểm hiệp định chính thức có hiệu lực cũng cũng là lúc cả hai bên phải đối mặt với diễn biến phức tạp của Covid-19.
Số ca nhiễm tăng cao ở cả hai nước đã gây ra những hệ lụy không tránh khỏi về nguồn nhân lực, những gián đoạn không nhỏ đến chuỗi cung ứng xuất nhập khẩu cũng như các hoạt động kinh tế, thương mại khác.
Dù khởi đầu trong bối cảnh khó khăn như vậy, song trao đổi thương mại 2 chiều vẫn tăng trưởng hơn 17% so với năm 2020, đạt 6,6 tỷ USD. Mức tăng trưởng này đã giúp kim ngạch thương mại song phương quay lại mức năm 2019 (trước khi xảy ra đại dịch). Trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Vương quốc Anh tăng hơn 16%, còn Anh xuất sang Việt Nam tăng 24%.
“Số liệu này cho thấy, hiệp định UKVFTA thực sự là con đường cao tốc hai chiều giúp thúc đẩy quan hệ 2 bên theo hướng ngày càng cân bằng hơn”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, trong năm 2021 đã có 48 dự án đầu tư trực tiếp của Vương quốc Anh vào Việt Nam được cấp mới. Với số vốn đăng ký cấp mới đạt hơn 53 triệu USD tăng 157% so với cùng kỳ, đã duy trì mức đầu tư trực tiếp của Anh tại Việt Nam ở mức 4 tỷ USD. Anh nằm trong tốp 15 quốc gia hàng đầu đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Nhìn lại 1 năm thực thi Hiệp định UKVFTA, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên Lương Hoàng Thái thừa nhận, quan hệ kinh tế hai bên có nhiều điểm sáng đáng ghi nhận |
Nhìn lại 1 năm thực thi Hiệp định, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Lương Hoàng Thái cũng thừa nhận, quan hệ kinh tế hai bên có nhiều điểm sáng đáng ghi nhận. Dù thời gian thực thi hiệp định còn tương đối ngắn để có đánh giá đầy đủ nhưng với số liệu ban đầu có thể thấy quá trình thực thi đã mang lại kết quả tích cực với cả hai bên.
Với mức tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam năm đầu tiên có UKVFTA trên 16% thì đây là mức tăng tương đối lớn so với những thị trường khác. Đặc biệt, xuất khẩu sang Anh đạt trên 5 tỷ USD, trong đó có nhiều nhóm mặt hàng tăng trưởng cao như nông sản, chế biến chế tạo (phương tiện vận tải phụ tùng tăng 34%, máy móc thiết bị tăng 16%).
“Rõ ràng, đây là năm đầu tiên hai bên tiến hành giảm thuế cho nhau nên tác động chưa phải lớn nhất, nhưng với những con số này đây là tín hiệu rất tích cực”, Vụ trưởng Lương Hoàng Thái đánh giá.
Dư địa hợp tác còn rất lớn
Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) nhận xét, nếu như trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và nhiều đối tác FTA khác, ít nhiều tồn tại sự cạnh tranh thì thị trường Việt Nam và Anh quốc có cơ cấu bổ sung cho nhau, gần như không có sản phẩm nào cạnh tranh trực tiếp, đối đầu.
Bên cạnh đó, hiệp định UKVTA cũng đã mở ra cánh cửa cho các nhà đầu tư đến từ Anh quốc. Trong năm 2021, đã có 48 dự án đầu tư trực tiếp từ Vương quốc Anh vào Việt Nam được cấp mới với số vốn đăng ký cấp mới đạt hơn 53 triệu USD, tăng trưởng 157% so với cùng kỳ, duy trì mức đầu tư trực tiếp của Vương quốc Anh vào Việt Nam ở mức 4 tỷ đô la Mỹ. Hiện nay, Vương quốc Anh đang nằm trong nhóm 12 nước có vốn đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Việt Nam.
Phân tích sâu hơn về dư địa phát triển tại thị trường Vương quốc Anh, Vụ trưởng Lương Hoàng Thái cho rằng, UKVFTA đã đưa quan hệ thương mại 2 bên lên tầm cao mới. Trước đây, khi cả giai đoạn đầu chúng ta còn khó khăn, quan hệ thương mại giữa hai bên chủ yếu dựa trên ưu đãi đơn phương của Anh dành cho Việt Nam thông qua Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Đến nay, khi chúng ta đã đạt đến quy mô và trình độ nhất định, FTA là khuôn khổ “có đi có lại”.
Một cơ hội nữa cho Việt Nam, Anh là quốc gia nắm nhiều công nghệ nguồn, với hàng hóa có chất lượng rất cao. Trong năm đầu tiên thực thi hiệp định, xuất khẩu của Anh sang Việt Nam đã có mức tăng trưởng rất khá ở mức 23,6%, nếu so với các thị trường khác con số này tăng không nhỏ.
Theo các chuyên gia, dư địa hợp tác giữa Việt Nam và Vương quốc Anh còn rất lớn |
Đáng quan tâm hơn, những mặt hàng hai bên dự tính tập trung hợp tác trong quá trình đàm phán như mặt hàng dược phẩm tăng tới 35%. Hay những mặt hàng khác Anh có thế mạnh như nguyên vật liệu, linh kiện máy tính đều có tăng trưởng xuất khẩu sang VIệt Nam khá trong năm đầu.
Nói về đầu tư, ông Lương Hoàng Thái cho rằng, dư địa thúc đẩy hơn nữa quan hệ đầu tư với Anh còn rất lớn. Một năm chúng ta nhìn chưa rõ về kỳ vọng thu hút đầu tư của Anh vào Việt Nam,
Dù năm đầu tiên đầu tư từ Anh vào Việt Nam có tăng nhưng tăng nhẹ. Bởi tác động về đầu tư trong các FTA thường sẽ lâu hơn so với tác động thương mại. Để xây dựng và thực thi những dự án đầu tư không thể nhanh được. Nhưng chúng ta kỳ vọng thời gian tới đầu tư từ Anh vào Việt Nam sẽ tăng cao hơn nữa.
Không chỉ trong đầu tư, đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên cho rằng, còn có nhiều ngành hàng Việt Nam có tiềm năng phát triển rất lớn như thủy sản, gạo… xuất khẩu sang Anh mà chúng ta chưa tận dụng hết.
Nghị sĩ Graham Stuart – Đặc phái viên Thương mại của Thủ tướng Anh phụ trách Việt Nam, Lào, Campuchia bày tỏ sự lạc quan về hợp tác song phương giữa hai nước trong thời gian tới. Ngài nghị sĩ đánh giá cao các cam kết của Việt Nam tại COP26 vừa qua và khẳng định Vương quốc Anh luôn đồng hành của Việt Nam trong các dự án phát triển bền vững như các dự án điện gió ngoài khơi. Bên cạnh đó, nghị sĩ Stuart cũng mong muốn hai bên tăng cường thúc đẩy chuỗi cung ứng, hiện thực hoá các mục tiêu đã đặt ra trong hiệp định này.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng cho rằng, việc Vương quốc Anh đang tích cực đẩy mạnh quá trình đàm phán và ký kết các thỏa thuận thương mại sau khi hoàn tất Brexit cùng với việc Việt Nam đã và đang tham gia 15 FTA, trong đó có các FTA lớn như Hiệp định CPTPP, RCEP, EVFTA và đặc biệt là cả 2 nước đang cùng thúc đẩy UKVFTA sẽ tạo ra những cơ hội hấp dẫn để cộng đồng doanh nghiệp 2 nước tăng cường hợp tác, tận dụng các thế mạnh của nhau, từ đó gia tăng hơn nữa giá trị gia tăng từ hoạt động trao đổi kinh tế, thương mại.