Lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành, công khai vi phạm an toàn thực phẩm dịp Tết
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long - Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm, vừa ký ban hành “Kế hoạch triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Nhâm Dần và Lễ hội xuân 2022”.
Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm sẽ thành lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố trước ngày 5/1/2022 |
Nội dung Kế hoạch nêu rõ, Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 đang đến gần, thời gian nghỉ Tết kéo dài, đồng thời sau Tết Nguyên đán là mùa lễ hội diễn ra trên phạm vi cả nước, nhiều lễ hội kéo dài với nhiều lượt khách tham dự. Tết Nguyên đán là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn trong năm, nhất là các thực phẩm thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu bia nước giải khát, các loại hạt có dầu…
Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng gia tăng việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm. Bên cạnh đó thời gian này thời tiết phía Bắc thường ẩm ướt, phía Nam thường nắng nóng gay gắt; đây là những yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm.
Kế hoạch triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Nhâm Dần và Lễ hội xuân 2022 với mục tiêu nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm; tăng cường kiểm soát, xử lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và Lễ hội xuân 2022.
Theo đó, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm sẽ thành lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố trước ngày 5/1/2022.
Tại địa phương, sẽ thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tại các cấp, từ cấp tỉnh đến quận/huyện, xã/phường từ 5/1/2022 đến 12/3/2022 .
Kế hoạch sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành từ trung ương đến cấp xã tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và Lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu, các thành phố lớn.
Đồng thời, tuyên truyền các mô hình sản xuất, kinh doanh, các sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn, các sản phẩm truyền thống của địa phương nhằm quảng bá, khích lệ sản xuất sản phẩm thực phẩm an toàn, mang đậm nét truyền thống, đặc sản địa phương...
"Hàng tuần sẽ công khai các cơ sở, cá nhân bị phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm nhằm cảnh cáo, răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm trái pháp luật”, nội dung Kế hoạch của Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương nêu rõ.
Ngoài ra, Kế hoạch cũng nêu rõ việc đẩy mạnh tuyên truyền đến người tiêu dùng, không mua thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh không đảm bảo an toàn; không mua sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng.
Người dân không nên mua, tích trữ quá nhiều thực phẩm trong ngày Tết để tránh sử dụng sản phẩm không tươi, mất dinh dưỡng, hoặc mốc hỏng.
Truyền thông với người tiêu dùng về phòng ngừa ngộ độc rượu trong mùa lễ hội. Phòng ngừa ngộ độc nấm, như tuyệt đối không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại kể cả nấm màu trắng...; không ăn thử nấm, không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo, khó nhận dạng nấm độc; không ăn nấm đã bị dập nát, hư hỏng.