Tái khởi động xúc tiến thương mại truyền thống cho ngành thủy sản
Theo VASEP, xuất khẩu thủy sản năm 2021 dự kiến sẽ đạt được kim ngạch 8,7 tỷ USD, vượt qua một năm đầy khó khăn và thách thức khi đối mặt trực tiếp với những tác động khó lường của đại dịch Covid-19.
Ba ngành hàng xuất khẩu thủy sản chủ lực là tôm, cá tra, cá ngừ vẫn duy trì được năng lực sản xuất chế biến, trong đó xuất khẩu tôm tiếp tục là trụ cột cho tăng trưởng năm 2021.
Đại diện VASEP cho rằng, xúc tiến thương mại trực tiếp, truyền thống vẫn là kênh xúc tiến xuất khẩu hiệu quả nhất, tìm được khách hàng tin cậy nhất, do vậy cần tái khởi động lại phương thức này để doanh nghiệp thủy sản phục hồi nhanh chóng |
Đại diện VASEP cho rằng, đến thời điểm này, mặc dù đạt được kim ngạch xuất khẩu cao hơn mong đợi nhưng ngành thủy sản vẫn mới hồi phục được 50-70% do dịch bệnh vẫn tiếp diễn phức tạp tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, nơi chiếm hơn 80% nhà máy chế biến thủy sản. trong khi đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn tiếp tục gặp khó khăn để duy trì sản xuất và phục hồi.
Tuy nhiên, theo VASEP, các thị trường xuất khẩu đã đi vào giai đoạn hồi phục khi các nước triển khai tiêm vắc xin trên diện rộng. Nhu cầu thị trường tăng cao nhất trong vòng hai năm qua, đặc biệt khi bước vào Quý III/2021. Dự báo nhu cầu thực phẩm nói chung và thủy sản nói riêng sẽ tiếp tục tăng cao trong năm 2022 khi đại dịch dự báo sẽ suy yếu.
Thông tin về các hình thức xúc tiến thương mại, ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng thư ký VASEP cho biết, hai năm qua, các hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống của Hiệp hội đều tạm ngưng do đại dịch, không tổ chức được 3 hội chợ chuyên ngành thủy sản lớn nhất thế giới tại khu vực Châu Âu và Bắc Mỹ và Trung Quốc. Trong khi, đây là những hội chợ uy tín và có quy mô lớn nhất trên thế giới hiện nay, thu hút tất cả các nước cung cấp thủy sản cho toàn cầu.
Sức hút của các hội chợ này không chỉ là các giao dịch thương mại hàng tỷ đô la mà còn là nơi để các doanh nghiệp tìm hiểu nhu cầu thị trường, các xu hướng thực phẩm đang và sẽ đi theo và quan trọng hơn đây là nơi giới thiệu sinh động nhất về sản phẩm.
Theo đại diện VASEP, thủy sản là ngành thực phẩm chuyên về chế biến sâu, đông lạnh, có đặc thù là cần phải thử, nếm, nhìn được màu sắc, độ tươi của sản phẩm để có sự cảm nhận đầy đủ nhất. Các doanh nghiệp cũng đánh giá rằng kênh hội chợ truyền thống cho đến nay vẫn là kênh xúc tiến thương mại hiệu quả nhất, tìm được khách hàng tin cậy nhất.
Lãnh đạo VASEP tin tưởng, năm 2022 chắc chắn sẽ là năm nhu cầu thực phẩm và thủy sản nói riêng sẽ tăng cao khi nhóm nhà hàng khách sạn, du lịch hồi phục. Để hỗ trợ ngành tiếp tục phát triển, tăng trưởng tốt trong năm 2022 và các năm sau, góp phần vào mục tiêu đến năm 2030 đạt kim ngạch xuất khẩu 16-18 tỷ USD, VASEP đề xuất tái khởi động các hoạt động tổ chức tham gia hội chợ truyền thống đã bị gián đoạn.
Về vấn đền này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, năm 2021 là một năm đầy khó khăn đối với mọi lĩnh vực của nền kinh tế trong đó có xuất khẩu nói chung và các hoạt động xúc tiến xuất khẩu nói riêng do tác động nặng nề của dịch bệnh. Trước bối cảnh hết sức khó khăn đó, nhờ sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương, sự nỗ lực chủ động vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức xúc tiến thương mại, hoạt động xúc tiến thương mại đã chuyển đổi mạnh mẽ, giúp duy trì sản xuất và xuất khẩu, đóng góp tích cực vào kết quả ấn tượng của hoạt động xuất nhập khẩu đạt được trong năm 2021.
Tính đến hết tháng 11 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu đạt 602 tỷ USD tăng 22,8% so với cùng kỳ, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 11 tháng đạt 301,73 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2021 ước đạt khoảng 331,1 tỷ USD, tăng 17,2% so với năm 2020.
Thời gian tới, để xúc tiến thương mại đạt hiểu quả hơn nữa, lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, doanh nghiệp, Hiệp hội cần quan tâm đến chuyển đổi số |
Đặc biệt, trong năm 2021, hoạt động xúc tiến thương mại đã có sự đổi mới mạnh mẽ về phương thức. Trong điều kiện hết sức khó khăn do tác động của dịch bệnh, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội nỗ lực nghiên cứu, ban hành kịp thời cơ chế hỗ trợ xúc tiến thương mại, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình, phương thức xúc tiến mới mới dựa trên việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Nhờ đó, các hoạt động xúc tiến thương mại được duy trì và triển khai mạnh mẽ trong năm qua và được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận đánh giá cao.
Thời gian tới, để làm tốt hơn nữa công tác xúc tiến thương mại, lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, đầu tiên là để doanh nghiệp ý thức hơn nữa đến việc tạo ra các sản phẩm xanh, sạch, được sản xuất theo phương thức bền vững nhất và coi lợi ích của người tiêu dùng là tối thượng.
Ngoài ra, cần chú trọng đến đảm bảo cân đối cán cân thương mại, việc đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu cũng nên đi đôi với xúc tiến nhập khẩu.
Hơn nữa, phải quan tâm đến môi trường pháp lý của chuyển đổi số, chú ý đến phương tiện và mô hình chuyển đổi số, đặc biệt là chú trọng đào tạo kỹ năng cho doanh nghiệp để đi lên trong môi trường số.
Cùng với đó là chú trọng cải cách thủ tục hành chính, thuế nhập khẩu… tạo tiền đề cho công tác xúc tiến thương mại ngày càng hiệu quả.